Bến Tre: Nhịp cầu nối những mùa xuân...

15/02/2008 09:21

Xuân Mậu Tý, về thăm quê hương Đồng Khởi. Thật ấn tượng khi biết được những cư dân xứ dừa rất thành công trong một nỗ lực xóa dần những cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Gần 500 cây cầu và hơn 60 km đường giao thông nông thôn từ nguồn tài trợ từ thiện đã đổi thay diện mạo của một vùng đất.

Ở cái nơi vùng sâu vùng xa này, để đến thực mục sở thị những công trình cầu, đường do nhân dân và nhà tài trợ cùng làm, hầu như trăm lần như một đều phải lội tiếp xe ôm và cuốc bộ luồn lách qua những con đường nông thôn ngoằn ngoèo rợp bóng dừa xanh nghiêng mình soi bóng nước.

Ông Dương Duy Phong, giám đốc Đoạn quản lý giao thông thủy bộ Bến Tre, cho biết: “Là cơ quan trực thuộc Bộ giao thông, chúng tôi thực sự thán phục sự quyết tâm đầy nhiệt tình cũng như tính hiệu quả trong công tác vận động tìm kiếm nguồn tài trợ của Hội khoa học kỹ thuật cầu đường và cá nhân chủ tịch hội là ông Hai Y, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre…”.

Cầu “dân lập” - họ đã làm điều đó như thế nào?

Nông dân Bến Tre xây cầu treo

Ông Trịnh Văn Y (Hai Y), chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường (KHKTCĐ) Bến Tre cho biết: “Trong nỗ lực xóa dần cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi, từ cây cầu đầu tiên mang tên cầu Trường Học (giúp trẻ an toàn đến trường nên đặt tên cho dễ…nhớ!) được xây dựng tại xã Tân Thành Bình - Mỏ Cày; tính đến nay đã có gần 500 cây cầu nông thôn và hơn 60 km đường bê tông đã được Hội KHKTCĐ Bến Tre vận động xây dựng từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm”. Điều đáng kể là không chỉ đơn thuần là cầu bê tông cốt thép truyền thống, 40 cây cầu treo do nhà từ thiện Toni Ruttiman người Thụy Sĩ tài trợ đã góp phần tạo nên nét đa dạng cho hệ thống giao thông nông thôn Bến Tre… Ông Hai Y tâm sự: “Cho đến nay, rất nhiều người vẫn cho rằng chúng tôi đã xây dựng được những chuyện… không tưởng từ những mơ ước viển vông! Và họ tìm hiểu xem “bí quyết” nào đã đem lại hiệu quả khả thi trong công tác vận động. Thật lòng, truyền thống nghĩa tình luôn dàn trải khắp mọi nơi và luôn có những tấm lòng nhân ái rộng mở, vấn đề là chúng ta làm cách nào để vận động mang tính thuyết phục…”.

Đó là sự phối hợp đồng cảm tích cực cả từ hai phía “cho” và “nhận”. Ông Hai Y khẳng định: “Trước hết chúng tôi tìm hiểu về thổ nhưỡng, môi trường, hoàn cảnh và nhu cầu qua lại những nơi thật sự cần thiết và sẽ phát huy tác dụng hỗ trợ cho bà con tốt nhất khi công trình được xây dựng. Sau đó triển khai vận động cả từ các nhà hảo tâm và cả nhân dân tại chỗ, người góp của người vần công…”.

Những kỹ sư chân đất

Minh chứng cho phương cách vận động hiệu quả trên đã được ông Tây xây cầu Toni Ruttiman làm rõ: “Thật ra chúng tôi chỉ có ý định tài trợ cho Bến Tre một cây cầu treo tương tự như chúng tôi đã tài trợ cho Campuchia và một số tỉnh khác của Việt <_st13a_place w:st="on"><_st13a_country-region w:st="on">Nam. Nhưng thật xúc động biết bao khi ngay trong ngày động thổ công trình đầu tiên, hàng trăm thanh niên trai tráng, phụ nữ, người già, con trẻ địa phương đã có mặt để cùng chúng tôi kéo cáp, đào móng, dựng trụ. Không chỉ có vậy, tỉnh còn tạo những điều kiện hết sức thuận lợi về giấy tờ thủ tục và giúp các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu... Chúng tôi đã triển khai nhiều công trình từ thiện xuyên lục địa, qua nhiều vùng lãnh thổ Á Âu Mỹ, nhưng thực sự chưa nơi nào có được sự nhiệt tình đồng lòng như cư dân ở đất này, thậm chí họ đã tự lực thi công cầu treo rất hoàn hảo khi chúng tôi đi vắng. Cũng chính vì lẽ vậy, sau đó tôi đã quyết định tài trợ cho Bến Tre 40 cây cầu treo có kinh phí mỗi chiếc hơn 300 triệu đồng”.

Thật ấn tượng biết bao khi chứng kiến những cây cầu treo Toni (tên thân thương bà con sở tại gọi những cây cầu treo) giờ đây được những “kỹ sư chân đất” xứ dừa thi công khá nhuần nhuyễn. Một “kỹ sư hái dừa” nhiệt tình cho biết: “Sau khi dựng cọc treo hai đầu cầu, chúng tôi căng hai đường cáp song song. Tiếp theo dùng thuyền neo thả các đoạn cáp treo thẳng đứng để treo tấm sàn (do thanh niên trai tráng trực tiếp thi công), việc còn lại là hiệu chỉnh cố định thế là xong”.

Cũng chính nhờ sự nhiệt tình đồng lòng của chính quyền và nhân dân sở tại, nhiều mạnh thường quân sau khi tài trợ xong một công trình đã rộng hầu bao tài trợ thêm công trình khác. Ông Đoàn Danh Tuấn, tổng giám đốc Công ty TNHH thép Toàn Thắng, tâm sự: “Sau khi tài trợ cây cầu Rạch Dừa (cầu thứ 169) tại ấp 6 xã Lương Hữu huyện Giồng Trôm, chứng kiến sự đoàn kết một lòng và sự vui mừng của bà con địa phương, thật xúc động khi thấy bác Bảy Bi đây dù năm nay đã 80 tuổi vẫn nhảy lên vui mừng trước cảnh qua sông không còn lụy đò, chúng tôi quyết định tài trợ cây cầu bê tông tiếp theo…”.

Chúng tôi từ giã địa danh đã từng là cái nôi đồng khởi cách mạng, để biết rằng nơi đây không chỉ “vùng lên” trong kháng chiến thần kỳ. Họ cũng đã và đang vùng lên với rất nhiều nỗ lực trong công cuộc xây dựng bộ mặt kinh tế nông thôn ngày càng giàu đẹp. O

Tính đến cuối năm 2007, từ cuộc vận động xây dựng nông thôn của Hội KHKTCĐ Bến Tre:

- Đã xây dựng hoàn chỉnh 488 cây cầu với tổng chiều dài 9.961 mét; bê tông hóa 72 đoạn lộ giao thông nông thôn dài 60 km; xây dựng được 17 trạm cấp nước sạch và 8 nhà tình thương với tổng kinh phí vận động 31.161.728 đồng từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước.

- Mới đây Hội đã vận động được sự hỗ trợ của Bộ hợp tác liên bang & phát triển CHLB Đức (75%) và Quỹ Schmitz (25%) tài trợ xây dựng 137 cây cầu với tổng vốn tài trợ 7,5 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Nhịp cầu nối những mùa xuân...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO