Xử trí chấn thương sọ não do tai nạn giao thông

20/10/2006 22:15

Ngay sau khi có tai nạn gây chấn thương sọ não, muốn cứu sống được nạn nhân cần bình tĩnh, có kế hoạch cứu nạn cụ thể cho từng người trợ giúp, cũng như đối với mỗi nạn nhân (trong trường hợp có nhiều người bị nạn). Xác định cứu thương là cứu mạng và phải cứu hết mình.

Xử lý tại chỗ

Thông báo ngay cho mọi người xung quanh cùng biết nơi có tai nạn để đến trợ giúp, bảo đảm an toàn và ngăn ngừa nguy hiểm tiếp theo. Cảnh báo từ xa cho các xe khi đến nơi có tai nạn.

• Đưa nạn nhân ra khỏi vùng bị nạn nếu thấy có sự cố nguy hiểm như bình xăng xe bị bể có thể gây cháy... Nếu không thì không nên vội vàng di chuyển nạn nhân. Khi di chuyển có thể dùng phương pháp mang, vác, khiêng cáng, nhưng đặc biệt thận trọng đối với người có tổn thương cột sống kèm theo - phải khiêng trên cáng cứng và bất động trên cáng.

• Đặt nạn nhân nằm nơi thoáng khí theo tư thế chống sốc: đầu thấp, kê chân cao 20 - 30 cm (nếu không có chảy máu vùng đầu cổ, ngực hay bị nhồi máu cơ tim hoặc tổn thương ở chân). Ủ ấm nạn nhân bằng mền hoặc áo quần (hình).

• Sơ cấp cứu những tổn thương nghiêm trọng nhất, ưu tiên các trường hợp có ngừng tim ngừng thở (hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực).

• Gọi xe cấp cứu, với đầy đủ các thông tin: xảy ra như thế nào (tự ngã hay va đụng xe tải, xe con, xe hai bánh...)? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu người bị thương? Tình trạng thương tích?

• Nếu không có điện thoại, phải có kế hoạch chuyển nạn nhân ngay sau sơ cấp cứu.

• Trong khi di chuyển hoặc chờ xe cấp cứu, cần chăm sóc nạn nhân chu đáo. Tuyệt đối không cho người hôn mê uống nước.

Sơ cấp cứu vỡ xương sọ

Vỡ xương sọ là trường hợp nặng, việc xử lý cần bảo đảm những nguyên tắc trên nhưng phải thực hiện nhẹ nhàng, xử lý các tình trạng nguy cấp như ngừng tim ngừng thở trước, giữ bất động cho nạn nhân khi chưa di chuyển bằng cách chèn quần áo, mền hay vật dụng khác... xung quanh đầu, cổ, nách, thân mình nạn nhân, cầm máu và phòng chống sốc, không cho uống nước.

- Khi di chuyển nạn nhân, bắt buộc phải dùng cáng.

Theo dõi sau chấn thương

Nhìn bên ngoài thấy không có gì nghiêm trọng, người ta dễ xem thường và không nghĩ tới khả năng tai biến nặng. Tất cả những chấn thương va đụng sọ não cần phải có sự theo dõi chặt chẽ trong vòng 24 - 48 giờ, nhân viên y tế và người nhà cần theo dõi các dấu hiệu như đau đầu, nôn mửa, rỉ máu hoặc dịch từ tai, mũi, run hay co giật, sốt cao kèm cứng cổ, hay hạ thân nhiệt, chân tay lạnh, vật vã, nói khó, có biểu hiện lơ mơ, hỏi không trả lời, cấu véo không nhúc nhích, thay đổi màu sắc da (xanh tái)...

Không tự ý cho nạn nhân dùng thuốc, chỉ cho ăn uống nhẹ (cháo, súp...), không dùng thức uống có rượu. Khi xuất hiện các dấu hiệu nặng (nôn vọt, nhức đầu, sốt cao, có giật...) cần chuyển gấp tới bệnh viện.

Để góp phần hạn chế chấn thương sọ não khi có tai nạn xảy ra, việc đội nón bảo hiểm là rất cần thiết khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử trí chấn thương sọ não do tai nạn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO