“Ngày đầu tiên đi học…, em vừa đi vừa khóc!”

Anh Thư| 21/11/2010 15:53

Năm học 2010 – 2011, cô Lê Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường MN Hương Sen (Q.Bình Tân) được phân công nhận dạy lớp 5 – 6 tuổi, ngày đầu tiên là một ngày cực kỳ vất vả với cô: bé Chu Lân ôm cứng chân mẹ không chịu vào lớp, khóc, ói, kéo áo bịt miệng không cho cô đút; bé Tuấn Hùng không khóc nhưng vẻ mặt buồn thiu, không ăn, đau bụng… Hằng năm, cứ đến thời gian nhận trẻ mới là cô và bé đều mệt lả!

Giáo viên kéo co, vật vã với trẻ

Ở Trường mầm non 19/5, cô Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “ Đối với giáo viên nhà trẻ, thời gian làm việc vất vả nhất, căng thẳng nhất là lúc mà nhà trường tổ chức nhận cháu mới. Trong những ngày đó, nhiều giáo viên tất bật từ sáng đến trưa, nào dỗ dành, ẵm bồng, kéo co, vật mã với trẻ. Các cháu khóc, quấy, giãy, đạp, thậm chí đánh cô… Cả cháu và cô đều mồ hôi nhễ nhại, mệt lả người. Đến giờ ăn thì trẻ khóc, không chịu ngồi ăn, rồi ho, ói. Đến giờ ngủ thì cô phải ẵm bồng trên vai ru. Có trẻ mệt quá ngủ thiếp đi, trẻ nào không chịu ngủ thì cô phải ẵm ra ngoài sân chơi vì sợ trẻ khóc làm ảnh hưởng đến các bạn”.

Cô Vũ Thị Xuân Liên, Trường mầm non Vàng Anh (Q5) kể về các trẻ “khó tiếp xúc”: “Trẻ khóc, giãy dụïa, cào cấu cô giáo, lăn ra sàn lớp, đập tay, đập chân, đôi khi đập cả đầu xuống sàn. Có trẻ khóc thật to và không cho ai đến gần, luôn miệng kêu mẹ, bà và người thân… Những trẻ này không ăn bất cứ thức ăn vào do cô đút, kể cả sữa. Nhiều trẻ không chịu ngủ dù rất mệt, một số trẻ ôm cặp trong lòng và ngủ gật. Có trẻ chịu nín khóc khi ngồi trên ghế kê sát cửa nhìn ra sân và mang giày từ nhà đến”.

Nhiều trẻ cố sức vùng vẫy để thoát ra khỏi vòng tay của cô, tâm trạng hoảng loạn tìm mọi cách vượt ra khỏi nơi “giam hãm”. Có trẻ cố lấy hết hơi để gào thật to, khóc thật lớn để mong rằng cha mẹ hoặc ông bà, người thân nào đó có thể nghe được tiếng của mình, đưa về nhà. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ vào lớp với tâm trạng bình thường, vui vẻ. Những trẻ này ngày đầu tưởng chừng đã thích nghi với lớp, nhưng đây mới thật sự là những trẻ khó dỗ dành nhất, sang ngày thứ hai, hoặc chỉ sau vài tiếng vào lớp, trẻ có những phản ứng dữ dội hơn trẻ khác vì cảm thấy lạc lõng và bị bỏ rơi.

Theo nghiên cứu mới đây của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trường mầm non Rạng Đông 9 (Q.6), những rối loạn sinh lý và bệnh lý của những trẻ mới đi học bao gồm: rối loạn ăn uống: nôn ói, biếng ăn, bỏ ăn hoặc từ chối một số món ăn quen thuộc mà trước đây trẻ vẫn thích ăn; rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, sợ ngủ, ngủ hay giật mình, khóc đêm, mộng du, ngủ mơ, nói sảng…; rối loạn tiểu tiện: trẻ nín tiểu, đái dầm hoặc đi tiêu trong quần (mặc dù ở nhà trẻ không như thế); rối loạn hành vi: trẻ thu mình vào một góc, không thích chơi với ai; rối loạn ngôn ngữ: ít nói, chậm nói hoặc cà lăm; rối loạn quan hệ mẹ- con: trẻ giận, không thèm nói chuyện với mẹ hoặc người thân khi đến đón trẻ về.

Làm gì để trẻ chịu đi học và không bị “sốc” khi xa mẹ?

ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, khuyên các bậc phụ huynh nên xem xét kỹ các điều kiện sinh hoạt của con và giờ giấc sinh hoạt của lứa tuổi để tập cho trẻ theo giờ giấc (ăn, ngủ, chơi…) để trẻ có thể dễ dàng theo nhịp điệu của lớp, tập ăn thức ăn như ở trường. Đặc biệt là cho con tới trường làm quen từ từ, gây thiện cảm ở trường để trẻ không sợ hãi…

Về phía nhà trường, cô Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, ở Trường mầm non 19/5, khi các trẻ đã có tên trong danh sách lớp, phụ huynh có thể dẫn con đến trường chơi, làm quen với cô, đồ chơi, đồ dùng trong lớp, không nên đưa bé đến trường rồi bỏ đi một cách đột ngột. Nhà trường lập danh sách các cháu vào theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau 2 – 3 tuần, phụ huynh có thể chọn thời gian cho trẻ đi học phù hợp. Khi đi học, trẻ phải có người thân ở cùng trong những ngày đầu, tuỳ từng trẻ mà thời gian này kéo dài hay ngắn, có trẻ chỉ cần 1 – 2 ngày, nhưng cũng có trẻ 1 – 2 tuần. Khi đã quen với cô, phụ huynh có thể giao trẻ cho cô, không ở lại lớp nữa. Nhữngngày đầu đi học, phụ huynh có thể đón trẻ về vào buổi trưa, sau đó tăng thời gian học lên. Tuyệt đối không nên đón trễ vì tạo cho trẻ cảm giác tủi thân, buồn và không muốn đi học nữa. Nhờ có nhiều giải pháp mà nhiều trẻ đã thích nghi nhanh hơn, phụ huynh bớt căng thẳng và cô giáo cũng không còn mệt mỏi, sợ hãi khi nhận cháu mới.

Ngày đầu tiên trẻ đến trường là ngày rất quan trọng đối cuộc đời của trẻ, trẻ có bị “sốc” tâm lý hay không phụ thuộc rất nhiều vào phụ hunh và nhà trường, nếu có hiểu biết và sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai phía thì mới tránh được tình trạng trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngày đầu tiên đi học…, em vừa đi vừa khóc!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO