BV. Phạm Ngọc Thạch: Phát triển theo hướng điều trị khép kín

23/02/2005 10:13

Cái khó của BV. Phạm Ngọc Thạch là mỗi năm tiếp nhận khám và điều trị cho số lượng bệnh nhân rất lớn với 12.000 bệnh nhân (BN) lao và khoảng 10.000 BN không lao nhưng chủ yếu là bệnh nhân nghèo, bệnh xã hội, bệnh lây nhiễm, đặc biệt là khoảng 2000 BN HIV/AIDS nên phần chi luôn cao hơn phần thu.

Phần lớn bệnh nhân HIV khi vào BV đã chuyển sang giai đoạn AIDS nên tỉ lệ tử vong rất cao, trong khi đó họ lại bị gia đình ruồng bỏ nên toàn bộ việc chăm sóc đều do nhân viên y tế đảm nhận. Công việc quá vất vả trong môi trường làm việc rất khắc nghiệt, tỉ lệ lây nhiễm cao gấp 8 lần so với các bệnh viện khác trong khi đó thu nhập quá thấp đã khiến nhiều nhân viên rời bỏ bệnh viện.

Trở thành bác sĩ năm 1982, bác sĩ Hoàng Thị Quý đã có nhiều năm công tác trong ngành y. Ra trường chị xung phong về bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - nơi rất khó tuyển nhân viên vì môi trường lây nhiễm cao mà thu nhập lại thấp. Ở đây, chị được phân công làm Bác sĩ điều trị rồi Trưởng khoa lao, Phó Giám đốc,…

Năm 1998, trở thành Giám đốc BV trong bối cảnh này không còn cách nào khác phải tìm cách bứt phá để phát triển bệnh viện, tạo thêm điều kiện khám chữa bệnh cho BN, tăng thu nhập cho nhân viên. Đầu tiên, chị động viên và tạo điều kiện cho nhân viên đi học nâng cao tay nghề, khuyến khích học sau đại học, giao quyền tự chủ giải quyết công việc cho các khoa phòng, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển bệnh viện.

THEO HƯỚNG ĐIỀU TRỊ KHÉP KÍN

Trước đây BV. Phạm Ngọc Thạch (BV PNT) chỉ là một BV chuyên khoa nội, tất cả BN phát hiện bệnh có chỉ định mổ đều phải gửi sang các BV khác và chỉ 20% trong số đó được mổ sớm, số còn lại do phải chờ đợi lâu khiến bệnh nặng thêm. Để tạo điều kiện cho bệnh nhân được chữa trị sớm, lãnh đạo BV PNT đã bứt phá bằng việc xây dựng BV PNT thành một BV điều trị khép kín với việc thành lập thêm một số chuyên khoa mới là khoa ngoại lồng ngực và khoa ung thư.

Để làm việc này, bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ, đưa đi đào tạo ở các BV trong vàngoài nước, mời các chuyên gia giỏi tới huấn luyện, tập thể lãnh đạo BV PNT mạnh dạn vay 23 tỉ vốn kích cầu để xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ. Lúc đầu cũng gặp sự phản ứng của một số nhân viên vì sợ không có tiền để trả nhưng vì người bệnh và sự phát triển của BV, Ban Giám đốc vẫn quyết tâm thực hiện. Để có công trình xây dựng được đánh giá có chất lượng cao như hiện nay, chị luôn theo sát quá trình xây dựng. Song song đó là ứng dụng các kỹ thuật mới để chẩn đoán sớm ung thư phổi và phế quản, phát triển kỹ thuật sinh học phân tử định chủng BK, Virus HIV,…

Tới nay khoa ngoại lồng ngực đã tiến hành được 30 ca đại phẫu. Để chẩn đoán sớm bệnh ung thư, BV đã đầu tư máy CT Scanner với phần mềm kỹ thuật “Lung care” có khả năng chẩn đoán ung thư từ khi mới chỉ là những nốt nhỏ đơn độc. Từ khi đưa khoa ung thư vào hoạt động, BN ung thư đã được điều trị sớm mà không phải chuyển sang BV. Ung Bướu như trước. Hướng tới, BV sẽ mở thêm khoa miễn dịch dị ứng và khoa lao ngoài phổi, đầu tư thêm 37 tỉ đồng để xây dựng khoa hồi sức - cấp cứu và HIV.

Không chỉ đảm nhiệm việc khám và điều trị cho 600 giường nội trú, 900 giường ngoại trú, nơi đây còn được giao phụ trách công tác phòng chống lao cho 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, cho 17 trường, trại cai nghiện và 22 tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Địa bàn phụ trách là rất rộng song BV PNT chưa bao giờ bị quá tải là do đã xây dựng rất thành công mạng lưới chống lao tại các tuyến cơ sở.

Nhằm giảm tải cho BV, tiết kiệm cho các trường, trại trong chuyển viện, giảm việc trốn trại của học viên trong quá trình chuyển viện, BV đã tổ chức thành lập các tổ chống lao tại các trường trại, chẩn đoán và điều trị tại chỗ, quản lý và cung cấp thuốc tại chỗ.

Nhờ quan hệ quốc tế của BV rất mạnh, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ rất nhiều cho BV trong việc đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ…

Không chỉ làm tốt công tác quản lý, BS. Hoàng Thị Quý còn là Ủy viên thường vụ năng nổ của Đảng ủy Sở Y tế, tổ chức liên tục những đợt khám chữa bệnh từ thiện cho vùng sâu, vùng xa, chị còn dành thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Chị là chủ của khá nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài được đăng trên nguyệt san, chuyên san quốc tế, được báo cáo tại các Hội nghị quốc tế.

Bệnh viện ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên ngày càng ổn định đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy công việc chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. BV. Phạm Ngọc Thạch đã 7 năm liền được công nhận là BV xuất sắc toàn diện,được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3. Riêng chị, năm 2002 vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, chiến sĩ thi đua 7 năm liền cùng nhiều huy chương và bằng khen.

Để được như ngày hôm nay, chị cho biết: “Đó là nhờ sự đồng lòng góp sức của cả một tập thể bệnh viện và sự thấu hiểu, ủng hộ của cấp trên. Bên cạnh đó là sự cảm thông và chia xẻ công việc nhà của các thành viên trong gia đình với người chồng hiện đang là Viện phó Viện Sốt rét - Ký sinh trùng & Côn trùng thuộc Bộ Y tế và 3 người con đã trưởng thành”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BV. Phạm Ngọc Thạch: Phát triển theo hướng điều trị khép kín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO