Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/11/2017

T.T| 02/11/2017 09:10

KHPT - Từ 1/11, chính sách mới về kinh doanh rượu; cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều có hiệu lực.

Bãi bỏ điều kiện về diện tích trong cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Nghị định 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá quy định mới về điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá. Theo đó, Nghị định 106/2017/NĐ-CP  đã bãi bỏ điều kiện diện tích điểm kinh doanh thuốc lá phải từ 3 m2 trở lên trong điều kiện cấp giấy phép. Đồng thời bãi bỏ điều kiện: Phải có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 2 xe có tải trọng từ 500 kg trở lên).

Để được cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau: Được thành lập theo quy định pháp luật; Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải có văn bản giới thiệu của nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh...

Theo quy định mới này, doanh nghiệp không cần hợp đồng mua bán của nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá như hiện nay.

Cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet

Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017 (thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ). Theo nghị định này, các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm có: Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại nghị định này; Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu.

Việc cho thuê, cho mượn giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... cũng là những hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh rượu.

Phạt tới 8 triệu đồng khi đổ rác thải vào công trình thủy lợi

Đây là một trong những quy định tại Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Theo đó, đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi, bị xử phạt như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng dưới 0,5 m3;

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 1 m3;

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 1 m3 đến dưới 3 m3;

- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 3 m3 đến dưới 5 m3;

- Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 5 m3 trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/11/2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO