"Chính sách không rõ ràng, xã hội còn quá nhiều rào cản..."

Bài, ảnh: Hồng Dung| 08/07/2017 14:53

KHPTO - Đó là dư luận chung của các diễn giả trong Hội thảo do Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội TPHCM đồng tổ chức ngày 7/7 tại TPHCM, với chù đề Vai trò của tri thức KH-CN người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho Việt Nam.

Khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM phát biểu: "Hiện tại đang có nhiều trí thức kiều bào sinh sống và làm việc, nghiên cứu khoa học góp phần đào tạo cán bộ trình độ cao và phát triển mọi mặt TPHCM. Có thể kể ra đây GS.TS. Đặng Lương Mô, Trung tâm Thiết kế Vi mạch ICDREC, hoặc GS.TS. Võ Văn Tới, Bộ môn Kỹ thuật Y sinh trường Đại học Quốc tế, cả hai thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM và nhiều người khác. Tuy nhiên số kiều bào đang trở về Việt Nam làm việc mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chỉ là phần nổi của tảng băng nguồn lực to lớn của trí thức kiều bào. Tại sao đất nước Việt Nam, nói riêng Thành phố Hồ Chí Minh, chưa thật sự thu hút được nguồn lực này? Dư luận chung cho rằng do điều kiện làm việc chưa phù hợp, chính sách của Chính phủ không rõ ràng, mới chỉ động viên tinh thần là chính, trong xã hội còn quá nhiều rào cản,v.v…và nhiều nguyên nhân khác nữa. Hội thảo chù đề này đã đã được tổ chức rất nhiều lần và đây một lần nữa chúng ta sẽ lắng nghe thêm ý kiến đề xuất của các đơn vị khoa học – công nghệ, các Sở ngành, và nhất là chính những người trong cuộc – các trí thức Việt kiều – góp thêm tiếng nói phản ánh lên Chính phủ, lên lãnh đạo TP. HCM để mong sao có được các điều kiện thực tế (phù hợp) hơn, nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam".

DSC00444

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng phát biểu tại Hội thảo

Theo GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, năm 2015, Thành phố đã ban hành kế hoạch thu hút chuyên gia KHCN (Công văn số 3481/UBND-CNN ngày 23/6/2015), theo đó sẽ thu hút 27 chuyên gia với tổng kinh phí dự kiến là 8,72 tỷ đồng. Số lượng chuyên gia khoa học và công nghệ thu hút tại 04 đơn vị (Khu Công nghệ cao; Trung tâm Công nghệ Sinh học; Viện Khoa học Công nghệ Tính toán và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao). Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2017, có 12 chuyên gia KH&CN là chuyên gia Việt kiều và chuyên gia nước ngoài. Điều này, cho thấy chính sách chưa thu hút được kết quả như mong muốn.

DSC00454

GS.TS. Đặng Lương Mô, mong đợi có một cơ chế bao quát

Theo GS.TS. Đặng Lương Mô – Việt kiều Nhật, Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiét kế vi mạch ICDREC: "Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và kỹ thuật cao, còn nhiều bất cập. Chỉ cần nhìn vào thực trạng các đại học Việt Nam đang ồ ạt đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, nhưng đồng thời người ta vẫn thấy có hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ chưa hoặc không có công ăn việc làm, một số không nhỏ đã phải nhận những việc làm không đúng với chuyên môn đã được đào tạo ở đại học, thậm chí có người vì miếng cơm manh áo đã phải chấp nhận làm thợ trong khi đã có mảnh bằng kỹ sư/cử nhân trong tay, đủ chứng tỏ đã và đang có một sự lãng phí, lãng phí tài nguyên, lãnh phí công sức, lãng phí tiền bạc?”

“Riêng với thành phố Hồ Chí Minh, nên chăng chúng ta hãy khởi động lại Câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật Việt kiều? Sáng kiến về sự đóng góp của Việt kiều cho công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, chất lượng cao, không thiếu. Rất nhiều việc đã được làm, dù chỉ trong khả năng của một cá nhân Việt kiều như tôi đây, với một số thành tựu nhất định, nhưng hoàn toàn chưa đủ. Chúng ta mong đợi có một cơ chế bao quát, một tổ chức quy mô, hay là như Câu lạc bộ/Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Kiều. Cần có kinh phí hoạt động từ nguồn kinh phí Nhà nước, có biên chế nhân sự hẳn hoi để có thể hoạt động và phát triển bền vững, chứ những nỗ lực đơn lẻ như sáng kiến thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch ICDREC của tôi hơn 10 năm trước, tuy đã có một hiệu quả nhất định trong phát triển công nghiệp, trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng không có đủ hơi thở mà lặn sâu mãi được. Nó phải được sự thổi hơi vào từ nguồn kinh phí Nhà nước thì mới có thể hoạt động vững bền, có thể đóng góp hữu hiệu và thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, trong sứ mạng bắt kịp con tàu Cách mạng công nghiệp 4.0””, TS. Mô nhận định.

DSC00456

GS.TS. Võ Văn Tới, đã qua rồi thời kỳ "tay không bắt giặc"! Đây là lúc Thành phố nên quyết liệt trong chuyện này bằng những đầu tư thực sự.

GS.TS. Võ Văn Tới – Việt kiều Mỹ, Bộ môn kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng: Việc thu hút không phải chỉ nằm trong sự kêu gọi hay hứa hẹn, hoặc trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác mà nó đòi hỏi những hành động cụ thể, tích cực, có tổ chức và có hệ thống của những người có thẩm quyền. Kiều bào không phải chỉ mang về kiến thức chuyên môn mà còn phải mang về tầm nhìn và phương pháp làm việc mới cũng như ý chí mạnh mẽ và tinh thần sáng tạo. Những người này cũng giúp đượcThành phố tăng cường số lượng chuyên gia cần có. Do đó việc thu hút và sử dụng trí thức kiều bào phải là một việc làm trường kỳ và có hệ thống thì ảnh hưởng và kết quả của chính sách này mới được liên tục và kéo dài, và nhờ thế về lâu về dài chúng ta có thể “Xoay dòng chảy máu chất xám”; tức là chất xám sẽ tự động từ ngoài chảy về mà không cần nhiều cố gắng như lúc ban đầu nữa. Lúc đó chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Thành phố mới thực sự bền vững và hữu hiệu. Thu hút và sử dụng trí thức là việc chúng ta đã bàn rất nhiều. Đã qua rồi thời kỳ "tay không bắt giặc"! Đây là lúc Thành phố nên quyết liệt trong chuyện này bằng những đầu tư thực sự."

Kết thúc Hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, phó chủ tịch Liện hiệp hội Việt Nam phát biểu “TPHCM là trung tâm có lượng Việt kiều trí thức KHCN ở nước ngoài chiếm tỷ lệ đông nhất cả nước. Tuy nhiên, việc trọng dụng, chiêu ngộ người tài về nước làm việc chưa đạt kết quả như mong muốn. Với 150 ngàn người hiện đang học tại nước ngoài, với nhiều chính sách đổi mới hiện nay như luật quốc tịch, sở hữu nhà, cư trú đi lại… hy vọng sẽ tạo tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nhiều nhân tài người Việt ở nước ngoài về nước làm việc nhiều hơn…”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chính sách không rõ ràng, xã hội còn quá nhiều rào cản..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO