Xây dựng Quỹ phát triển Đại học quốc gia TP.HCM mạnh và hiệu quả

Anh Thư| 07/11/2017 14:59

KHPTO - Tính đến nay, Quỹ phát triển Đại học quốc gia TP.HCM (VNU-F) đã huy động được hơn 120 tỷ đồng, trong đó gần 50 tỷ đồng tài trợ trực tiếp và hơn 72 tỷ đồng tài trợ cho cơ sở vật chất để phục vụ công tác phát triển giáo dục của ĐHQG-HCM, cho thấy sự đóng góp của các tổ chức, các đơn vị bên ngoài có vai trò quan trọng xây dựng nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học tại ĐHQG-HCM.

Quỹ tài chính cho phát triển đại học
Theo TS. Lê Thành Long, Trưởng Ban quan hệ đối ngoại ĐHQG-HCM, để có thể xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM thành một đại học nghiên cứu tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần phải có một nguồn tài chính đủ lớn và đủ mạnh. Trong khi đó, hiện nay nguồn kinh phí phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu ở các trường đại học Việt Nam nói chung và ở ĐHQG-HCM vẫn còn rất hạn hẹp, chủ yếu là từ ngân sách và học phí. Kinh phí từ chuyển giao công nghệ và các nguồn khác không lớn và không thường xuyên. 
Trước những vấn đề khó khăn, hạn chế nói trên về tài chính cho giáo dục đại học, ĐHQG-HCM đã năng động nghiên cứu, tìm tòi, tham khảo mô hình của các trường đại học trên thế giới, mạnh dạn đề xuất thành lập “Quỹ phát triển Đại học quốc gia”. Ủng hộ ý tưởng đó, ngày 29/7/2009, UBND TP.HCM đã có quyết định 3593/QĐ-UB về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ “Quỹ phát triển ĐHQG-HCM” (VNU-F).
TS. Lê Thành Long cho biết: “VNU-F là một quỹ xã hội không vì lợi nhuận với mục đích phát triển giáo dục đại học và sau đại học. VNU-F hoạt động trên cơ sở tự tạo vốn do xã hội đóng góp và đầu tư nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập; góp phần vào sự  phát triển bền vững của Đại học quốc gia TP.HCM”. VNU-F có pháp nhân độc lập, trực thuộc ĐHQG-HCM, có con dấu và tài khoản hoạt động dưới sự điều hành của Hội đồng quản lý Quỹ. VNU-F hoạt động trên cơ sở tự tạo vốn, vận động tài trợ, quyên góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. VNU-F được tự chủ về tài chính, được tổ chức các hoạt động đầu tư, kinh doanh thích hợp để tạo nguồn thu cho hoạt động của Quỹ.
Th.S Nguyễn Minh Huyền Trang, Chánh văn phòng Quỹ phát triển ĐHQG-HCM thông tin thêm: “Mục tiêu của VNU-F là nhằm hỗ trợ sinh viên, giảng viên trong công tác học tập, nghiên cứu và phát triển cơ sở vật chất Đại học quốc gia TP.HCM. Thông qua hoạt động của Quỹ, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên xuất sắc sẽ được tài trợ dưới nhiều dạng khác nhau như tài trợ học phí, học bổ vượt khó, học bổng xuất sắc, nhằm giúp các em vươn lên, khuyến khích, dộng viên để các em học tốt hơn. Bên cạnh đó, VNU-F còn có cấp kinh phí và tạo điều kiện cho các đề tài nghiên cứu của sinh viên nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học trong sinh viên, cũng như đầu tư nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho sinh viên của ĐHQG-HCM qua những công trình phục vụ sinh viên được đầu tư từ VNU-F”. 
Đối tượng phục vụ của Quỹ VNU-F không chỉ là sinh viên mà còn là cán bộ, viên chức, giảng viên. Quỹ là nguồn hỗ trợ để tăng cường năng lực quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa cho nguồn nhân lực của ĐHQG-HCM. Các cán bộ, viên chức và giảng viên, đặc biệt là cán bộ và giảng viên trẻ, sẽ được tạo điều kiện để nâng cao trình độ qua sự hỗ trợ của VNU-F để tham dự các khóa đào tạo trong và ngoài nước; được hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; và được tạo điều kiện thể tham dự các hội nghị quốc tế và tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế. 
Mô hình mới đang gặp nhiều trở ngại ban đầu
Qua kết quả kháo sát do TS. Lê Thành Long và Th.S Nguyễn Minh Huyền Trang thực hiện, phần lớn cán bộ, viên chức (CBVC) các đơn vị thành viên và trực thuộc biết đến VNU-F là qua kênh phối hợp trực tiếp, điều này cho thấy việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa quỹ phát triển và các đơn vị thành viên và trực thuộc trong công tác vận động tài trợ là rất cần thiết. Với đặc thù là mô hình mới, đầu tiên, duy nhất trong cả nước lúc thành lập, việc xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của VNU-F phù hợp với tình hình đặc thù tại Việt Nam, hạn chế những rào cản trong tiến trình xây dựng và phát triển VNU-F là một vấn đề được quan tâm.
Tuy nhiên, hiện nay VNU-F đang gặp một số khó khăn, trong đó có hành lang pháp lý về tổ chức và hoạt động của mô hình quỹ chưa thật sự tạo thuận lợi cho VNU-F trong tổ chức triển khai hoạt động. Hiện nay, VNU-F đang tiến hành các thủ tục để đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNU-F để phù hợp với tình hình mới. Yếu tố “độc lập” giữa VNU-F và cơ quan chủ quản ĐHQG-HCM cũng chưa được thực hiện một cách rõ ràng, nhất quán.
TS. Lê Thành Long cho rằng, yêu cầu hoàn thiện mô hình VNU-F là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển Quỹ phát triển ĐHQG-HCM ĐHQG-HCM giai đoạn 2017-2021, định hướng đến 2035 trở thành nhiệm vụ quan trọng cấp bách. Yêu cầu này đòi hỏi VNU-F phải thực hiện bên cạnh những nhiệm vụ chung vì sự nghiệp xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM và nhiệm vụ cụ thể do VNU-F xác định trong bối cảnh VNU-F vừa trải qua gia đoạn định hình. Với lợi thế là mô hình quỹ tài chính cho phát triển đại học đầu tiên trong cả nước, VNU-F cần phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng lớn của xã hội dành cho đơn vị và của cả ĐHQG-HCM. Trách nhiệm cần tương xứng với quy mô đơn vị và những điều kiện cần thiết cho tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, đổi mới, hoàn thiện mô hình là yêu cầu tất yếu.
Th.S Nguyễn Minh Huyền Trang nhận định: “Yếu tố cạnh tranh trong chính nội tại hệ thống ĐHQG-HCM và hệ thống giáo dục đại học nói chung vừa là động lực, vừa là rào cản cho mô hình VNU-F. Đổi mới, hoàn thiện mô hình giờ đây trở thành vấn đề quan trọng để VNU-F phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả, hướng đến hoàn thành các mục tiêu, kỳ vọng to lớn của xã hội và ĐHQG-HCM cũng như của chính bản thân VNU-F dành cho đơn vị”.
Được biết, nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học quốc gia TP.HCM trong khuôn khổ đề tài mã số C2016-76-01.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Quỹ phát triển Đại học quốc gia TP.HCM mạnh và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO