Bài 3: Nên đánh giá lại chương trình ngọt hóa!

Bài và ảnh: VỸ PHƯỢNG| 08/04/2020 08:55

KHPTO - Vùng Bắc Cà Mau hiện có diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha, trong đó, hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và gần 45.000 ha đất lâm nghiệp. Năm 2002, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Cà Mau là vùng ngọt hóa với diện tích 154.000 ha. Hiện sản xuất ở vùng này đan xen nhiều loại hình, trong đó, sản xuất hệ sinh thái ngọt 100.500 ha. Đây là vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất của tỉnh Cà Mau.> Bài 2: Đi qua vùng khô khát/ Bài 1: Vùng ngọt hóa đang sụt lún nghiêm trọng

Hiện nay, các huyện Trần Văn Thời và U Minh chịu dư chấn mạnh nhất với tình trạng sụt lún đê biển và sạt lở các tuyến giao thông nông thôn, kênh rạch, ao, đìa khô khát do thiếu nước ngọt, hàng trăm héc- ta rừng có nguy cơ cháy, hàng chục hộ sống gần đê biển có nguy cơ mất nhà cửa, đất đai.

Bài toán nan giải

Để tìm giải pháp khắc phục và phòng ngừa tình trạng sạt lở, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất giải pháp đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa vốn đang khô cạn, để tăng áp lực nước lên các bờ kênh với hy vọng làm giảm thiểu nguy cơ sụt lún, sạt lở.

Căn cứ để UBND tỉnh Cà Mau đưa ra giải pháp này là các địa phương vùng mặn đang có nước không diễn ra tình trạng sụt lún.

Ngoài ra, khi cống ngăn mặn Trùm Thuật Nam, thuộc xã Khánh Hải bị rò rỉ, nước mặn xâm nhập vào kênh thủy lợi thì các tuyến kênh này đã không còn diễn ra sụt lún.

Tuy nhiên, đề xuất này gây nhiều tranh cãi và chưa nhận được sự đồng tình của các nhà khoa học, các viện, trường, nhà chuyên môn và cả thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, bởi vì nó làm ảnh hưởng đến chương trình ngọt hóa của tỉnh.

Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Dân, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện U Minh bày tỏ:

“Theo tôi, việc đưa mặn vào vùng ngọt sẽ làm phá vỡ hệ sinh thái và muốn khôi phục lại tình trạng ban đầu sẽ tốn khá nhiều thời gian.

Vì một khi nước mặn đã thấm vào đất, bộ rễ bám sâu, khó hồi phục lại hệ sinh thái mặn như ban đầu.

Mặt khác, khi mùa hạn về, nước bị bốc hơi và mặn hòa tan trong nước, dẫn đến, muối vẫn còn tồn đọng trong đất.

Ngoài ra, thực hiện việc này cần một lượng nước mặn cực kỳ lớn, việc đưa vào dễ nhưng rút ra thì rất khó, vả lại rau màu là cây trồng không thể bị lẫn độ mặn, chúng sẽ bị chết”.

GS.TS. Lê Anh Tuấn trao đổi với phóng viên

Ông Nguyễn Long Hoai - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho rằng, Cà Mau là tỉnh duy nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mekong, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nguồn nước mưa, do vậy khi hạn mặn xảy ra, thiếu nước bổ sung cho vùng ngọt, khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng và nguy cấp.

Chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, Cà Mau tiếp tục đề nghị Chính phủ, ngành chuyên môn, nhà khoa học, các viện trường tìm giải pháp giúp Cà Mau phòng chống sụt lún, sạt lở. Đồng thời, đề xuất trong tình huống khẩn cấp, cho phép Cà Mau đưa nước từ sông Hậu về bổ sung cho vùng ngọt để phòng chống sụt lún, sạt lở. 


Về lâu dài, địa phương đề nghị triển khai dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bởi dự án này giúp kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt, lợ, tạo điều kiện sản xuất các mô hình sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng bán đảo Cà Mau (Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu) theo hướng bền vững với diện tích tự nhiên 384.120 hécta.

Đồng thời, kết hợp tuyến đê biển tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp, giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô.

Bên cạnh đó, Cà Mau cũng đề xuất nhanh chóng triển khai dự án hồ sinh thái chứa nước ngọt tại vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới.

Ngoài ra, Cà Mau sẽ cho khôi phục hệ thống ao, hồ theo cụm tuyến dân cư để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cùng với đó, khuyến cáo người dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên vẫn chưa nhận được sự đồng tình của giới khoa học.

Đối với việc đưa nước từ sông Hậu về bổ sung cho vùng ngọt, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc đưa nước từ sông Hậu về tốn kém rất nhiều kinh phí, trong khi lợi nhuận thu được từ sản xuất nông nghiệp chẳng đáng bao nhiêu.

Ngoài ra, việc chuyển nước ngọt từ vùng này sẽ gây thiếu nước ở những vùng khác, bởi vì nguồn nước ngọt vào mùa khô rất hạn chế.

Tiêu tốn lớn nhưng cuối cùng nước lại được sử dụng để đổ xuống đất cứu khô hạn! Điều này khó khả thi, bởi vì hiện có hàng vạn hộ bị thiếu nước uống nghiêm trọng.

Nói đâu xa, hiện các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang đang thiếu nước uống và chưa bao giờ người dân phải trả một mét khối nước tới 150.000 - 200.000 đồng như hiện nay! Nhiều tỉnh phải vận động xã hội xuất quỹ để hỗ trợ nước ngọt cho người dân ven biển dùng.

Nên đánh giá lại chương trình ngọt hóa, cần tôn trọng quy luật tự nhiên!

Hiện trạng đê bao chống xâm nhập mặn

Để tránh sạt lở tiếp diễn như thời gian qua tại huyện Trần Văn Thời, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn:

“Cà Mau nên ứng phó theo tinh thần tôn trọng quy luật tự nhiên như Nghị quyết 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”.

Dựa trên tinh thần đó, tôi nghĩ, Cà Mau không nhất thiết đưa nước ngọt vào để cải tạo vùng đất mặn mà nên tạm dừng chương trình ngọt hóa để đánh giá lại tính khả thi.

Vùng đất mặn bản chất của nó đã có muối rất nhiều trong đất nên hệ sinh thái vùng Cà Mau là hệ sinh thái mặn.

Đồng thời, thu hẹp mục tiêu và không nên sử dụng diện tích lớn và phải tốn hàng ngàn tỷ đồng công trình thủy lợi để ráng biến nó thành vùng sản xuất hệ sinh thái ngọt.

Và việc “ngọt hóa” chỉ nên triển khai vùng nào bị nhiễm mặn nhẹ, sử dụng nước ngọt còn hiệu quả, vùng nào sản xuất không hiệu quả về kinh tế và môi trường thì cần phải ngừng hoặc giảm.

Cà Mau nên chọn giải pháp ít hối tiếc nhất (lỡ sai còn cơ hội sửa sai).

Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cho nông dân, không thể cứ gắn mãi cây lúa với nông dân mà nên giúp nông dân tập cách thay đổi, trong việc chuyển đổi này, cần có sự đồng hành của nhiều phía, đặc biệt là thay đổi chính sách”.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, thực tế sau hơn 10 năm triển khai dự án “Ngọt hóa bán đảo Cà Mau”, cho thấy chất lượng tài nguyên đất và nước, kể cả tài nguyên sinh vật bị suy giảm đáng kể.

Tuy sản lượng lúa tăng nhưng giá thành lại bấp bênh và rủi ro.

Trước tác động xấu đối với nguồn tài nguyên đất và nước, Cà Mau cần xem lại cơ cấu sản xuất có liên quan nhiều đến tiêu thụ nước, bởi để sản xuất ra 1 kg gạo cần phải tiêu thụ khoảng 3.500 - 4.500 lít nước. Điều này cho thấy, sản xuất lúa thu lại lợi nhuận chẳng được bao nhiêu so với thiệt hại công trình. Việc đầu tư này được ví như một canh bạc! 

“Về lý luận, là chúng ta có thể ngọt hóa vùng đất mặn, ngăn mặn bằng công trình đê biển, cống, bọng, hay tìm cách đưa nước ngọt từ sông Hậu về để bổ sung nước cho vùng ngọt hóa, nhưng thực tế trả lời cho mình biết là có thể ngăn mặn nhưng không có đủ nước ngọt để đưa về vùng đó.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu mà cụ thể là đi qua năm thời tiết cực đoan như thế này và cả những năm sắp tới, thấy rằng mình đã nhầm trong các chương trình, dự án như vậy.

Điều đó khẳng định, thời tiết cực đoan hoàn toàn không phải do thiên tai mà còn yếu tố nhân tai, do mình không lường được biến đổi khí hậu, hiểu hết được vùng sinh thái của vùng này, mình đang tìm cách cải tạo thiên nhiên theo chủ quan (bản chất của vùng đó mặn mà tìm cách ngọt hóa là làm trái với tự nhiên).

Do không thấy xa, đổ tiền của làm công trình và nghĩ rằng duy trì được 50 - 70 năm, nhưng chỉ sau một số năm đã bộc lộ nhược điểm của công trình và không thể đạt các mục tiêu của dự án”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn bày tỏ.

Loạt bài cùng chủ đề này, mời bạn đọc xem tại link dưới đây:

Bài số 1 "Vùng ngọt hóa đang sụt lún nghiêm trọng"http://www.khoahocphothong.com.vn/vung-ngot-hoa-dang-sut-lun-nghiem-trong-55452.html

Hoặc bấm vào đây

Bài số 2 "Đi qua vùng khô khát": http://www.khoahocphothong.com.vn/bai-2-di-qua-vung-kho-khat-55478.html hoặc bấm vào đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nên đánh giá lại chương trình ngọt hóa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO