Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân “đặt hàng” Hội đồng khoa học TP.HCM nghiên cứu, tham mưu nhiều vấn đề quan trọng

Bài, ảnh: HỒNG DUNG| 18/01/2018 09:40

KHPT - Hội đồng khoa học TP.HCM vừa tổ chức hội nghị khoa học lần thứ 4 tại Văn phòng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (số 224 Điện Biên Phủ, quận 3). Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và “đặt hàng” các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, tham mưu cho thành phố nhiều vấn đề quan trọng.

Tại hội nghị, ông Phan Minh Tân, phó chủ tịch Hội đồng khoa học, đại diện Hội đồng khoa học đề xuất: “HĐKH đi vào hoạt động khoảng hơn một năm. Qua thực tiễn, chúng tôi cần sự đặt hàng của TP về các đề tài cụ thể để HĐKH phát huy vai trò của mình, đóng góp, tham mưu cho lãnh đạo TP. Chúng tôi có một số ý kiến đề xuất với lãnh đạo TP.HCM về những đề tài mà HĐKH có thể tham gia trong thời gian tới. Thứ nhất về cơ chế đặc thù về phát triển của TP.HCM - cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của TP và hợp lý hóa bộ máy quản lý và xây dựng thành phố thông minh - vai trò của kinh tế trí thức và kinh tế số TP.HCM với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ hai, đề nghị thông tin cho HĐKH về tình hình TP, các giải pháp khắc phục khó khăn về giao thông, về ngập úng... Thứ ba, tổ chức cho các nhà khoa học trình bày các sáng kiến, ý kiến. Thứ tư, tổ chức HĐKH tham quan, tiếp cận các sáng kiến, thành tựu nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Xây dựng quy chế về đề xuất giải thưởng của TP về khoa học - công nghệ và thường xuyên củng cố tổ chức để phát huy vai trò của HĐKH một cách hiệu quả”.

Ông Trần Du Lịch, thành viên của HĐKH cho rằng: “Vấn đề ngập nước, phải tìm ra gốc vấn đề. Tình trạng xây dựng tràn lan, có những nơi trước đây là hồ chứa nước tự nhiên nhưng khi xây dựng đã san lấp luôn những hồ chứa này làm nước dâng cao gây nên tình trạng ngập nước. Chúng tôi đã có đề xuất TP, mỗi dự án xây dựng phải dành một diện tích đất khoảng 10% để xây dựng hồ điều tiết nước, nhằm giải quyết bài toán ngập nước nhưng cho đến nay vấn đề này chưa được quan tâm. Vấn đề xây dựng dự án phát triển quá nhanh, dày đặc, các khu đất trống đều đưa vào làm dự án nhà cao tầng, chung cư, phân lô bán nền... điều này làm tăng mật độ dân số quá nhanh, tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng...”.

Một số đại biểu đã đề xuất giải pháp về tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường nước, việc đốt rác thải và biến rác thải thành điện năng...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận đóng góp của HĐKH, đồng thời “đặt hàng” 11 đề tài TP đang quan tâm cần HĐKH nghiên cứu, tham mưu cho TP. Cụ thể các đề tài:

- Thứ nhất xây dựng đô thị thông minh, cần có cơ sở dữ liệu dùng chung để có thể truy cập phục vụ người dân. Bốn trung tâm cần tập trung là Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế xã hội, Trung tâm điều phối giao thông (đầu tiên là mô hình mô phỏng về giao thông đường phố xe buýt, tàu điện ngầm, đường sông...), Trung tâm điều hành TP và Trung tâm an ninh mạng TP.

- Thứ hai, về rác thải, hiện nay lượng rác chôn khá cao đến 70%, làm sao đến năm 2020 rác chôn giảm còn 50%, năm 2025 còn 20% và biến rác thành điện.

- Thứ ba, ngập nước là một vấn đề lớn, do biến đổi khí hậu làm tần suất mưa tăng, nước biển dâng (mỗi năm 0,5 - 1 cm) và nền đất lún xuống mỗi năm trên dưới 1 cm. Ba vấn đề gây ngập nước này là vấn đề rất quan tâm đối với TP. Do đó cần rà soát lại quy hoạch, cần đơn vị tư vấn để giải quyết dài hạn tình trạng ngập nước hiện nay. Về kẹt xe, Bí thư cho biết, hiện mới giải quyết theo cách giải pháp ngắn hạn là điều tiết thông minh. Giải pháp dài hạn, cần phải có phần mềm mô phỏng kết nối tổng thể của các phương tiện giao thông như xe buýt công cộng, tàu điện ngầm, tàu thủy, ca nô... Tuy nhiên, hiện chưa có phần mềm này. Bên cạnh đó chưa có giải pháp khống chế mật độ dân cư nhập cư vào TP tăng quá nhanh làm gia tăng tình trạng kẹt xe.

- Thứ tư, TP đang cần nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn năm 2019 - 2025, để ứng dụng phục vụ lĩnh vực y tế, giáo dục, các thiết bị trong gia đình. Đi vào trí tuệ nhân tạo, cần hiểu nền tảng trí tuệ nhân tạo là những cái gì? Phải phân biệt cái gì thuộc về sinh học, toán học, công nghệ thông tin. Từ đó có những chương trình đào tạo nền tảng và cần nghiên cứu gì về trí tuệ nhân tạo...

- Thứ năm, nghiên cứu các ngành công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến TP do quá trình tự động hóa từ nay đến năm 2025. Trước hết là các ngành dệt, may da giày, cao su. Đây là các ngành lực lượng lao động rất đông khi mà lực lượng này được thay thế bằng người máy, khi ngày càng xu hướng robot hóa, sẽ xảy ra làn sóng sa thải rất lớn. Như vậy, chúng ta cần nghiên cứu TP cần tham gia các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ gì? TP có cần trở thành trung tâm sản xuất robot?

- Thứ sáu, tổ chức lại phong trào sáng tạo TP, hiện đã có phong trào thi đua nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Cần phải tạo bầu không khí đi lên bằng sáng tạo. Cả hệ thống chính trị phải vận động phong trào sáng tạo và phải rà soát lại các hỗ trợ sáng tạo để ai có nhu cầu sáng tạo đều được hỗ trợ. Các chương trình nghiên cứu gắn với sáng tạo phải mạnh hơn và có giải thưởng “Công dân sáng tạo TP.HCM”, để phong trào trở thành nếp sống, văn hóa của TP.HCM.

- Thứ bảy, TP đang xây dựng khu đô thị sáng tạo TP.HCM gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, sẽ là hạt nhân công nghiệp lần thứ tư.

- Thứ tám, Bí thư nhấn mạnh: TP.HCM là một trong những thành phố có tỷ lệ sinh sản kém nhất cả nước, đây là dấu hiệu nguy hiểm. TP hiện chỉ 1,24 con trên đầu người. Mức sống cao nhất cả nước nhưng sinh sản kém nhất nước, đây sẽ là vấn đề phát triển không bền vững nếu không kịp thời có giải pháp. Vì vậy, cần nghiên cứu đề tài thực trạng gia đình và các giải pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững TP.HCM.

- Thứ chín, rà soát lại quy hoạch TP đến năm 2030.

- Thứ mười, nghiên cứu hiện trạng TP.HCM những bất hợp lý liên quan đến diện tích, dân cư và quy mô kinh tế của TP. TP.HCM cần tái cơ cấu hành chính, quy hoạch lại quận, huyện, phường, xã. Hiện nay, dân số ở các quận rất chênh nhau về dân số và diện tích, cần tính toán quy hoạch cho hợp lý, không nên để sự chênh quá lớn.

- Cuối cùng là phải thiết kế lại 7 chương trình mục tiêu TP đề ra. Đánh giá, báo cáo chi tiết cái nào làm được, chưa làm được của từng ngành kinh tế xã hội trong hai năm vừa qua. Đưa ra những mục tiêu nào chưa làm được và tập trung vào những chương trình có khả năng đạt mục tiêu để tránh lãng phí thời gian.

Hội nghị tiếp nhận chỉ đạo của Bí thư về những đề tài Bí thứ đã đặt hàng cho HĐKH, tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, để tham mưu góp ý cho lãnh đạo TP.

toan_cYnh_hYi_nghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân “đặt hàng” Hội đồng khoa học TP.HCM nghiên cứu, tham mưu nhiều vấn đề quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO