Xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện “Tam Nông”

PHI ĐIỆP| 20/12/2021 21:12

KHPTO - Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về Tam Nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là một chủ trương đúng đắn, có tầm chiến lược, mang tính đột phá cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, làm thay đổi căn bản cục diện sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Về nông nghiệp, thành phố đã thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thành phố tập trung phát triển: rau, hoa kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh), phù hợp với đặc thù riêng của thành phố (Tiêu chí xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố phải đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí): chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố và có xu hướng phát triển ổn định; sản phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn thành phố và có khả năng cạnh tranh phát triển; có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo sản phẩm đạt năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường sản xuất giống cung cấp cho thành phố và các tỉnh; có điều kiện tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; có lợi nhuận, giá trị tăng cao; có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực.

Nông nghiệp thành phố dần trở thành nền nông nghiệp “thịnh vượng” có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng, sử dụng hiệu quả đất canh tác tạo ra giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha vượt gấp 5 lần so với cả nước (năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 502 triệu đồng/ ha, được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức vào ngày 13/9/2019: cao gấp 5 lần so với cả nước).

Về nông dân, đã dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tích cực tham gia thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, chuyển đổi đất trồng lúa, mía, cao su kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thu nhập vùng nông thôn được nâng cao (thu nhập năm 2008 là 15,73 triệu đồng, năm 2015 là 39,72 triệu đồng, năm 2019 là 63,096 triệu đồng), khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp.

Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,6%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%. Người nông dân thành phố ngày càng chú trọng nâng cao trình độ, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chú trọng đến sản phẩm chất lượng cao và an toàn. Hiện nay, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên theo từng giai đoạn (chuẩn nghèo thành phố qua từng giai đoạn: Giai đoạn 2009 - 2013, thu nhập ≤ 12 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2014 - 2015, thu nhập ≤ 16 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2016 - 2020, theo chuẩn nghèo đa chiều: thu nhập ≤ 21 triệu đồng/người/năm, với 5 chiều và 11 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản). Tất cả cư dân vùng nông thôn đều được thụ hưởng các dịch vụ (điện, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục,…) tương đương với cư dân thành thị.

Về nông thôn, kết quả thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; kinh tế nông thôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư (10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đầu tư 14.078 tỷ 941 triệu đồng) đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, nhu cầu dạy - học, nhu cầu khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của người dân nông thôn. Các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, tạo thế và lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

Sau 13 năm, thành phố thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/ TW đã đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và vùng nông thôn ngoại thành nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn ngành nông nghiệp chịu tác động lớn của dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Nghị quyết số 26-NQ/TW đã thật sự mang đến cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố một diện mạo mới, sức sống mới, củng cố và nâng cao niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện “Tam Nông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO