Xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch, trách nhiệm

08/11/2022 16:18

Đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người Việt Nam là một vấn đề tồn tại đã từ lâu, nhưng không được giải quyết rốt ráo, triệt để. Người dân luôn thường trực nỗi bất an khi tiêu dùng thực phẩm.

Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức đã đánh dấu cột mốc quan trọng của sự chuyển hướng của ngành nông nghiệp Việt Nam sang thay đổi về chất thay vì lấy số lượng, sản lượng làm chỉ tiêu phấn đấu. 

Xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch, trách nhiệm
Liên quan đến trách nhiệm của chuỗi thương mại thực phẩm, các chợ đầu mối, các chuỗi siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp đóng vai trò chính. Đây là nơi thực phẩm tập trung với số lượng lớn, chi phối tiêu dùng của số đông, là nơi khởi đầu hành trình của thực phẩm đến với người tiêu dùng Việt Nam: các cửa khẩu, các cảng/chợ cá, các chợ đầu mối, các sự kiện xúc tiến thương mại lớn.
Chúng tôi đã làm việc với Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn. Các chợ đều có nội quy, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức cơ bản: không được kinh doanh hàng hóa có sử dụng chất cấm, hàng hóa nhập chợ phải có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng nhập khẩu phải có phụ đề bằng tiếng Việt. 
Ban quản lý chợ đã tập huấn, cập nhật các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và khám sức khỏe định kỳ cho thương nhân và nhân công tại chợ. Tuy nhiên, việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên thực tế là không đáp ứng được yêu cầu. Gần như toàn bộ hàng tươi sống xuất xứ Việt Nam nhập chợ (trừ thịt heo có đeo vòng) không có nhãn mác, không tên nhà sản xuất, ngày bao gói, trọng lượng...
Riêng hàng nhập khẩu, bao bì có ghi tên nhà xuất khẩu, trọng lượng, nơi xuất xứ cũng khá chung chung. Các lô hàng nhập khẩu đều có giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, tương đối đầy đủ các nội dung chứng nhận cần thiết. 


Nhưng trên bao bì chưa thể hiện đầy đủ các thông tin cần thiết như tên nhà sản xuất, địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất, không có dấu hiệu hay tên của hệ tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn Việt Nam mà nhà sản xuất nước ngoài được chứng nhận. 
Theo phản ánh của Ban quản lý chợ, đội quản lý an toàn vệ sinh có lấy mẫu định kỳ kiểm nghiệm nhưng với hàng tươi sống, khi có kết quả kiểm nghiệm, hàng đã tiêu thụ xong. 
Về các cảng cá, chợ cá, các nước đều coi đây là nơi bắt đầu của chuỗi thực phẩm. Do vậy, thương lái không được mua bán thương mại, đưa ra khỏi chợ sản phẩm không đủ tiêu chuẩn thực phẩm và nhỏ hơn kích cỡ theo quy định bảo vệ nguồn lợi. 
Trên thực tế, hầu hết cảng cá, chợ cá ở nước ta xây dựng với mục đích bến cảng cho tàu dỡ hàng. Do vậy không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh cho thực phẩm tươi sống, không có đủ mái che, kho lạnh... Trong thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường, nhiều cảng chợ rất dơ, mùi hôi bốc lên từ xa. 
Bên cạnh đó, theo thông tin từ báo chí, hiện có trên 40 công ty chứng nhận VietGAP do Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép. Trong khi các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế theo dõi sát và tư vấn thường xuyên cho đơn vị được chứng nhận, hằng năm tái kiểm tra và chứng nhận lại; tổ chức cấp chứng nhận VietGAP xong là buông tay. Doanh nghiệp được cấp chứng nhận 1 lần, dùng mãi, sử dụng để marketing nhưng trên thực tế có thể không thực hiện. 
Nhân chuyện logo, hiện nay chúng ta thấy trên thị trường, có bao nhiêu đơn vị chứng nhận có bấy nhiêu logo VietGAP, khiến người tiêu dùng không thể nhận diện logo VietGAP nào là đúng. Trong khi đó GlobalGap chỉ có 1 logo. Đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét quy định thống nhất bộ nhận diện áp dụng chung cho doanh nghiệp được chứng nhận VietGAP. 
Kiềng 3 chân phát triển nông nghiệp minh bạch, an toàn, trách nhiệm
Chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức quốc tế hỗ trợ một số cộng đồng thực hiện các tiêu chuẩn nhưng không hỗ trợ phát triển thị trường. Các nhà sản xuất cũng chấm dứt thực hiện tiêu chuẩn cùng thời điểm khi dự án kết thúc.
Vậy kiềng 3 chân là gì? Tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức cộng đồng và thị trường tiêu thụ là 3 chân đứng để cộng đồng nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm có thể phát triển. 

Tiêu chuẩn kỹ thuật
Một doanh nghiệp trồng trà ở Đà Lạt được Đan Mạch hỗ trợ làm VietGAP, khi chúng tôi đến hỏi về kết quả thực hiện VietGAP. Doanh nghiệp trả lời làm theo hướng dẫn, tốn nhân công, công sức nhưng không có ai mua trà đạt chuẩn VietGAP. Thương lái mua trà, kể cả thương lái đến từ Srilanka không quan tâm đến VietGAP. 
Dự án của TC World Vision hỗ trợ nông dân trồng cà phê (giống của Pháp từ ngày xưa) làm truy xuất nguồn gốc. Nông dân rất hồ hởi đi học, nhưng do không được hỗ trợ về thị trường nên việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng kết thúc cùng với dự án. 
Mấy năm trước, một bạn hỗ trợ dự án làm kinh tế tuần hoàn do Hàn Quốc tài trợ cho một cộng đồng ở Thừa Thiên Huế, điện đến AFT nhờ giúp mở thị trường, bởi sản lượng dư thừa, không có người mua. Tôi nhớ, nhiều năm trước An Giang đã đầu tư để một số nhà sản xuất thực hiện tiêu chuẩn SQF 2000, một thời gian sau không thấy nói tới, phải chăng do nguyên nhân thị trường? 
Có lẽ Bộ NN&PTNT nên đánh giá xem những nỗ lực của Bộ với số tiền đã đầu tư đào tạo nông dân làm VietGAP hiệu quả thế nào? Có bao nhiêu nhà sản xuất còn kiên trì làm VietGAP một cách thực sự.
Liên quan vấn đề này, chúng ta hãy xem các nước làm thế nào? Trái kiwi thương hiệu Zespri của New Zealand. Từ 1.700 nông dân trồng kiwi mạnh ai nấy làm, cạnh tranh nhau, chất lượng ngày càng xuống, giá bán thấp; họ đã liên kết xây dựng thương hiệu Zespri - tên một loài chim đặc trưng của New Zealand. 
Hình thức liên kết - thành lập công ty thương mại, cổ đông là chính các nông dân với quy tắc chung, tiêu chuẩn chất lượng chung và kiểm soát nội bộ. Kiwi Zespri đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, xuất khẩu đi khắp châu Âu và nhiều nước trên thế giới. 


Văn phòng Liên ngành Cognac (BNIC), một tổ chức hội, thành viên gồm các trang trại trồng nho, các nhà chưng cất, các đại gia với thương hiệu lớn: Hennessy, Remy Martel, Canmus... Kết nối trên cơ sở các tiêu chuẩn sản xuất thống nhất, quy tắc ứng xử chung để bảo vệ rượu với thương hiệu Cognac.
Tại Việt Nam, cộng đồng sản xuất rau PGS (Participatory Guarantee System - Hệ thống đảm bảo cùng tham gia) một mô hình rau hữu cơ cho nông dân sản xuất nhỏ, đã áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tham gia PGS, Việt Nam có nhiều nông dân với thửa ruộng 500 - 1.000 m2 được thành lập thành các tổ có trách nhiệm hỗ trợ và kiểm tra chéo lẫn nhau thực hiện các tiêu chuẩn hữu cơ. 
Với cơ chế kiểm tra chéo của các tổ, nên khi phát hiện một hộ sản xuất vi phạm, giá bán rau của cả tổ bị giảm mạnh cho đến khi có bằng chứng đã khắc phục. Giá bán đầu bờ và giá bán lẻ của rau theo tiêu chuẩn PGS là thống nhất trên toàn hệ thống và để tránh cạnh tranh, các cửa hàng chỉ được mua tại một số tổ sản xuất nhất định. 
Hai mươi lăm năm trước, thủy sản Việt Nam cũng cùng một mặt bằng chung trong nông nghiệp, nhờ có dự án Seaqip liên tục trong 10 năm tổ chức nhiều khóa đào tạo cho doanh nghiệp quy định của EU về điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn HACCP, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam. Thủy sản không thể trở thành một ngành công nghiệp xuất khẩu như hôm nay nếu không có dự án SEAQIP do CP Đan Mạch tài trợ. 

Tổ chức cộng đồng và thị trường


Nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm cần có các nhà sản xuất - kinh doanh thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm. Thế nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp làm thực phẩm chứng nhận hữu cơ, minh bạch, VietGAP, GlobalGap rất nhỏ bé như những chồi non trong những cánh rừng rậm mù mịt phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất bảo quản. 
Chính phủ đã có những chính sách gì để giúp những chồi non này lớn lên? Để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải có dự án thông qua Sở NN&PTNT. Những cái mà doanh nghiệp cần nhất là hỗ trợ vốn ưu đãi ít nhất trong thời gian chuyển đổi và hỗ trợ phát triển thị trường. Các tổ chức cộng đồng hoàn toàn có thể phối hợp với Bộ và với Ngân hàng để xác định đúng đối tượng cần vốn ưu đãi và hỗ trợ theo dõi quá trình thu hồi vốn.
Hiệp hội ngành hàng thực phẩm là một thực thể cần thiết trên thị trường. Qua ba mô hình liên kết ở trên, chúng ta thấy rõ các Hiệp hội là không thể thiếu để xây dựng hệ sinh thái, cùng sản phẩm/cùng giá trị, xây dựng và kiểm soát thực hiện các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu chung trên cơ sở Quỹ phát triển thị trường chung, những hoạt động mà từng nhà sản xuất đơn lẻ không thể đơn phương thực hiện.
Để giúp xây dựng các hệ sinh thái thực phẩm an toàn/ minh bạch/hữu cơ, đề nghị Bộ NN&PTNT dành ngân sách tài trợ cho các Hiệp hội thực hiện các dự án xây dựng hệ sinh thái thực phẩm an toàn/minh bạch/ hữu cơ. 
Nhiều năm trước đây, khi Việt Nam còn nghèo, chính phủ các nước, nhiều tổ chức quốc tế triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Hiện nay, các khoản tài trợ này đã chấm dứt. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng chính phủ Việt Nam mà cụ thể là Bộ NN&PTNT có thể tiếp tục thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật như chính phủ các nước đã làm để tiếp nguồn lực cho xây dựng hệ sinh thái thực phẩm an toàn, minh bạch, trách nhiệm?
Chúng ta có vùng trồng thanh long, có bưởi da xanh, vải thiều, xoài, cả ở miền Nam và miền Bắc bán khắp nơi trong siêu thị, chợ, ngoài đường. Đâu là thương hiệu mà người tiêu dùng Việt Nam có thể tin cậy về an toàn vệ sinh và chất lượng?
Cần nói thêm rằng, giá cho thực phẩm an toàn, minh bạch, hữu cơ chỉ có thể giảm được khi có một hệ sinh thái, liên kết, phối hợp tiến đến chuyên môn hóa từng khâu của quá trình sản xuất - logistics - thương mại. 

Thương lái và người tiêu dùng
Chúng tôi nhận thấy, nhiều ý kiến chuyên gia, kể cả truyền thông thường không có thiện cảm với thương lái. Thực sự thương lái tồn tại là do nhu cầu của cuộc sống, của thị trường. Trong nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt trong khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, thương lái đóng vai trò rất quan trọng để thu gom, bao gói, phân loại, bảo quản, vận chuyển và bán cho các đầu mối tiêu thụ. 
Trong ngành thủy sản, mặc dù đã hình thành các vùng nuôi tôm, cá tra rộng lớn nhưng các đại gia chế biến thủy sản vẫn dùng các thương lái để thu gom nguyên liệu cho họ. Chính quyền các cấp, các hệ sinh thái nông nghiệp cần coi trọng, thu hút sự tham gia của những thương nhân này, đặt trách nhiệm cho họ và hướng họ chung tay xây dựng nền thực phẩm an toàn, minh bạch, trách nhiệm.


Còn đối với người tiêu dùng, có một nghịch lý là các bà nội trợ, người tiêu dùng nói chung luôn tìm những nơi cung cấp thực phẩm, đồ ăn giá rẻ, thậm chí đã rất rẻ rồi, vẫn trả giá “sát ván” nhưng sẵn sàng trả tiền trăm triệu, tiền tỷ cho các bệnh viện. Đi du lịch, công tác luôn mang theo thuốc đồng thời sẵn sàng trả tiền cao cho các món sơn hào hải vị mà không cần biết có an toàn cho sức khỏe hay không?
Người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm. TP.HCM có một công ty là Proci (viết tắt của Professional Citizen - công dân chuyên nghiệp) từ cách tiếp cận là nếu chúng ta cùng đối mặt với một vấn đề, một người không giải quyết được thì hãy là công dân chuyên nghiệp - cùng nhau giải quyết. 
Từ một nhóm người tiêu dùng bức xúc về an toàn thực phẩm, họ đi tìm để hỗ trợ những cộng đồng nông dân canh tác không sử dụng hóa chất rồi thành lập Công ty Proci. Trải qua rất nhiều khó khăn, với sự kết hợp nhiều nguồn lực, tài trợ của các mạnh thường quân, đến nay, sau 7 năm, công ty này mới bắt đầu tự nuôi sống được. Hiện AFT vẫn hỗ trợ Proci tham gia các sự kiện thương mại.
Nên việc truyền thông, giáo dục người tiêu dùng kiến thức về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh là việc mà chính phủ cần quan tâm, bên cạnh khuyến khích tuyên truyền các kiến thức phổ thông thông qua báo chí, cần hỗ trợ các tổ chức cộng đồng có sản phẩm và thương hiệu được kiểm soát, cùng chung giá trị hay cùng sản phẩm tham gia các sự kiện thương mại cho ngân sách tài trợ, không đánh đồng như hiện nay. 
Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam cần được tổ chức tới tổ dân phố, để phối hợp truyền thông đưa thông tin kiến thức về an toàn vệ sinh, dinh dưỡng đến người tiêu dùng tiến đến trở thành một bên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh ngay tại địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch, trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO