TPHCM kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải

  • 17:03 ,30/08/2022

Từ nay đến 2025, TPHCM kêu gọi đầu tư nhiều nhà máy xử lý nước thải, hướng tới 100% nước thải sinh hoạt được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Dự kiến công suất của các nhà máy này khoảng 3 triệu m3 nước thải/ngày.

Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,7 km, đi qua 7 quận, huyện (12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và Bình Chánh). Tuyến kênh này có nhiều đoạn bị ô nhiễm nghiêm trọng, rác thải và cỏ dại phủ kín, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân suốt 10 năm qua. Những khi trời đổ mưa xuống, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi của người đi đường và cư dân sống hai bên dòng kênh.

Một người dân ngụ tại phường Thới An (quận 12), cho biết, khu vực cầu Trường Đai - điểm giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp, luôn nhìn thấy dòng nước đen kịt bốc mùi xú uế và rất nhiều chuột, bọ xuất hiện.

Theo số liệu từ Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM), TPHCM chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị chính, gồm: Bình Hưng (công suất 141.000m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000m3/ngày).

Từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm ước tính lượng nước thải bình quân tăng khoảng 6,7%. Lượng nước thải đô thị phát sinh của TPHCM khoảng 1,54 triệu m3/ngày. Trong khi đó, tổng lượng nước thải qua các nhà máy này hiện nay chỉ chiếm 12,6%.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM thông tin, TPHCM phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố (gần 2,6 triệu m3/ngày) sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Nguồn nước thải chưa được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân.

TPHCM sẽ tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải và thực hiện dự án vệ sinh môi trường khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2) - hoàn thành vào năm 2024.

Song song đó, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải, gồm: Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Tây Sài Gòn và Suối Nhum; hoàn thành vào giai đoạn 2026-2030.

Một số dự án đang được đầu tư như hợp nhất các nhà máy Tân Hóa - Lò Gốm (công suất 300.000m3/ngày), Bình Tân (công suất 180.000m3/ngày) và Tây Sài Gòn (công suất 150.000m3/ngày).

TPHCM cũng nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, nâng công suất từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày; Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè đạt công suất 480.000m3/ngày.

Theo ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, vấn đề khó khăn hiện nay là chi phí đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khá lớn; việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cần quỹ đất lớn, nên công tác giải phóng mặt bằng gặp khó.

TPHCM cũng kêu gọi nguồn vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á; đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư để tạo thêm nguồn vốn.

 

Khởi Giao
  • Hotline
    (028) 3920 1523
  • Email