Bác sĩ Trương Hữu Khanh: 32 năm miệt mài nghiên cứu và điều trị bệnh nhi

HỒNG DUNG| 24/05/2020 08:55

KHPTO - Ông có tấm lòng bao dung, thích làm từ thiện. Ông cũng xuất bản nhiều đầu sách, tất cả nhuận bút có được ông đều đóng góp hết cho quỹ từ thiện của Bệnh viện nhi đồng 1 TP.HCM và còn tạo Fanpage trả lời tất cả câu hỏi cho phụ huynh, lượt người truy cập rất cao.

Một bác sĩ “gàn” tài năng…

Là người thẳng tính, khi họp ông luôn muốn nói thẳng vấn đề chính mang tính hiệu quả. Những gì ảnh hưỏng đến bệnh nhân, nhân viên của mình và không đúng chuyên môn ông sẵn sàng phản biện nên không ít lần mích lòng đồng nghiệp. Có lẽ vì thế mà nhiều người cho ông là người “gàn”.

“Có lẽ tôi có tính hơi ngang, có người cho tôi là người “nóng tính” và “ngang tính”. Có gì nói thẳng, tôi nghĩ y khoa mà cứ mãi đi theo lối mòn có thể sai, vì vậy tôi luôn đi tìm hiểu xem lối mòn này còn hiệu quả không hay cần phải tìm hướng đi mới tốt hơn, ngắn hơn.

Việc tôi làm, tôi không chỉ xem xét mình làm đúng hay không mà còn luôn tự xem mình làm thiếu chỗ nào. Và luôn phản biện hỏi ngược lại đàn anh, đồng nghiệp hoặc cả bản thân để xem việc làm đó đúng ở mức độ nào và có cách nào làm tốt hơn nữa không.

Cách làm việc của tôi cũng khác, tôi thiên về tính thực tế, nghĩa là hiệu quả - thực tế - logic cần phải đi với nhau. Có lẽ cá tính và phong cách làm việc như thế nên nhiều người cho tôi “gàn dở”.

Cũng nhiều người hỏi tôi “gàn” có đúng tính cách của tôi không? Đúng đến 90%, nhưng một đồng nghiệp đã nói không phải, “máu gàn” của BS. Khanh đến 100%” - BS. Khanh nói.

“Gàn” là vậy! Nhưng ông có tấm lòng bao dung, thích làm từ thiện. Ông cũng xuất bản nhiều đầu sách, tất cả nhuận bút có được ông đều đóng góp hết cho quỹ từ thiện của Bệnh viện nhi đồng 1 TP.HCM và còn tạo Fanpage trả lời tất cả câu hỏi cho phụ huynh, lượt người truy cập rất cao.

Miệt mài nghiên cứu

Nếu nói khoa nhiễm - thần kinh, nơi BS. Khanh đang phụ trách là “mặt trận tiền tiêu” trong cuộc chiến chống lại bệnh tật cũng không quá, từ HIV/AIDS, tay chân miệng, viêm gan siêu vi, thủy đậu, quai bị, viêm não màng não, cúm gà... đều tập trung đổ về đây, vì vậy, luôn trong tình trạng bệnh nhân đông, trung bình bệnh chưa vô mùa khoa tiếp nhận khoảng 50 ca; nhưng khi vào mùa có khi đến 180 ca một ngày. Chưa kể, khoa còn phụ trách điều trị bệnh nhi nhiễm HIV/AIDS, đây là bệnh mãn tính uống thuốc suốt đời.

Một khối lượng công việc quá lớn, chỉ cần làm tốt việc quản lý đã khó, vậy mà BS. Trương Hữu Khanh còn nghiên cứu nhiều đề tài gây tiếng vang trong giới y khoa. Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng 1, nơi đầu tiên tiếp nhận nhũ nhi nhiễm HIV/AIDS vào năm 1997 và số trẻ nhập viện điều trị HIV cũng ngày một nhiều hơn. Trong quá trình làm việc, ông nghiệm ra nhiều vấn đề, nếu không làm tổng kết số trẻ nhiễm HIV, khó có thể “đi đường dài”. Rồi ông vừa điều trị bệnh vừa thu thập số liệu. Đến năm 2001, ông là người đầu tiên đã đưa ra “Nghiên cứu lâm sàng điều trị bệnh nhi HIV/AIDS”, đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức trong lẫn ngoài nước.

Trong cuộc chiến đầy cam go với trận dịch “viêm màng não” vào năm 1999, phác đồ điều trị trước đó sử dụng rất nhiều kháng sinh, ông nghi ngờ, đợt dịch này là do siêu vi, chứ không phải do vi trùng. Ông quyết định làm nghiên cứu giữa “viêm màng não do siêu vi và viêm màng não do vi trùng”. Thành công từ nghiên cứu này đã giúp khoảng 200 bé giảm được chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện và mang hiệu quả điều trị cao.

Năm 2002 - 2003, số bệnh nhân nhập viện cao, nhiều ca tử vong đột ngột. “Chứng kiến sự ra đi của bao đứa trẻ, tôi không thể chịu nỗi. Bị đồng nghiệp chỉ trích do mình làm không tốt, không theo dõi kỹ nên gây nhiều bệnh tử vong... trong những lần giao ban. Tôi lao vào tìm nguyên nhân với sự hỗ trợ của ban giám đốc, phối hợp với Viện Pasteur. Năm 2004, ca đầu tiên bệnh tay chân miệng được phát hiện. Sau đó, vẫn còn nhiều người chưa tin về bệnh tay chân miệng, mãi năm 2008 - 2009, dịch tay chân miệng bùng phát, nhiều người mới công nhận và tiến đến phác đồ của bộ”.

Năm 2011 là năm “khủng khiếp” của dịch tay chân miệng, trên 12.000 ca mắc, khoảng hơn 100 ca nặng phải thở máy. Bệnh viện nhi đồng 1 cũng là đơn vị đầu tiên tìm ra phác đồ điều trị tay chân miệng có biến chứng nặng bằng phương pháp lọc máu và kết hợp nhiều phương pháp điều trị, đã điều trị tay chân miệng giảm tỷ lệ tử vong đến 70%. Và phương pháp này đã nhanh chóng được các nước trong khu vực biết đến và đồng nghiệp nước ngoài nhờ BS. Khanh cung cấp tài liệu để tham khảo và học hỏi về phác đồ điều trị tay chân miệng.

Trong đại dịch Covid-19, thông qua kênh facebook, ông đã thực hiện gần 60 livestream nhằm giúp người dân hiểu rõ về căn bệnh, biết cách phòng ngừa, giảm lo lắng, hoang mang... Mỗi livestream kéo dài 1 - 2 giờ, với mỗi chủ đề khác nhau như Cách phòng ngừa virus Corona; Virus Corona có tái nhiễm không? Phòng ngừa Covid-19 khi cho trẻ đi học; Hướng dẫn làm tấm che giọt bắn..., Các buổi livestream của ông đã thu hút hơn trăm ngàn lượt xem.

Để có được khối kiến thức am hiểu về căn bệnh này, trả lời một cách dễ hiểu cho người dân, BS. Khanh mỗi ngày phải đọc sách và nghiên cứu rất nhiều tài liệu về bệnh này từ khi dịch mới phát hiện. “Khi dịch bệnh mới bắt đầu ở Vũ Hán, tôi đã dự đoán sẽ có chuyện, tôi đọc và tìm hiểu rất nhiều, phải tìm ra các câu trả lời về căn bệnh này, chẳng hạn, chúng liên quan đến SAR như thế nào, khả năng ảnh hưởng đến người dân, miễn dịch, cách điều trị, phòng ngừa, quy luật sinh học của virus...”, BS. Khanh nói.

Ba mươi hai năm theo nghề y, ông đã chứng kiến nhiều dịch bệnh xảy ra trong nước như tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết... và đại dịch Covid-19 xảy ra toàn cầu, bác sĩ điều trị bệnh nhi như ông luôn canh cánh. “Đại dịch Covid-19, Việt Nam đã phòng chống rất tốt. Tôi vẫn mong Việt Nam trong tương lai có an ninh phòng dịch - trong đó có dịch khu vực, dịch toàn cầu, phải trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, máy thở... để khi xảy ra dịch toàn cầu, mình có thể chủ động chống dịch, lo cho dân. Đối với dịch cục bộ hàng năm, trang thiết bị luôn được trang bị sẵn sàng, khi dịch xảy ra không phải mới bắt đầu tìm mua từ nước ngoài, tránh mất nhiều thời gian, cũng như bị động trong phòng chống dịch. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, dịch bệnh không thể biến mất, một thời gian nào đó nó lại quay lại do môi trường, giao lưu và sự tiếp xúc con người với nhiều động vật sẽ hình thành dòng virus mới tấn công con người một cách bất ngờ. Hiện Việt Nam chúng ta, có quỹ chống dịch nhưng là tiền, đôi khi có nhiều tiền chưa chắc mua được gì...” - BS. Khanh nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: 32 năm miệt mài nghiên cứu và điều trị bệnh nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO