4 yếu tố quan trọng để xây dựng sự tự tin ở trẻ

ANH NGUYỄN| 12/07/2020 21:52

KHPTO - Không thể ngờ được, có lúc học sinh lại được nghỉ dài như vậy. Nhưng giáo dục vẫn cần được tiếp tục, dĩ nhiên không thể theo cách truyền thống, mà phải theo cách khác như giáo dục trực tuyến. Cũng vậy, khi nói về tương lai thành công của trẻ.

Một vài quan điểm như: những trẻ nào chỉ biết vâng vâng dạ dạ thì khó thành công hơn những đứa trẻ tự tin cho ý kiến và tự tin đưa ra biện chứng suy nghĩ, dĩ nhiên không phải là dạng cãi ngang cứng đầu. Những yếu tố quan trọng để xây dựng sự tự tin ở trẻ: suy nghĩ tích cực, giáo dục công bằng, xây dựng kiến thức và giao tiếp tích cực. Và gia đình chính là nơi đầu tiên dạy trẻ những điều này.

Suy nghĩ tích cực

Khi trẻ 12 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hình thành nhận thức và suy nghĩ, phần lớn phụ thuộc vào cha mẹ đến 10 tuổi. Cách cha mẹ suy nghĩ tích cực thì trẻ cũng suy nghĩ tích cực và ngược lại. Các cách tiêu cực mà cha mẹ thường mắc lỗi là than thở trước mặt trẻ, cha mẹ cãi vã nhau, đánh và mắng trẻ.

Các cách tích cực mà cha mẹ nên nghĩ đến để thay đổi trong vài trường hợp cụ thể sau:

- Im lặng và hành động là cách tích cực khi nhận phải sự tiêu cực của trẻ như ương bướng, khóc ăn vạ.

- Chỉ cho phép trẻ được mẹ/bố bế bồng trong một vài trường hợp đã quy định nếu trẻ lúc nào cũng mè nheo đòi bế bồng.

- Khi tranh cãi vợ chồng, một bên nên im lặng nếu có trẻ ở đó. Bạn chỉ cần nhắn tin: “Chúng ta sẽ nói chuyện khi con ngủ”.

Giáo dục công bằng

Nếu nhà có 2 đứa trẻ, đặc biệt 2 đứa cách nhau dưới 3 tuổi, thì điều này rất quan trọng. Vì mỗi đứa trẻ đều cố gắng tìm sự yêu thương của bạn đến trước 5 tuổi. Do đó, bạn được khuyên sử dụng chiến lược “chờ đến lượt” hoặc “thiết lập vùng an toàn mỗi đứa”. Các chiến thuật này nếu áp dụng tốt, những đứa trẻ sau 5 tuổi sẽ biết yêu thương và đoàn kết với nhau hơn.

1. Chiến thuật “chờ đến lượt”:

Dùng cho tất cả các trẻ ở các độ tuổi và khoảng cách.

- Với trẻ dưới 3 tuổi, chiến thuật này nên lồng vào các buổi chơi cùng trẻ. Ví dụ: chuyền banh đến mẹ, trả lời câu hỏi của mẹ.

- Có 1 trẻ lớn hơn hoặc 3 tuổi, chiến thuật này nên là các trò chơi đồng đội. Vai trò của 2 bé như nhau, nhưng hỗ trợ nhau. Ví dụ: xếp khối gỗ chồng lên cao. Mỗi người có trách nhiệm xếp 1 lần mỗi lượt.

2. Chiến thuật “thiết lập vùng an toàn mỗi đứa”

Khi cả hai đều nhỏ hơn 5 tuổi và cách nhau nhỏ hơn 3 tuổi thì đây là chiến thuật tốt vì hai trẻ độ tuổi này dễ nhận ra vùng an toàn của mình. Vùng an toàn được định nghĩa rộng là vùng trẻ được phép làm, ngoài vùng này hoặc qua vùng của trẻ khác thì trẻ phải xin phép bạn hoặc trẻ kia. Vùng an toàn có thể là đồ chơi này của bé A, con có thể chơi với bé B khi con cho phép và bé B cũng muốn chơi cùng. Thiết lập luật rõ ràng và khi xảy ra tranh chấp thì nên phân xử đúng luật, tránh xử theo kiểu “con lớn con nhường em”, hay “con còn nhỏ không được chơi”.

* Nhà có trẻ sinh đôi: cả hai chiến thuật trên đều áp dụng cho trẻ sinh đôi cùng trứng hay khác trứng. Tuy nhiên, trẻ sinh đôi cùng trứng cách biểu hiện và suy nghĩ sẽ gần giống nhau. Do đó, khi thiết lập chiến thuật “chờ đến lượt”, sự bốc thăm hay phân bổ phải công tâm và có lý do rõ ràng để không dẫn đến tranh cãi.

Về chiến thuật “thiết lập vùng an toàn mỗi đứa”, trẻ sinh đôi cùng trứng có thể cùng sở thích, cùng phạm vi vùng an toàn, bạn nên tìm vài điểm khác biệt ở 2 bé như màu sắc, thói quen, loại sticker bé thích... điều này cần để bé nhận biết và có quy định riêng của mình.

* Nhà chỉ có 1 trẻ: trẻ đơn độc thường tìm bố hoặc mẹ làm bạn. Do đó, chiến thuật trở thành bạn hoặc chồng bạn với trẻ. Chỉ hơi khác, một trong 2 bạn phải chia sẻ thời gian chơi và giao tiếp với trẻ công bằng trong tuần, đừng đổ trách nhiệm ai nặng hơn. Khi trẻ vòi vĩnh nghiêng về phía người nào thì người đó cần áp dụng chiến thuật “chờ đến lượt”; khi bạn và trẻ cùng chơi với nhau thì xem như mỗi bạn là vùng an toàn riêng biệt.

Khi trẻ đòi chơi với bạn, nếu bạn muốn trẻ tự tin và luôn tôn trọng vùng an toàn của bạn và thích chơi với bạn thì bạn đừng hứa hẹn cảm tính, rảnh thì chơi, bận thì hứa hẹn. Bạn hãy cho trẻ lời hứa đúng và xin lỗi trước khi cần. Đó là cách bạn tôn trọng trẻ và trẻ cũng tôn trọng bạn. Lỗi sai lầm lớn khi cha mẹ nuôi con một là “chiều con” vì họ không rõ ràng sự yêu thương của họ, đứa con cũng dễ bị nuông chiều mà không nhận ra giới hạn. Bài học cần dạy hơn cả yêu thương là giúp con nhận ra yêu thương thật sự.

Xây dựng kiến thức dựa trên nền tảng sẵn có của trẻ

Chúng ta thường bắt trẻ phải học cái này, cái kia; nhưng thường quên rằng xây dựng bền vững nhất là biết trẻ có gì để bổ sung. Do đó, việc trò chuyện, trả lời câu hỏi của trẻ là cách hiểu trẻ cần gì, nên dạy gì và xây dựng kiến thức một cách tự tin như thế nào trong trẻ.

GS. Roth, Đại học Bremen, Đức, từng chia sẻ: Việc học của trẻ thường nằm ở chiều sâu hơn là chiều rộng. Nó phản ánh tại sao trẻ luôn yêu cầu bạn đọc đi đọc lại một quyển sách, hoặc kể đi kể lại một câu chuyện, thường có kết nối với trải nghiệm hơn là lý thuyết và hơn hết phải đạt đến sự hứng thú của trẻ hơn là ép buộc hay sự nhàm chán.

Giao tiếp tích cực là một phần của xây dựng kiến thức đã đề cập sớm ở trên vì vai trò của giao tiếp là truyền đạt sự hiểu và kiến thức. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần bàn là làm sao đạt được sự tích cực. Đó là kết hợp của 3 thành phần để tạo nên giá trị tích cực của giao tiếp.

1. Cần cho thông tin hai chiều.

2. Cần giải thích.

3. Cần tranh luận.

Khi trò chuyện với trẻ, bạn cố gắng kết hợp nhiều nhất 3 cấu phần này trong câu chuyện, dù bất kỳ chủ đề nào cũng mang lại giá trị giao tiếp tích cực cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
4 yếu tố quan trọng để xây dựng sự tự tin ở trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO