Xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ cánh đồng tưới và cánh đồng lọc

TS. NGÔ HOÀNG VĂN<_o3a_p>| 24/07/2009 21:35

Cánh đồng tưới và cánh đồng lọc, một công nghệ mới xử lý nước thải bằng thực vật (phytoremediation). Nghiên cứu của Hội nước và môi trường TP.HCM (Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật TP.HCM) cho thấy xử lý nước rỉ rác bằng giải pháp này vừa ít tốn kém kinh phí, thân thiện với môi trường mà lại đạt hiệu quả xử lý ô nhiễm khá cao.

Cánh đồng tưới và cánh đồng lọc là hai công nghệ độc lập nhau. Tuy nhiên trong một số điều kiện cụ thể, hai công nghệ này được kết hợp với nhau thành một dây chuyền công nghệ nối tiếp nhau. Thường thì cánh đồng lọc hỗ trợ cánh đồng tưới khi tới thời kỳ giảm tưới, hoặc là nơi “chế biến” đất nghèo thành đất giàu dinh dưỡng. Công nghệ cánh đồng tưới (CĐT) sử dụng thực vật để xử lý chất ô nhiễm. Phản ứng đồng hóa của thực vật ngoài tác dụng xửlý các chất ô nhiễm nguồn nước qua bộ rễ, còn xử lý khí thải, mùi hôi và CO2 qua bộ lá. Phản ứng đồng hóa của thực vật còn tạo ra sinh khối, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm này có thể đáp ứng một nhu cầu nào đó của xã hội. Sản phẩm thu hoạch của CĐT có thể góp phần làm giảm giá xử lý nước rỉ rác (NRR).

Công nghệ CĐT cần yếu tố khí hậu sáng và thoáng, các yêu cầu này tại các bãi chôn lấp (BCL) rác có thể đáp ứng được. Vì trong thực tế BCL nào cũng có dải phân cách bằng cây xanh, đều được phủ đỉnh từng đợt bằng lớp vải nhựa dày trên đó là lớp đất dày (khoảng 0,8 m). Lớp đất phủ đỉnh rất thích hợp cho các loại cây rễ ngắn và các loại cỏ. Lớp đất phủ đỉnh thường khá rộng và luôn có nắng, gió nên rất phù hợp cho cây trồng.

Vì những lý do này mà nhóm nghiên cứu của Hội nước và môi trường TP.HCM (Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật TP.HCM) đã thực hiện đề tài nghiên cứu thử nghiệm áp dụng giải pháp cánh đồng tưới và cánh đồng lọc để xử lý NRR. Mục tiêu của đề tài là tìm các loại cây cỏ có hiệu quả kinh tế, phương thức canh tác thích hợp cho việc áp dụng công nghệ cánh đồng tưới và cánh đồng lọc để xử lý NRR.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm chọn cây trồng chịu được NRR có độ ô nhiễm cao (COD khoảng 1.500 mg/l), có khả năng làm giảm nồng độ ô nhiễm. Hai loại cây trồng được chọn tưới thử nghiệm là cỏ vetiver và cỏ voi. Kết quả ghi nhận là khả năng xử lý COD trong NRR của cỏ vetiver, cây dầu mè khá tốt (đạt tiêu chuẩn TCVN 1945 - 2005). Ngoài ra còn khảo sát thử nghiệm trên nhiều mô hình nhỏ ở các loại cây khác nhau với NRR cũ và NRR mới pha loãng. Kết quả có khá nhiều loại cây chịu được nước tưới NRR cũ; riêng các cây dầu mè, mai, lựu, đinh lăng…, nhóm nghiên cứu ghi nhận có tình trạng bị xoắn lá khi nồng độ NRR cũ vượt quá 10%. Với NRR mới có nồng độ vượt, xấp xỉ 15% cây không bị xoắn lá, nhưng cây chậm phát triển. Đặc biệt là NH3, phosphor và mùi hôi đều được giải pháp CĐT xử lý rất tốt và rất đơn giản. Trong khi đó vấn đề này nếu sử dụng công nghệ vi sinh thì đòi hỏi phải xử lý rất khó khăn và tốn kém (cây dầu mè và cỏ signal trồng cho CĐT tại BCL gần khu dân cư, còn có khả năng xua đuổi côn trùng).

Qua những kết quả nghiên cứu bước đầu này cho thấy có thể áp dụng giải pháp CĐT với dầu mè, cỏ vetiver, cỏ voi, cỏ signal để xử lý NRR. Xử lý NRR bằng giải pháp CĐT và cánh đồng lọc vừa ít tốn kém kinh phí, thân thiện với môi trường mà lại đạt hiệu quả xử lý ô nhiễm khá cao. Cụ thể trong điều kiện của BCL Gò Cát, với công nghệ CĐT có thể xử lý 500 m3/ngày NRR, nếu không tính vốn thu được từ sản phẩm trồng trọt phí xử lý NRR là khoảng 8.000 đồng/m3.

TS. NGÔ HOÀNG VĂN

(Hội nước và môi trường TP.HCM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ cánh đồng tưới và cánh đồng lọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO