Bia đá Hán Nôm xứ Huế

VŨ HÀO| 07/09/2017 09:36

KHPT - Tuy không còn nguyên vẹn vẻ uy nghiêm, sắc sảo như xưa, nhưng các bia đá Hán Nôm ở Thừa Thiên Huế vẫn là những chứng nhân lịch sử về một thời kỳ hưng thịnh và hào hùng của dân tộc. Trên bia đá xanh rêu, thể hiện nét tài hoa lịch lãm về nghệ thuật, văn học, điêu khắc, mỹ thuật...

Hỏi đá xanh rêu

Tính đến nay, ở Việt Nam, văn bia Hán Nôm có niên đại cổ xưa nhất là bia đá “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đại tràng bi văn” (ghi rõ năm 618 trước Công nguyên) ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa, cố đô Huế là ba địa phương còn lưu giữ khá nhiều bia đá Hán Nôm cổ xưa, bởi đây vốn là kinh đô của các triều đại nhà Lê, Hồ, Nguyễn...

Ở Thừa Thiên Huế, kinh đô thời phong kiến nhà Nguyễn, giá trị bia đá Hán Nôm cổ còn đến ngày nay, rất phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, văn học. Các nhà nghiên cứu Huế như:  Hồ Tấn Phan, Phan Thuận An, xếp chung tất cả các bia đá Hán Nôm có liên quan đến triều Nguyễn là bia “Cung đình” hay bia “Ngự chế”. Đấy là những bia đá khắc những bài văn (gồm cả văn, thơ, phú, ký...) do các vua Nguyễn sáng tác, hoặc do quan lại triều đình theo lệnh vua biên soạn và khắc dựng.

Văn bia là một tài liệu, di sản Hán Nôm rất quý hiếm, nhưng ở Thừa Thiên Huế đa số nội dung chủ yếu là thơ phú của các ông vua, đề vịnh những cảnh đẹp, tiêu biểu như chùm thơ “Thánh Duyên (chùa Túy Vân) Tự Chiêm Lễ” của vua Minh Mạng, hay “Thuận An Tấn Ký và Thuận An Bát Thập Vận” của vua Tự Đức...

Màu thời gian phai tàn

Trong tất cả 13 đời vua Nguyễn, đáng chú ý nhất là các bia đá Hán Nôm được chế tác, dựng lên trong thời đế chế hưng thịnh của ba vị vua là Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Vua Thiệu Trị đặc biệt thích làm văn bia, dù ông chỉ ở ngai vàng ngắn ngủi 7 năm, công trạng cũng không có gì nổi bật, nhưng lại có số lượng bia “Ngự chế” nhiều nhất nước (14 bia). Vua Minh Mạng và Tự Đức xếp thứ hai, có 6 bia.

Theo nghiên cứu của ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, để tôn vinh 20 cảnh đẹp trên đất Huế, năm 1845, vua Thiệu Trị đã sai khắc chùm thơ “Thần kinh nhị thập cảnh” vào bia đá, dựng lên tại 12 thắng cảnh, nằm rải rác trên các huyện của Thừa Thiên Huế. Nay vẫn còn, điển hình cho loại bia “thơ du lịch” của vua là tác phẩm “Vân Sơn thắng tích”, dựng trong nhà bia dưới chân núi Túy Vân, bên phía tay trái trên đường vào chùa. Cũng theo ông Phan Thanh Hải, 12 tấm bia đá khắc thơ của vua Thiệu Trị chỉ còn 8 tấm.

Hiện nay, phần lớn các bia đá cổ đang bị hư hỏng nặng như bia “Bình Lĩnh Đăng Cao” (ở núi Ngự Bình), bia Tiến sĩ Võ ở Võ Thánh miếu, bia ở hành cung Thuận An, bia đá sông Phổ Lợi Hà. Các nội dung quan trọng về lịch sử - địa chí - văn hóa dần dần sẽ mất đi theo thời gian, ngày càng ít có người đọc hiểu chữ Hán Nôm. Thiết nghĩ, với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, các bia đá Hán Nôm xứ Huế cần được giữ gìn, bảo tồn, để làm cơ sở nghiên cứu cho các thế hệ sau này.

ANH_1_Bia_da_Ngu_che_o_lang_Minh_Mang

Bia đá Ngự chế ở lăng Minh Mạng được phục chế hoàn chỉnh năm 2012 - Ảnh: T.L

ANH_4_Bia_ngu_che_tai_Tuy_Van_Son_cua_Minh_Mang

Bia Ngự chế tại Túy Vân Sơn được nhà chùa giữ gìn khá tốt - Ảnh: T.L

ANH_2__Cac_bia_Tien_si_Vo_o_Vo_Thanh_Hue

Các bia Tiến sĩ Võ ở Võ Thánh Huế - Ảnh: T.L

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bia đá Hán Nôm xứ Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO