Xuất khẩu trái cây tươi: Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là then chốt!

Bài, ảnh: Minh Tuấn| 14/01/2017 10:51

KHPTO - Theo các chuyên gia, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là then chốt trong giải mã sự “khó tính” để tạo ra được thị trường trái cây xuất khẩu bền vững.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong 40 thị trường nhập khẩu trái cây tươi Việt Nam thì nhóm được coi là thị trường “khó tính” gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là then chốt trong giải mã sự “khó tính” để tạo ra được thị trường trái cây xuất khẩu bền vững.

Giải mã sự “khó tính”:

Qua 8 năm vận hành song phương quốc gia các dự án xuất nhập khẩu, chúng ta đã có những bài học về điều kiện thành công của trái cây tươi. TS. Nguyễn Hữu Đạt, ủy viên Ban chấp hành Vinafruit, cho biết: “Để bảo đảm trái cây tươi được phép nhập khẩu vào thị trường khó tính cần thực hiện tốt hai yếu tố, một là tuân thủ Qui định về dịch hại kiểm dịch thực vật; thứ hai là tuân thủ Qui trình về tiêu chuẩn VSATTP.

Trong suốt 8 năm qua, chưa có lô trái cây nào xuất khẩu vào thị trường khó tính bị phát hiện vi phạm Qui định về dịch hại kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên những vi phạm VSATTP vẫn còn tương đối phổ biến.

Các chuyên gia nước ngoài của các dự án đánh giá việc tuân thủ về thực hiện Qui định về dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam là rất tốt. Các khai báo danh sách mối nguy dịch hại và giải pháp phòng ngừa được thiết lập một cách khoa học. Khi tiến hành kiểm nghiệm về quản lý và khống chế dịch hại trên thực tế, kết quả thẩm định đạt mức cao thuyết phục. “Chưa có một sơ suất nào trong việc tuân thủ Quy định về dịch hại kiểm dịch thực vật”, TS. Đạt cho biết. Những bộ hồ sơ về dịch hại kiểm dịch thực vật một loại trái cây xuất nào đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thay vì chiếu xạ được thay bằng xử lý hơi nước nóng, đồng thời được chấp thuận bởi nhiều thị trường khác.

Đánh giá về các chuỗi cung ứng trái cây xuất khẩu vào thị trường khó tính, Vinafruit cho biết: “Việc tuân thủ Qui trình về tiêu chuẩn VSATTP trái cây tươi xuất khẩu, từ nhà vườn tới doanh nghiệp cơ bản đã có nhận thức tốt. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, những vi phạm VSATTP vẫn có”.

Hiện nay, do thiếu cơ chế quản lý, việc vi phạm VSATTP còn tương đối phổ biến trong sản xuất, ở các chuỗi mậu biên và thị trường nội địa, đây sẽ là mối nguy không chỉ cho người tiêu dùng mà cho hàng xuất khẩu. Nếu những loại trái cây “ngon, đẹp” từ bên ngoài lọt vào chuỗi xuất khẩu sẽ gây ra thảm họa”. TS Đạt nhắc lại lời Cục bảo vệ thực vật từng cảnh báo: “Khi có một lô hàng vi phạm vi phạm VSATTP thì tỷ lệ kiểm tra hàng của doanh nghiệp sẽ bị tăng dần theo số lần vi phạm, lên đến 50%, 100% thay vì 5% là mức kiểm tra  bình thường. Khi hàng của doanh nghiệp bị nhận lệnh kiểm tra phải mất thời gian đến lượt cũng như thời gian kiểm tra – thường trễ 4 - 5 ngày, kéo theo chất lượng trái cây giảm - mất giá - không bán được - mất hợp đồng - giảm số lượng xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp, một lô vi phạm VSATTP có mức thiệt hại bằng mức lời của 15 lô xuất thành công. Việc này gây ảnh hưởng tiến độ, thậm chí đứng trước nguy cơ mất bạn hàng.

Giải pháp xuất khẩu trái cây bền vững:

Giữ vững và phát triển thị trường cần được coi là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp và nhà vườn. Sản xuất trái cây hiện cung vượt cầu, khi lượng hàng xuất khẩu giảm xuống, giá cả trái cây ngay lập tức mất ổn định. Nhà vườn sẽ phải bán rẻ trái cây của mình khi các chuỗi xuất khẩu trục trặc và không công bố sự an toàn. Yêu cầu rau quả xuất vào thị trường khó tính phải sản xuất theo quy trình VietGAP. Qui trình cụ thể thì các cơ quan, hữu quan của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Sở nông nghiệp và hệ thống khuyến nông đều đã có phổ biến. Cục bảo vệ thực vật cũng đã đưa ra những khuyến cáo và tuân thủ không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại đã được thị trường Mỹ cấm như: Iprodione, Cypermethrin, Difenoconazole, Carbendazim và Chlorothalonil. Khi sử dụng các nhóm thuốc thay thế, phải đảm bảo liều dùng và thời gian cách ly trước thu hoạch đúng theo khuyến cáo.

Theo TS. Đạt thì nhà vườn cần ý thức rõ mình đang ngồi chung một con thuyền với doanh nghiệp. Cần thấu hiểu các khó khăn của giới doanh nghiệp mà hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Nhà vườn dốc sức và tâm huyết sản xuất tốt, chất lượng trái cây đạt phải cao và luôn luôn phải đạt yêu cầu về VSATTP. Đó là cách người nông dân bán được sản phẩm cho xuất khẩu có được giá bán cao và ổn định. Không nên chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà làm mất đi cái lợi lớn của cộng đồng và của quốc gia. Những nhóm nhà vườn cung ứng trái cây chất lượng cao, đạt yêu cầu về VSATTP quanh năm liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu trung thực và tín nhiệm sẽ tạo được môi trường xuất khẩu bền vững. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu trái cây tươi: Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là then chốt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO