Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: dịch đang ở ngưỡng thấp chưa cần giãn cách xã hội

VỸ PHƯỢNG| 04/08/2020 01:27

KHPTO - Mặc dù TP.HCM là địa phương có nguy cơ thấp về dịch bệnh, nhưng vẫn phải áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập không quá 30 người ngoài phạm vi công sở, trường học, đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào chiều ngày 3/8.

Thành phố Hồ Chí Minh đang ở ngưỡng an toàn

Phân tích diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam và TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, dù đang ở ngưỡng an toàn, nhưng TP.HCM vẫn có những nguy cơ do số người từ Đà Nẵng về; nếu còn khoảng 1.000 người về, thì số ca nhiễm sẽ tăng.

Nguy cơ khác là từ người nước ngoài. Bí thư TP.HCM dẫn số liệu của Công an TP.HCM, trong tháng 7 đã có trên 100 người nhập cảnh trái phép. Do vậy, phải cắt nguy cơ bằng cách kiểm soát chặt người từ Đà Nẵng về hoặc đến TP.HCM, ngăn chặn quyết liệt người nước ngoài xâm nhập trái phép vào TP.HCM.

Trên cơ sở đó, Bí thư TP.HCM đề nghị TP.HCM chỉ đạo triển khai công tác truyền thông; trong đó, biện pháp đeo khẩu trang là hàng đầu, biện pháp này dễ làm, không tốn tiền nhưng cần phải có ý chí.

Bí thư TP.HCM chỉ ra, hiện có trên 20% số người không đeo khẩu trang.

Để chấn chỉnh, Bí thư TP.HCM đề nghị các quận, huyện cần siết chặt, kiểm tra nhắc nhở người không đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, người từ vùng dịch về phải tự cách ly.

Với những người không cách ly, Bí thư TP.HCM khuyến khích người dân tố giác để đưa đi cách ly.

Còn với người nước ngoài về không rõ tạm trú, người dân cần tố giác để công an xử lý.

Với các trường hợp người nước ngoài cấu kết với người Việt tổ chức đưa người xâm nhập trái phép vào TP.HCM vừa bị Công an TP.HCM phát hiện, Bí thư TP.HCM đề nghị xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhanh chóng đưa ra khởi tố, xét xử.

Bí Thư TP.HCM nhấn mạnh, chúng ta phòng chống dịch ở trạng thái bình thường mới, vẫn sản xuất kinh doanh nhưng phải áp dụng bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại nơi sản xuất, kinh doanh. Trong khi dịch vẫn đang ở ngưỡng thấp thì chưa cần giãn cách chặt chẽ như trước đây, nhưng vẫn phải kiểm soát người vào nhà máy, vào cơ quan, rửa tay sát trùng phải làm triệt để.

Đối với tài xế, khi vận chuyển mà phát hiện người từ vùng dịch về hoặc người xâm nhập trái phép phải báo cáo ngay để công an kịp thời xử lý, tránh mất dấu.

Bí thư TP.HCM nhấn mạnh, dù là địa phương nguy cơ thấp về dịch cũng phải hạn chế tụ tập không quá 30 người ngoài phạm vi công sở, trường học.

Bí thư, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất chưa thực hiện giãn cách xã hội, chỉ khoanh vùng nơi có ca nhiễm.

Song song đó, cần chuẩn bị phương án cho việc cách ly, hiện nay số người nhiễm là 8 người thì phải triển khai tình huống 50 người nhiễm, và số phải cách ly là bao nhiêu, rồi duy trì đội ngũ bác sĩ để luân phiên; nếu số người nhiễm gần 50 người, thì phải chuẩn bị sẵn sàng phương án cho 100 người nhiễm, chúng ta phải có chuẩn bị phương án sẵn sàng 10.000 chỗ cách ly.

Dù TP.HCM còn an toàn, nhưng vẫn còn nguy cơ, nên phải phòng ngừa, ngăn chặn từ xa. 

Bí thư TP.HCM khuyến cáo “Mỗi gia đình là một chiến sĩ chống dịch tự bảo vệ mình, đồng thời, phải là tổ chiến đấu, tổ công tác tự ngăn chặn việc lây nhiễm của mình”.

Ngoài ra, vai trò của mặt trận đoàn thể trong việc vạn động tuyên truyền, giám sát hết sức quan trọng.

Theo Bí thư TP.HCM, 3 việc quan trọng phải làm ngay là: đeo khẩu trang, sản xuất kinh doanh an toàn, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Về việc này, đề nghị ngành công an nên có 1 tháng rà soát người tạm trú trên địa bàn toàn TP.HCM, ngày 15/8 báo cáo kết quả cho ban chỉ đạo, sau đó làm tiếp và báo cáo lần thứ 2.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP.HCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch, hiện TP.HCM có 8 ca nhiễm mới từ 30/7 (xuất phát từ Bệnh viện Đà Nẵng), không có ca tử vong, không có cán bộ y tế bị lây nhiễm chéo.

Qua điều tra dịch tễ, từ 8 ca nhiễm mới, đã xác định được 724 người tiếp xúc gần và có liên quan; trong đó, 627 người đã lấy mẫu xét nghiệm, 235 người có kết quả âm tính, 392 người đang chờ kết qua; TP.HCM đã tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo quy định, tiếp tục truy vết người tiếp xúc để cách ly.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, từ ngày 21 - 31/7, qua rà soát, công an đã phát hiện xử lý 114 người nhập cảnh trái phép lưu trú trên địa bàn TP.HCM. Tất cả những người phát hiện đều được cách ly tập trung. Dịch Covid-19 dự báo sẽ lan rộng, phức tạp, nếu không khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, kịp thời thì sẽ diễn tiến phức tạp, nên không được lơ là, chủ quan. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch một cách hiệu quả. Với nhận định đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở - ngành, quận - huyện quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Xác định phòng chống dịch còn dài, sống chung với dịch bệnh để có cách thức chỉ đạo điều hành cho phù hợp với từng thời điểm phát sinh trong giai đoạn mới. Chống dịch nhưng phải chú ý duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, chưa đến mức phải cách ly xã hội, chỉ khoanh vùng những nơi có ca nhiễm.

Về tổ chức họp, trước mắt, họp trực tuyến, trường hợp buộc phải họp trực tiếp phải thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM; khuyến khích cài đặt Blue Zone trên điện thoại.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị có biện pháp phòng chống dịch.

Theo đó, đối với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị cần triển khai ngay chương trình chuyển đổi số, trong đó, đăng ký triển khai dịch vụ công mức độ 4; đồng thời, tập trung cho công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; có kế hoạch phân phối 2 triệu tờ rơi với 4 thứ tiếng đến những nơi đang xảy ra dịch bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cài đặt ứng dụng Blue Zone nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

Đối với Sở Y tế TP.HCM, cần rà soát quy trình phòng chống dịch, tham mưu đề xuất khắc phục những bất cập trong phòng chống dịch. Cụ thể việc xác định rõ ràng, cụ thể các trường hợp nào cần cách ly tại nhà và cách ly tập trung; cách ly người Việt về từ các quốc gia có dịch về. Phải huy động nhân lực để đẩy nhanh công tác xét nghiệm các trường hợp về từ Đà Nẵng. Đối với trường hợp người Nhật nhiễm (1 Công ty ở Lâm Đồng), dù đã được cách ly tại Nhật rồi, nhưng phải truy vết những người ngồi chung khoang (hành trình bay từ Liên Khương – Tân Sơn Nhất) để cách ly, dập dịch.

Đối với Sở Công thương TP.HCM, cần khuyến khích kinh doanh trực tuyến, giao hàng tận nơi; chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân, nhất là khẩu trang, nước sát khuẩn, không để thiếu hàng và ổn định giá cả; thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh để ngăn chặn các hành vi trục lợi, lợi dụng nâng giá, đầu cơ làm xáo trộn cuộc sống người dân.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phải áp dụng biện pháp giao thông an toàn; trước mắt, tập trung đeo khẩu trang và sát khuẩn đối với hành khách; chưa cần giảm tần suất, cũng như chưa cần ngừng hoạt động một số phương tiện.

Công an TP.HCM cần quản lý chặt chẽ tạm trú, tạm vắng, kiểm tra người nước ngoài tạm trú trên địa bàn; xử lý nghiêm đưa tin giả, sai sự thật làm xáo trộn tư tưởng, gây hoang mang dư luận; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội tội phạm; tái lập lại các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.

Các Ban quản lý khu chế suất, khu công nghệ cao tại TP.HCM cần kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch cho doanh nghiệp.

Các quận - huyện trên địa bàn TP.HCM không được chủ quan trong phòng chống dịch, tăng cường kiểm soát tình hình đeo khẩu trang, không để nhân dân lơ là; chủ tịch quận - huyện chịu trách nhiệm với các trường hợp đi ra khỏi nhà khi đi khách ly.

Các quận - huyện cần thành lập các đội phản ứng nhanh để tuần tra, giải tán tập trung quá 30 người ngoài phạm vi công sở, trường học; lập danh sách người nhập cảnh trái phép lưu trú trên địa bàn, tổ chức cách ly, điều tra dịch tể, lấy mẫu xét nghiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Bắt đầu từ ngày 5/8/2020, TP.HCM sẽ tiến hành xử phạt hành chính hành vi không đeo khẩu trang, và công khai điểm bán khẩu trang, nước sát khuẩn đến từng khu phố, ấp, tổ dân phố; trường hợp nào tăng giá, khan hiếm hàng báo cáo ngay với Sở Công thương TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: dịch đang ở ngưỡng thấp chưa cần giãn cách xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO