Ấn tượng nông nghiệp công nghệ cao ở Cần Thơ

Bài và ảnh: GIA PHÚ| 24/05/2020 08:18

KHPTO - Tại TP. Cần Thơ, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ 4.0, tiên tiến trên nền tảng IoT (Internet of Things) vào sản xuất nông nghiệp đang được khuyến khích, nhân rộng.

Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, hiện thành phố có những mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái, mô hình ứng dụng đèn LED thắp sáng, xử lý ra hoa trái vụ trên cây thanh long... Từ thực tế trên có thể thấy, nông dân, doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm và đón nhận công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp mặc dù số lượng chưa nhiều.

Đặc biệt trong vụ lúa hè thu năm 2020, ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ được GS.TS. Võ Quang Minh, trưởng bộ môn tài nguyên đất đai, khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) đến cánh đồng mẫu ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt tiến hành lắp đặt thiết bị máy quan trắc khí tượng thủy văn tự động (hay còn gọi là máy cảm biến khí tượng thủy văn). Đây là thiết bị do Trường đại học Cần Thơ sản xuất, lắp ráp tặng riêng cho ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ. Bình quân mỗi máy trị giá hơn 100 triệu đồng, thời gian sử dụng có thể từ 3 - 4 năm.

GS.TS. Võ Quang Minh cho biết: Nhờ ứng dụng các giải pháp máy cảm biến khí tượng thủy văn giúp cho nhiều nhà vườn, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp nhận biết được để có những biện pháp phòng ngừa hoặc tăng cường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng nhằm giúp phát triển, sinh trưởng tốt, đạt năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, giúp người nông dân giảm áp lực về chi phí trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt như hiện nay, có máy cảm biến khí tượng thủy văn sẽ hỗ trợ cho người sản xuất trong nông nghiệp thuận lợi ở nhiều mặt. Đặc biệt thông qua máy, giúp con người hiểu biết trước những vấn đề khó khăn trong sản xuất, từ đó nâng tầm trong canh tác nông nghiệp theo hướng hiện đại số hóa.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, máy cảm biến khí tượng thủy văn là hệ thống thiết bị dùng để đo đạc, thu thập và truyền số liệu khí tượng thủy văn. Thông qua các số liệu quan trắc, người sử dụng (hộ canh tác, nhà quản lý, nhà chuyên môn) sẽ được cảnh báo sớm và có giải pháp ứng phó với các diễn biến thất thường của thời tiết tiểu vùng. Cụ thể, những dữ liệu thu thập được từ máy cảm biến, sẽ giúp người sử dụng hoạch định như: lịch gieo cấy, thu hoạch, cảnh báo sớm sâu bệnh cho cây trồng, đo độ mặn phèn trong đất, áp suất không khí, tia UV, tốc độ gió, lượng mưa, cảnh báo thiên tai, dự báo năng suất... Từ đó giúp sản xuất nông nghiệp theo công nghệ 4.0 mang lại hiệu quả, giảm rủi ro, tăng năng suất chất lượng, giá trị mang lại là sản xuất nông nghiệp chủ động, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững hơn.

Đến nay, Trường đại học Cần Thơ đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long lắp đặt được 4 máy cảm biến khí tượng thủy văn. Riêng TP. Cần Thơ được lắp đặt 2 máy, 1 máy được đặt tại cánh đồng lớn của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) và 1 máy đặt tại cánh đồng lớn ở phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt). Cả hai nơi nói trên, vụ lúa hè thu năm nay sản xuất lúa đem lại kết quả cao, tuy nhiên vụ lúa này chưa thu hoạch, nhưng theo đánh giá từ nông dân, lúa hiện tại xanh tốt, ít sâu bệnh và giảm được chi phí đầu vào khoảng 10 - 15% so với canh tác theo truyền thống.

Bên cạnh đó, nông dân nơi đây còn được sự hỗ trợ từ chương trình dự án VnSAT đến tập huấn các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa như áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” và chương trình IPM... mục đích giúp nông dân giảm chi phí tăng hiệu quả, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.

Ông Trần Văn Đào, canh tác 1,3 ha ruộng ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết: Nhiều năm qua, gia đình tham gia vào cánh đồng lớn, cuộc sống khá hơn trước cũng nhờ thông qua nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm và tập huấn kỹ thuật được ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ và dự án VnSAT Cần Thơ tổ chức, nông dân đã đổi mới tư duy sản xuất. Đặc biệt, thông qua các mô hình trình diễn “1 phải, 5 giảm” gắn với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa tại cánh đồng lớn, giúp nông dân có thể tự tin giảm lượng sử dụng giống từ hơn 200 kg/ha, xuống chỉ còn 80 - 130 kg/ha, tùy cấy hay sạ thưa. Trong vụ lúa hè thu năm nay, tại ruộng nhà của ông Đào được ngành nông nghiệp cho đặt máy cảm biến khí tượng thủy văn đã giúp nông dân làm lúa tại cánh đồng lớn Tân Hưng khỏe hơn trước vì máy cho ra số liệu dự báo trước để nông dân có biện pháp phòng ngừa hiệu quả và hứa hẹn cho vụ lúa bội thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng nông nghiệp công nghệ cao ở Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO