“TPHCM cần dự báo dài hơi về nhân lực của ngành du lịch”

  • 19:28 ,01/10/2022

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Xã hội IST

Cao điểm du lịch năm 2022 vừa khép lại. TPHCM đã có được niềm vui bùng nổ du lịch nhưng lại gắn liền với thực trạng “chấp vá” về nhân lực. Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội (IST), hậu đại dịch, điều mới nhất, ấn tượng nhất về du lịch TPHCM chính là thành phố đã nhận ra sức mạnh nội sinh và lần đầu tiên tạo thị trường, tạo sản phẩm riêng biệt của mình. Tuy nhiên, bài toán về nhân lực vẫn cần có nhiều giải pháp khả thi để bắt kịp với nhu cầu.

Thưa ông, tháng 10 này là tròn 1 năm TPHCM thật sự mở cửa phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19, ông có nhận định ra sao về sự trở lại của ngành du lịch TP?

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội (IST): Trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành Du lịch thành phố đã có những khởi sắc đáng khích lệ. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế vẫn còn rất “khiêm tốn” so với trước đại dịch Covid-19 cũng như việc thu hút khách du lịch của Thành phố vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên điều làm tôi ấn tượng nhất chính là lần đầu tiên từ khi có du lịch TPHCM làm du lịch cho chính mình. Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh vừa tung ra những cái chính sách là mỗi quận, huyện sẽ trở thành cái điểm đến. Việc tập trung đầu tư này là một cái dấu hiệu cho thấy là TP đã nhìn nhận được vấn đề du lịch nội sinh. Thứ hai là TPHCM đã chuyển dần từ vai trò trung chuyển hành khách - nơi mà du khách chỉ ở đây trong khoảng 2 đêm, đêm đầu và đêm cuối để trở thành một điểm đến hấp dẫn thật sự. Tức là khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh để du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

TPHCM đang chủ động phát triển sản phẩm du lịch đặc thù 

Quay trở lại với nỗi lo về nhân lực ngành du lịch hậu đại dịch, theo ông hiện tượng thiếu hụt nhân lực căng thẳng như cao điểm du lịch hè vừa qua có còn tiếp diễn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới?

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội (IST): Từ trước đến giờ thì du lịch vẫn bị khủng hoảng về nhân sự hiện tại đang là khủng hoảng thiếu, nếu mà vô cao điểm lúc nào cũng là khủng hoảng thiếu. Nhất là thời điểm du lịch mở cửa sau ngày 15/3/2022, đó là giai đoạn cao điểm về du lịch, cụ thể từ tháng 3 năm nay cho đến tháng 9 nhu cầu và hoạt động cung ứng của ngành du lịch giống như là một cái đường đường thẳng đi lên. Tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Nhân sự ngành du lịch nói chung, trong đó có TPHCM trải qua mùa hè gần như rất căng thẳng và phải là chấp vá rất nhiều để có thể phục vụ hành khách. Tất cả các mảng ở trong du lịch bao gồm nhà hàng, khách sạn, vận chuyển đều bị hụt nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là do người dân giờ đây mong muốn du lịch nội địa nhiều hơn. Trong khi, từ trước đến nay, du lịch trong nước là gần như không có phát triển quá nhiều. Những điểm đến ở quận 9, Hóc Môn, Nhà Bè và quận 8 của TPHCM cùng gặp khó vì thiếu nhân sự để phục vụ cho du khách tại chỗ.

Cũng ở vấn đề nhân sự, chúng ta phải nhìn ở hai mặt chất lượng và số lượng. Hiện tại số lượng có thể chuẩn bị đi vào giai đoạn dư nhưng mà thiếu về chất lượng. Ở đây là chất lượng cao, tại mình không thể nào đào tạo được nhân sự chất lượng cao. Bởi vì sau hai năm chịu tác động tiêu cực từ đại dịch, đa phần nhân viên của ngành du lịch đều mới ra trường và thiếu điều kiện để rút kinh nghiệm thực tế. Bằng cách nào đó, các doanh nghiệp du lịch vẫn phải tìm cách đưa nhóm nhân sự cũ quay trở về vì đó là những người có kinh nghiệm, có kỹ năng, có thái độ và có cái nền tảng vững chắc thì họ mới có thể phục vụ được du khách một cách toàn diện nhất. Đó là giải pháp trước mắt. Các doanh nghiệp cần có chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch có kinh nghiệm quay trở lại làm việc. Dài hơi hơn nữa là tổ chức đào tạo lại, kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch. Việc đào tạo cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi, nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Còn về lâu dài, TPHCM phải dự báo được diễn biến thiếu nhân lực của ngành du lịch “bền vững” từ năm 2023. Giai đoạn này nguồn nhân sự là sinh viên các chuyên ngành du lịch sẽ giảm rất mạnh bởi năm học 2020, 2021, số lượng sinh viên chỉ bằng ¾ các năm trước. Nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch vốn dĩ đã thiếu vào các năm đào tạo đầy đủ giờ sẽ thiếu nhiều hơn mà khó có nguồn bù đắp.

Theo ông, giải pháp khả thi cho bài toán nhân lực cho TPHCM trước mắt và lâu dài sẽ ra sao? Và với vai trò của Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội (IST), đơn vị sẽ có những động thái nào để đồng hành với ngành du lịch thành phố trong tiến trình phục hồi?

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội (IST): Theo tôi, hiện tại là cơ hội để thành phố Hồ Chí Minh khôi phục và phát triển nguồn nhân sự ở cả hai mặt số lượng và chất lượng. Ngay từ bây giờ, phải có nhiều chính sách thu hút về nhân sự từ các ngành, nghề khác để bồi dưỡng, đào tạo nâng cao, chuyên sâu về các dịch vụ du lịch. TPHCM có một lợi thế lớn so với các địa phương khác trong khôi phục nhân lực chính là dễ thu hút người lao động từ các địa phương đổ về. Nguồn nhân lực này khi được đào tạo nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng luôn được các doanh nghiệp về du lịch, điểm đến và nhà hàng, khách sạn thu hút ngay để bổ sung, sàng lọc ra đội ngũ nhân viên chất lượng cao hơn. Nhất là những đơn vị cung cấp loại hình du lịch MICE – nhân sự chất lượng cao luôn là yêu cầu hàng đầu của họ.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương giảng dạy trong một lớp bồi dưỡng kỹ năng Sale Tour tại TPHCM

Còn về những dự báo về diễn biến thiếu nhân sự sau năm 2024, Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội (IST) có kế hoạch về các buổi trao đổi chuyên đề, chuyên sâu với những thông tin, thống kê cụ thể để doanh nghiệp du lịch, các địa phương có liên quan nắm bắt được vấn đề. Còn câu chuyện giải pháp và bước chuẩn bị để giải bài toán này thật sự phải cần sự đồng lòng, chung tay, chung sức của cả hệ thống từ chính quyền, sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM.

Ngay sau đại dịch và tiếp tục đến bây giờ, Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội (IST) vẫn duy trì các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về bar, bếp, buồng, phòng… cho nhân sự ngành du lịch muốn cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng để sẵn sàng quay lại thị trường này. Song quy mô các lớp vẫn hạn chế, cái chúng tôi muốn làm nhất là lan tỏa câu chuyện về dự báo, nhu cầu và giải pháp trước mắt, thiết thực nhất, khả thi nhất cho các doah nghiệp du lịch trong tái cơ cấu, bổ sung, phát triển nhân sự một cách hiệu quả, gắn với việc góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch TPHCM.

Xin cảm ơn chia sẻ từ ông với Tạp chí Khoa học phổ thông.

Trần Quyền
  • Hotline
    (028) 3920 1523
  • Email