Bình Chánh: Quyết định 655, động lực để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị nhanh hơn

HOÀI AN| 29/06/2020 08:04

KHPTO - Chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp khi được triển khai trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM, giúp quá trình chuyển đổi mô hình được nhanh chóng, hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Để chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM đi vào cuộc sống, giúp nhà nông, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn, UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và các đơn vị liên quan có sự phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền cũng như tăng cường giải pháp: giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ... Từ đó, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bình Chánh tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, tính đến cuối năm 2019, huyện đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ sử dụng vốn vay cho 861 hộ dân về chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố (theo các Quyết định 13, Quyết định 655, Quyết định 04) với tổng số tiền vay hơn 436 tỷ đồng. Nguồn vốn này được các chủ đầu tư triển khai theo đúng phương án được phê duyệt, chuyển đổi sang những mô hình cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao trong số đó có thể kể đến là mô hình của anh Huỳnh Tấn Thuận (xã Hưng Long), từ nguồn vốn vay 4 tỷ đồng, đầu tư 1 ha trồng lan dendro, đã giúp anh Thuận có lãi 990 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho người lao động tại địa phương với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Hoặc mô hình của ông Nguyễn Đình Quát (xã Lê Minh Xuân), từ nguồn vốn vay 1 tỷ đồng, đầu tư 3 ha trồng dừa, thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Với anh Nguyễn Văn Hồng (xã Bình Hưng) cũng với nguồn vốn vay 2 tỷ đồng, đầu tư nuôi 2,6 ha cá, đã giúp anh Hồng thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

Từ đó cho thấy, nhờ được tiếp cận vốn mà hàng trăm hộ đã chuyển đổi mô hình, nhất là một số loại cây - con có giá trị kinh tế cao như: trồng lan, trồng mai, dừa, nuôi cá... phát triển kinh tế hiệu quả hơn, giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của huyện Bình Chánh đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn gặp nhiều khó khăn do các rào cản về tài sản thế chấp... dẫn đến một số hộ dân, thành viên hợp tác xã cần nguồn vốn cao để đầu tư sản xuất hoa, cây kiểng, trồng rau thủy canh, trồng dưa lưới và xây dựng nhà trồng nấm... thế nhưng rất khó để tiếp cận vốn vay.

Trước thực tế trên, thời gian tới, UBND huyện Bình Chánh tiếp tục nâng cao hiệu quả của chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Đồng thời, giúp người dân giải quyết những thắc mắc, khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Chánh: Quyết định 655, động lực để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị nhanh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO