Các nhà khoa học TP.HCM tìm cơ hội hợp tác với Hàn Quốc trong chuyển giao công nghệ bán dẫn

  • 10:22 ,09/12/2022

Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM (HCMUSTA) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Xúc tiến Công nghệ và Thông tin Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hàn Quốc (Korea Technology and Information Promotion Agency for SMEs - TIPA).

Trao đổi với đối tác liên quan đến công nghệ và doanh nghiệp Hàn Quốc, GS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM, đã đặt vấn đề Hàn Quốc chuyển giao công nghệ sản xuất các chất bán dẫn và chip các thiết bị điện tử cho TP.HCM.

Vào ngày 8/12, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM (HCMUSTA) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Xúc tiến Công nghệ và Thông tin Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hàn Quốc (Korea Technology and Information Promotion Agency for SMEs - TIPA).

Theo GS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch HCMUSTA, HCMUSTA đại diện cho đội ngũ trí thức tại TP.HCM. Hiện HCMUSTA có 46 hiệp hội thành viên, 8 Trung tâm Phát triển/Viện nghiên cứu, với khoảng 60.000 thành viên.

“Các hoạt động của HCMUSTA bao gồm nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học kinh tế và luật, giáo dục và đào tạo, môi trường, xây dựng và vật liệu xây dựng…,” GS Phước cho biết.

Một trong những nhiệm vụ chính của HCMUSTA là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ, GS Nguyễn Văn Phước đã đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất chất bán dẫn và chip điện tử.

TS. Lee Jae Hong, Chủ tịch TIPA, cho biết, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM có vai trò thúc đẩy, hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua buổi họp để ký kết biên bản ghi nhớ này, TIPA hy vọng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

“Việt Nam là một trong những trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam Á, với ưu thế là dân số trẻ trong độ tuổi 30. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 - 7%. Bên cạnh đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc cũng là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. TIPA có thể thông qua tìm hiểu nhu cầu công nghệ của từng quốc gia để chuyển giao công nghệ phù hợp, đề xuất xây dựng các mô hình kinh tế mới để tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh cho Hàn Quốc và các đối tác trên thị trường quốc tế,” TS. Lee Jae Hong nói.

Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ, GS Nguyễn Văn Phước đã đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất chất bán dẫn và chip điện tử. Theo GS Phước, TP.HCM hiện có nhu cầu rất lớn về sản xuất các vật liệu bán dẫn, chip cho các thiết bị điện tử. TP.HCM đã chú trọng triển khai các chương trình, dự án về chất bán dẫn từ 10 năm nay.

Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM hy vọng thông qua buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ này sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đại diện TIPA cho biết, họ sẽ phải làm việc với một số Bộ ngành Hàn Quốc liên quan cũng như trao đổi với các doanh nghiệp của Hàn Quốc để tìm cơ hội chuyển giao công nghệ từng phần liên quan đến lĩnh vực bán dẫn như GS Phước yêu cầu.

Bên lề gặp gỡ, HCMUSTA, TIPA cùng KTR (Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Hàn Quốc), MEKONGLINK (Đại diện của 19 tập đoàn công nghệ tại Khu công nghệ Hàn Quốc) đến từ Hàn Quốc cũng đã tổ chức Hội thảo trao đổi công nghệ và cuộc họp doanh nghiệp năm 2022.

Bao gồm: linh kiện trong sản xuất ô tô, ván ngói lợp nhựa đường với công nghệ chống thấm; sách điện tử tiếng anh (e-book, e-publishing và e-learning); giải pháp công nghệ liên quan đến hải dương học, dịch vụ kĩ thuật môi trường biển, công nghệ phân tích và giải mã gene…

 

An Quý
  • Hotline
    (028) 3920 1523
  • Email