Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố học tập

Anh Thư| 05/12/2018 23:12

KHPTO - “Những điều kiện cần thiết để xây dựng TP.HCM trở thành thành phố học tập” là chủ đề của hội thảo vừa được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, Hội khuyến học TP.HCM tổ chức ngày 4/12.

Xây dựng được một không gian đáng sống

Theo GS.TS. Phạm Tất Dong, phó chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam, thành phố học tập (the leaming city) là một khái niệm không chỉ nói về một đô thị học tập như một thành phố lớn có hàng chục triệu dân hoặc một thành phố nhỏ với 7 - 8 chục vạn dân, mà còn bao gồm cả những khu công nghiệp, các vùng kinh tế, các thị xã chỉ có một vài vạn dân.

Xây dựng thành phố học tập không chỉ là tạo ra ở vùng dân cư này một phong trào học tập, lôi cuốn mọi người vào các hoạt động học tập khác nhau, mà quan trọng hơn là xây dựng được một không gian đáng sống, một môi trường xã hội văn hóa và văn minh, một vùng đất để ươm và phát triển những ý tưởng sáng tạo của con người trong các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại nối tiếp nhau. Cuối cùng, thành phố học tập sẽ tạo nên những con người phát huy được toàn bộ tiềm năng sáng tạo của họ - những con người của thời đại mà trong các tài liệu về kinh tế tri thúc, xã hội học tập đã nói đến.

Xây dựng thành phố học tập và những vùng học tập là một cuộc cách mạng về học tập, nó làm thay đổi cách học tập truyền thống trong nhà trường theo mô hình cổ điển, đoạn tuyệt với hệ thống giáo dục khép kín với khuôn khổ cứng nhắc để xây dựng một hệ thống giáo dục mở - một hệ thống giáo dục giúp cho mọi người không bị những rào cản đối với việc học tập của mình nhằm thực hiện một phương thức học với những phương pháp học hiện đại dựa trên những công nghệ học tập hiện đại, tiếp cận nhanh và hiệu quả với các tri thức, đáp ứng nhu cầu phát triển của mình.

Kinh nghiệm cho thấy, để xây dựng mô hình công dân học tập, người ta chỉ tập trung vào một số năng lực cốt lõi, có thể định lượng bằng những số đo cụ thể (tức là minh chứng được), không đề ra những phẩm chất đạo đức trừu tượng. Như ở Singapore, với năng lực cốt lõi của công dân học tập, nhà nước chỉ đề ra 8 loại hình năng lực; ở Hàn Quốc, con số đó là 7.

Bà Lê Minh Ngọc, phó chủ tịch thường trực Hội khuyến học TP.HCM cho biết, đề tài nghiên cứu khoa học về "Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TP.HCM giai đoạn hội nhập" của Hội khuyến học TP.HCM đã được Hội đồng khoa học TP.HCM nghiệm thu loại xuất sắc năm 2010. Đề tài đã được lãnh đạo Thành ủy và UBND. TP đánh giá cao và chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện vào thực tiễn từ phường, xã, quận, huyện và Thành phố từ tháng 8/2011. Trong suốt quá trình tổ chức thực hiện từ năm 2011 đến nay, những mô hình hiện hữu xây dựng xã hội học tập (XHHT) của đề tài trước, chắc chắn sẽ phát huy có hiệu quả vào việc xây dựng thành phố học tập.

Để xây dựng thành phố học tập cần có những yếu tố, điều kiện bắt buộc để triển khai thực hiện và những chuẩn mực để đánh giá. Việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền là cực kỳ quan trọng. Nhận thức về tính cấp bách của việc xây dựng XHHT, về yêu cầu bắt buộc phải giáo dục xây dựng ý thức và phong trào học tập suốt đời trong mọi tầng lớp nhân dân (mà trước hết là cán bộ - đảng viên) để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Bà Lê Minh Ngọc cho rằng, học tập là hành động thu nhận cái mới thay đổi hoặc củng cố cái đang có trong kiến thức, thái độ kỹ năng. Là quá trình thu thập và xử lý thông tin để tự biến đổi mình, bồi bổ hiểu biết. Học tập dẫn đến sự thay đổi tiềm năng trong việc tổng hợp thông tin, trong thiều sâu của kiến thức, thái độ, hành vi, thói quen. Thời điểm kết thúc quãng đời đi học cũng không còn bởi học không kết thúc khi đã rời nhà trường mà thành một hoạt động diễn ra suốt đời người với tư cách là một hoạt động tự nguyện tự giác.

Cần đưa ra một kế hoạch tổng quát

TS.Hồ Thiệu Hùng khẳng định, xây dựng thành phố học tập là một quá trình lâu dài và phức tạp, bằng chứng là những thành phố đi trước chúng ta về trình độ phát triển kinh tế -xã hội, hoặc đã bắt tay vào xây dựng thành phố học tập trước chúng ta hàng chục năm nay, đến nay chưa có thành phố nào được UNESCO chính thức công nhận đạt chuẩn theo bộ 42 tiêu chí. Vì vậy cần đưa ra một kế hoạch tổng quát thích hợp cho trình độ và điều kiện của thành phố với tầm nhìn xa.

Theo TS.Hồ Thiệu Hùng, kế hoạch này cần phải chỉ ra được các nội dung cốt yếu sau đây: mục tiêu là gì, để đạt mục tiêu đó phải chọn con đường nào, phải hội tụ những điều kiện cần thiết nào, các nguồn lực chủ yếu để thực hiện là gì. Đó chính là chiến lược để thành phố tuân theo một cách bền bỉ, nhất quán trong suốt lộ trình kéo dài nhiều thập kỷ xây dựng thành phố học tập. Bên cạnh chiến lược, cần xác định cách thức để kiểm tra đánh giá thành quả. Liên kết các nội dung trên lại với nhau, sẽ có một mô hình tổng thể xây dựng thành phố học tập.

TS.Hồ Thiệu Hùng cũng lưu ý, mục tiêu của kế hoạch xây dựng thành phố học tập tại TP.HCM không phải là để được gia nhập mạng lưới toàn cầu các thành phố học tập của UNESCO, cũng không phải là để vào một ngày nào đó TP.HCM được công nhận đạt chuẩn của một thành phố học tập. Kế hoạch xây dựng thành phố học tập tại TP.HCM phải nhằm vào một mục tiêu thiết thực, thiết thân, có lợi ích lâu dài và cơ bản đối với người dân, một mục tiêu có sức lôi cuốn người người, nhà nhà.

Thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội và thách thức mới khiến mọi người dân, từ già đến trẻ cần được liên tục trang bị những nhận thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới, thái độ mới để thích ứng hiệu quả hơn với sự thay đổi của cách học, cách sống và làm việc hiện nay, để đối phó ngày một hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, nghèo đói, bệnh tật môi trường xuống cấp . . . Sự trang bị này không chỉ đến từ quá trình học trong nhà trường mà còn đến từ chính quá trình tự học của người dân. Ngoài học trong nhà trường hay tại nơi làm việc ra, người dân còn phải tự học trong cuộc sống thường ngày, tự học cả sau khi đã quá tuổi lao động, tức là học suốt đời (HSĐ).

Học suốt đời cung cấp cho người dân không chỉ khả năng ứng phó với các thách thức mới mà qua đó còn giúp họ không ngừng tự phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình, tạo cho mình và con cháu một tương lai bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO