GS.TS. Nguyễn Kim Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM
Trước những diễn biến bất thường của các hiện tượng thời tiết hiện nay, nhiều chuyên gia đã khẳng định, biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với dự báo. Phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống xanh đã có cuộc trao đổi nhanh với GS.TS. Nguyễn Kim Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết, hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến cuộc sống người dân?
- GS.TS Nguyễn Kim Lợi: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra nhiều tác động bất lợi đến đời sống và sinh kế của người dân trên thế giới nói chung, nước ta nói riêng theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau.
Ví dụ như triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập lụt; nắng nóng kéo dài với nền nhiệt ngày càng cao đang là những diễn biến gây nhiều khó khăn cho người dân. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có tính dễ bị tổn thương trước những rủi ro khí hậu và thiên tai tự nhiên.
- Những lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất khi biến đổi khí hậu xảy ra?
- Thực tế BĐKH đã và đang xảy ra kể từ thời kỳ tiền công nghiệp cho đến nay, được dự báo có thể sẽ trở nên bất định hơn trong các giai đoạn tương lai tiếp theo. Toàn cầu, từng quốc gia đến mỗi địa phương nỗ lực mạnh mẽ nhằm cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Sự thay đổi hệ thống khí hậu toàn cầu dẫn đến nhiều tác động bất lợi đến cả hệ sinh thái tự nhiên và con người. Do đó, các diễn biến của BĐKH hiện nay đang tác động đến tất cả các ngành/lĩnh vực, đặc biệt nặng nề hơn đối với những ngành phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu.
BĐKH buộc nhân loại phải liên tục thay đổi và thích ứng với nhiều rủi ro thiên tai khác nhau, nhằm giảm thiểu bất lợi trong đời sống sinh hoạt thường ngày và sinh kế.
- Chính quyền thành phố cần làm gì để giảm thiểu thiệt hại của biến đổi khí hậu tại TP.HCM?
- TP.HCM là một trong những đô thị lớn trên thế giới, có quy mô dân số cao và giá trị tài sản lớn, do đó mức độ phơi nhiễm với các yếu tố rủi ro khí hậu cũng sẽ rất cao.
Trong thời gian qua, chính quyền và người dân TP.HCM đã liên tục thực hiện nhiều hành động nhằm ứng phó kịp thời với những tác động bất lợi từ BĐKH. Nhìn chung, chúng ta cần áp dụng hài hòa giữa những nhóm giải pháp công trình và phi công trình, nhằm phát huy tối đa khả năng thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.
Hoạt động ứng phó với BĐKH của TP.HCM đã có những bước chuẩn bị từ sớm. Một trong những cột mốc quan trọng về công tác ứng phó với BĐKH của TP.HCM là việc gia nhập Tổ chức C40, là tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Từ đó đến nay, TP.HCM đã ban hành và thường xuyên cập nhật các Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH nhằm triển khai các giải pháp thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với các tác động của BĐKH.
Ngoài ra, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường và kêu gọi toàn dân cùng chung tay thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH.
- Theo dự báo từ tổ chức Climate Central (Mỹ), TP.HCM có thể bị lún, đặc biệt khu vực phía đông nằm cạnh sông Sài Gòn và khu Thủ Thiêm vốn là đầm lầy trũng thấp. Nhiều khu vực có thể gặp nhiều khó khăn hơn do nhiều yếu tố như lũ lụt và bão. Ông có nhận định gì về dự báo này?
- Việc đánh giá tác động BĐKH đến một khu vực nhất định, điển hình như bài toán ngập lụt đô thị tại TP.HCM phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên và nhân tạo khác nhau. Hơn nữa, kết quả mô hình mô phỏng ngập lụt đô thị yêu cầu rất nhiều thông tin và dữ liệu đầu vào với độ chính xác cao. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liên tục cập nhật kịch bản BĐKH trên phạm vi cả nước và đã cung cấp rõ nguy cơ ngập đối với TP.HCM tương ứng với từng mức độ gia tăng mực nước biển.
- Mỗi người dân cần làm gì để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?
- Thực tế là BĐKH tác động bất lợi đến hầu hết các đối tượng trong xã hội, tùy vào từng mức độ khác nhau. Do đó, mỗi người dân chúng ta đều cần phải hành động ngay bây giờ, ngay hôm nay để chung tay vào công cuộc ứng phó với BĐKH. Theo đó, bước đầu, mỗi chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cần thiết về BĐKH, từ đó có thể phát huy vai trò phù hợp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày bằng những hành động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.
- Xin cảm ơn ông!