Y đức ngành nha khoa và cú chuyển hướng của một nha sĩ trẻ

KIM CHI| 08/06/2022 07:47

KHPTO - Việc tìm hiểu và chọn cho mình một bệnh viện, phòng khám, hay bác sĩ chuyên về thăm khám sức khỏe răng miệng tưởng chừng đơn giản với sự trợ giúp của cỗ máy tìm kiếm Google. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ và gặp phải nha sĩ thiếu y đức thì có thể bạn sẽ không được như ý, mà còn nhiều hệ lụy.

Xu hướng và những mặt hạn chế trong nha khoa

Cùng với xu hướng làm đẹp của xã hội hiện nay, ngành nha khoa đang phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Các vấn đề về răng miệng không chỉ được quan tâm ở các thành phố lớn mà ở các vùng nông thôn, nhiều phòng nha tư nhân cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, điều này lại kéo theo một vấn đề khác, như nhiều người chẳng may chọn phải những cơ sở không uy tín để rồi gặp nhiều biến chứng.

Theo chia sẻ từ bác sĩ Đỗ Thế Hùng - bác sĩ tại Bệnh viện răng hàm mặt Sài Gòn, hiện nay tình trạng gặp biến chứng do chọn những phòng khám không uy tín là khá phổ biến. “Đối với điều trị nha khoa, người đi khám răng nên chọn các trung tâm uy tín, bở ở đó họ thường có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên sâu, cùng với trang thiết bị hiện đại. Đừng ham rẻ mà đến những trung tâm không có giấy phép, thiếu bằng cấp để rồi tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe. Chẳng hạn, nhiều bệnh nhân muốn đẹp nhanh nên thường chọn cách mài răng sứ. Thực sự, nếu làm đúng chỉ định thì không có gì để nói, nhưng nhiều nơi làm ẩu, mài lượng lớn mô răng, lấy tủy, nhổ răng… khiến cho sức khỏe răng miệng sẽ bị giảm đáng kể trong tương lai. Vì vậy, bệnh nhân, khách hàng hãy tìm hiểu kỹ và cân nhắc, đừng vì chút tiền bạc hay thời gian mà đánh đổi sức khỏe sau này”.

Lựa chọn một phòng khám nha khoa đạt chuẩn là điều vô cùng cần thiết đối với người có vấn đề về răng miệng. Ảnh minh họa.

Bén duyên từ phòng nha

Tình trạng phòng khám không có giấy phép nói chung và đối với phòng khám nha nói riêng vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Điều này liên quan đến y đức của người nha sĩ. Theo bác sĩ Đỗ Thế Hùng, vấn đề lựa chọn ngành, lương khởi điểm, hay đạo đức nghề nghiệp trong ngành nha ngày càng trở nên rõ nét.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với câu hỏi: “Vì sao bác sĩ lại chọn ngành nha mà không phải các ngành về thẩm mỹ khác?”, bác sĩ Hùng chia sẻ:

“Tôi đến với ngành nha khoa vì sự tình cờ. Năm 17 tuổi, tôi đi nhổ răng khôn và được nói chuyện, tiếp xúc với một bác sĩ nha khoa ở phòng mạch tư. Vị bác sĩ đó đã rất ân cần, và giải thích cặn kẽ về tình trạng răng của tôi. Khi nhổ răng, bác sĩ làm rất nhẹ nhàng, tôi gần như không có cảm giác bị đau. Từ đó, tôi có cảm tình với ngành nha khoa và quyết định thi vào ngành này.

Còn tại sao tôi lại không chọn các ngành thẩm mỹ khác, là do khi thi đầu vào, ngành bác sĩ răng hàm mặt được tách riêng ra với bác sĩ đa khoa. Các ngành thẩm mỹ còn lại yêu cầu bạn phải là một bác sĩ đa khoa đi về hướng ngoại khoa và chuyên sâu là thẩm mỹ”.

Để trả lời cho câu hỏi: “Lý do chọn làm việc tại bệnh viện dù lương khởi điểm sẽ thấp hơn so với phòng khám?”, bác sĩ Hùng, nói:

“Lương ban đầu thấp không có nghĩa là sau này cũng thấp. Ban đầu, có thể lương chỉ bằng 2/3 hoặc 1/2 so với phòng khám tư bên ngoài. Nhưng nếu mình nhìn ra được tiềm năng của bệnh viện mình đang làm trong tương lai, thì định hướng phát triển đúng đắn, lấy bệnh nhân làm gốc sẽ khiến mình gắn bó với bệnh viện”.

Nói về những khó khăn, thử thách khi chọn ngành nha khoa, và cách để vượt qua điều đó để đi đến ngày hôm nay, bác sĩ Hùng, đưa ra lời khuyên:

“Đầu tiên, các bạn trẻ phải đủ điều kiện đậu vào đại học ngành răng hàm mặt. Bạn phải trải qua 6 năm học ở đại học. Trong quá trình đó, các bạn phải học rất nhiều và đối mặt với nhiều kỳ thi gắt gao. Đó là cách mà đại học dạy cho bạn đức tính cần cù, cẩn thận khi làm bác sĩ. Thử thách sau đó là kỳ thi tốt nghiệp rất căng thẳng. Đơn cử, năm tôi thi thì có đến 1/3 sinh viên rớt đợt đầu, đến khi ra trường thì lại là cánh cửa mới với vô vàn khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên, tôi nghĩ: Ngành nha khoa nói riêng và ngành y nói chung là ngành cao quý. Là một bác sĩ, đồng nghĩa với việc bạn đã mang về danh dự và vinh hạnh cho gia đình. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để giữ gìn danh dự đó. Khi đi làm, tôi cảm thấy thực sự yêu nghề, bởi có thể tạo nên nụ cười cho mọi bệnh nhân. Tôi luôn nghĩ rằng: Với nụ cười đó, bệnh nhân của mình sẽ có tương lai tốt hơn. Đó cũng chính là động lực của tôi trong công việc”.

Sự nghiệp và y đức trong ngành nha khoa

Chia sẻ về “Tôn chỉ nghề nghiệp khi theo đuổi ngành nha khoa”, bác sĩ Hùng, nhìn nhận rằng:

“Kinh nghiệm, chuyên môn và y đức là 3 yếu tố quan trọng để trở thành một người bác sĩ. Người ta hay nói: Bác sĩ phải có tâm và có tầm là vậy.

Bạn phải giỏi chuyên môn mới giúp được người. Có y đức để luôn quyết định điều tốt cho bệnh nhân, không vụ lợi cá nhân. Cả hai điều đó trải qua thời gian dài thì sẽ đúc kết thành kinh nghiệm cho từng trường hợp cụ thể”.

Chưa dừng lại ở đó, bác sĩ Hùng cũng tiết lộ về chặng đường theo đuổi ngành nha khoa, về cách mà ông đã vừa phát triển sự nghiệp vừa giữ được y đức đối với nghề:

“Theo tôi, điều đầu tiên là ở nhận thức của mỗi bác sĩ. Nếu luôn muốn làm tốt cho bệnh nhân, luôn cố gắng học tập, tìm tòi thêm mỗi ngày thì bạn sẽ giữ được y đức, bệnh nhân sẽ tự quay lại tìm bạn.

Thứ hai, bạn phải được làm việc trong môi trường có y đức và được tạo cơ hội phát triển. Ví dụ, nếu bạn làm việc ở phòng khám chuyên mài sứ bất chấp sức khỏe của bệnh nhân thì đó không phải là môi trường tốt rồi.

Thứ ba, người lãnh đạo, người hướng dẫn cho bạn khi mới bước vào nghề phải là người tốt, giúp đỡ bạn đi vào con đường đúng, không vì lợi trước mắt mà phá bỏ y đức, cũng như luôn tạo điều kiện cho bạn phát triển bản thân”.

Đề cập về vấn đề “y đức", quan niệm của y đức trong ngành nha khoa được thể hiện như thế nào, bác sĩ Hùng, cho rằng:

“Có một câu nói rất nổi tiếng của ngành y, đó là ‘First, do no harm’. Là bác sĩ, trước khi chữa bệnh thì đừng làm cho bệnh nhân bị tổn hại thêm. Tôi nghĩ: Y đức trong nha khoa là luôn làm tốt cho bệnh nhân. Bác sĩ cần phải nắm vững chuyên môn, nhanh nhạy, không cẩu thả, suy nghĩ thấu đáo khi đưa ra kế hoạch điều trị cho bệnh nhân”.

Con đường song hành giữa sự nghiệp và y đức trong ngành nha khoa luôn là hai câu chuyện được đề cao trong xã hội. Ảnh minh họa

Trước câu hỏi cuối cùng trong buổi phỏng vấn: “Với đặc thù công việc bận rộn và luôn đòi hỏi sự linh hoạt, cũng không ít lần phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao, đã có trường hợp nào khiến bác sĩ cảm thấy mất cân bằng giữa cảm xúc cá nhân và công việc hay chưa?”, bác sĩ Hùng thẳng thắn nhìn nhận:

“Tất nhiên là sẽ có. nhưng bản thân mình phải tự tìm cách cân bằng. Trong một tập thể, bạn luôn phải có cạnh tranh. Ở đây, việc cạnh tranh sẽ giúp bạn cố gắng mỗi ngày, và để rèn luyện bản thân tốt hơn.

Hiện tại, khối lượng công việc của tôi khá nhiều. Tôi làm tại 3 cơ sở của hệ thống, số giờ làm có thể từ 65 - 70 giờ mỗi tuần, chưa kể luôn phải học tập, đọc sách, quản lý các ca bệnh mỗi tối.

Các công việc đều đòi hỏi bản thân tôi phải luôn suy nghĩ, tính toán rất nhiều, nên đôi lúc tôi bị áp lực. Nhưng áp lực mới biến carbon thành kim cương mà! Tôi tin rằng: Với môi trường áp lực như vậy, bản thân mình sẽ tốt lên mỗi ngày”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y đức ngành nha khoa và cú chuyển hướng của một nha sĩ trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO