Bà nội trợ né nho, táo, lê “ngậm” hóa chất

KHÁNH NGỌC| 03/07/2017 09:31

KHPT-Trái cây ngâm tẩm hóa chất độc hại bày bán trên thị trường là mối e ngại của nhiều chị em nội trợ thời gian gần đây. Từ chốn công sở cho đến nhà bếp, râm ran những câu chuyện dùng phải trái cây “ngậm” nhiều hóa chất bảo quản giữ tươi lâu gây trúng thực, đau bụng… cũng như “bí kíp” chọn trái cây ngon, sạch được cánh phụ nữ truyền tai nhau.

Càng đẹp càng độc

Khắp các tiệm trái cây trên phố đến những mẹt, rổ trái cây bày bán ở các chợ đầy rẫy những chùm trái bóng đẹp mỡ màng. Ngay cả những người sành ăn trái cây cũng khó phân biệt được những chùm trái chín mọng lộng lẫy ấy có thể tiềm ẩn nguy cơ trúng thực, đau bụng.

Không chỉ những loại trái cây có thể có xuất xứ từ Trung Quốc như nho, táo, lê, xoài, quýt… dễ bị “tẩm độc”. Những loại trái gần gũi với người tiêu dùng như ổi, chuối, mít, đu đủ... cũng có khả năng “ngậm độc” cao vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc được ngâm hóa chất bảo quản, chất ép trái cây chín.

Chọn mua những trái lê tròn trịa màu nâu bóng sáng đẹp đẽ từ một tiệm trái cây chuyên bán hàng hoa quả nhập khẩu ở khu chợ Tân Định, Q.1, chị Mai Hoa không ngờ vẫn dính trái “độc” do tin tưởng cô bán hàng nói đây là trái cây Hàn Quốc chất lượng cao. “Gọt một trái lê to tròn bóng mượt ăn thử cho biết lê Hàn Quốc ngon ngọt thế nào, tôi bị đau bụng một trận rồi bị “Tào Tháo” đuổi mấy lần. May mà chưa cho mấy đứa nhỏ ăn. Đem hỏi mấy cô bạn thân có kinh nghiệm lựa hoa quả sạch, họ bảo đây là trái cây Trung Quốc bị ngâm chất bảo quản để giữ tươi lâu nên tôi bị trúng độc…”, chị Mai Hoa chia sẻ kinh nghiệm đau thương.

Nói không với trái quá bóng đẹp

Chỉ một lần trúng trái độc, chị em phụ nữ đã phải cảnh giác cao mỗi khi mua trái cây để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân và cả gia đình. Những kinh nghiệm chọn mua hoa quả vừa đẹp vừa sạch được cánh nội trợ truyền tai nhau. Không khó để các nàng tìm ra “bí kíp” chọn mua hoa quả sạch đẹp an toàn để không còn phải bối rối giữa rừng hoa quả bóng loáng đẹp đẽ trên phố hay giữa chợ nữa.

Thường xuyên đi chợ ở Co-opmart gần nhà ở quận Tân Phú, chị Kim Cương học được nhiều bí kíp chọn mua trái cây ngon sạch từ các chị đứng quầy trái cây trong siêu thị này. “Chuối bán trong Co-opmart thường là những nải còn xanh nguyên, tôi chọn mua chuối xanh ở đây về để trong bếp mấy ngày cho chuối chín tự nhiên, khỏi sợ bị tẩm hóa chất ép chín. Xoài cát chu bán ở đây cũng là loại chín tự nhiên, vỏ vàng sáng đều không xanh lốm đốm, da căng cứng. Táo đỏ Pháp có da đỏ chín đều, dĩ nhiên nhìn khác với táo Trung Quốc hay bị tẩm chất bảo quản với làn da đỏ không đều và không căng đầy. Nho Mỹ nên chọn loại vỏ sậm, trái thuôn dài, ngọt giòn, không hạt để dễ phân biệt với nho Trung Quốc có trái tròn màu đỏ nhạt, ruột nhiều hạt, bở mềm và hơi chua. Các chị ở Co-opmart cũng chỉ tôi các chọn bưởi da xanh: chọn trái nặng tay, màu xanh vỏ bưởi hơi ngả vàng; không chọn trái da nhăn nhúm, xanh đậm và nhẹ tay. Cam, quýt nên chọn trái có màu vàng mỡ gà, da bóng loáng, vỏ mỏng. Đu đủ nên chọn trái đang chín, màu vàng ngả sang đỏ, cuống còn tươi”, chị Kim Cương chia sẻ bí kíp.

Giới sành trái cây cũng cảnh báo về nhiều loại trái cây bị vào danh sách “đen” những loại trái bị phun hóa chất nhiều do dùng nhiều thuốc trừ sâu bệnh, chất bảo quản, chất ép trái chín: dâu tây, lê, lựu, cam, quýt, hồng, mít, sầu riêng…

Trái cây thường mùa nào thức đấy, nên chọn mua theo mùa và những trái có màu sắc chín tự nhiên không có đốm thâm đen, da sáng căng đều. Đây chính là những bí kíp đơn giản nhất mà các chuyên gia về trái cây khuyên người tiêu dùng để né các loại trái cây trông bóng đẹp nhưng “ngậm” độc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà nội trợ né nho, táo, lê “ngậm” hóa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO