Xử lý rác thải nông thôn ở các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng và giải pháp

HỒNG NHI| 15/07/2021 05:03

KHPTO - Trong thời gian qua, việc thu gom chất thải rắn tại khu vực nông thôn ở các huyện ngoại thành của TP.HCM còn nhiều hạn chế. Trong đó, đáng kể nhất là chưa có các đơn vị chuyên trách thu gom chất thải rắn, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đang ở mức cao.

Tình trạng sử dụng, quản lý, thu gom chất thải rắn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn của các huyện ngoại thành của TP.HCM còn hạn chế trong nhiều năm qua.

Cụ thể, sau khi sử dụng bao bì, chai lọ hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật..., nông dân tiện tay vứt ngay tại bờ ruộng, góc vườn. Nguy hiểm hơn, có trường hợp họ còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt, trong khi đây lại là chất thải rắn thuộc danh mục độc hại cần phải được thu gom, xử lý đúng quy định.

Ngoài ra, chất thải rắn từ hoạt động làng nghề cũng rất đáng quan tâm. Hiện nay, vẫn còn một số làng nghề xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm không khí, đất, nước, tác động xấu đến cảnh quan.

Thực tế cho thấy, việc quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn giữa các ngành chưa có sự phân công rõ ràng, dẫn đến hoạt động còn chồng chéo. Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nhận thức của cộng đồng còn hạn chế cũng là nguyên nhân làm cản trở công tác xã hội hóa các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

Một số giải pháp xử lý rác thải nông thôn

Vì vậy, để sớm giải quyết những bất cập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: xây dựng quy chế quản lý rõ ràng hơn, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn; thực hiện chính sách khuyến khích và các biện pháp chế tài trong quản lý chất thải nông thôn; ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các loại hình dịch vụ, kết hợp giữa các cấp trong quản lý chất thải nông thôn; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cấp trong quản lý chất thải nông thôn.

Một giải pháp khác cũng cần lưu ý, đó là lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng để phổ biến áp dụng; ưu tiên các biện pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, tăng cường tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp.

Ngoài ra, để huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn, thì cần thực hiện hơn nữa việc tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý chất thải; huy động đóng góp về tài chính và cả nhân lực; xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải nông thôn ở các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO