Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản

TRÚC GIANG| 04/11/2019 22:20

KHPTO - Nhằm đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn cho thành phố, cũng như hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thành phố bắt tay xây chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm.

TP.HCM tích cực trong việc kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ và người sản xuất nông sản, gần đây nhất là việc tổ chức hàng loạt các phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn kết nối người sản xuất - tiêu dùng không chỉ tại TP.HCM mà với các tỉnh, thành khác nhằm tạo mối liên kết cung - cầu.

Xây dựng chuỗi liên kết giúp giải quyết “đầu ra” cho nông sản thực phẩm an toàn cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã...) đang trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp thành phố trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị giao lưu, kết nối, hội chợ - triển lãm các sản phẩm nông nghiệp của thành phố. Nhiều hợp đồng hợp tác được ký kết nhằm tiêu thụ nông sản cho người dân. Hội nghị kết nối và tiêu thụ nông sản VietGAP đã ký kết 48 hợp đồng cho 21 đơn vị sản xuất với 11 chủng loại sản phẩm.

Đến nay, đã có 45/48 hợp đồng đang triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ các sản phẩm hoa lan với các chợ hoa như Hồ Thị Kỷ và Đầm Sen, hội nghị giới thiệu đưa các sản phẩm hoa lan vào các siêu thị,...

Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố còn tổ chức cho các hộ sản xuất tham gia các Hội chợ - triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm, Hội chợ nông sản xuất khẩu Việt Nam - Vietnam Farm Expo, Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ tại Suối Tiên hàng năm, tổ chức hội thi - triển lãm bò sữa, hội nghị kết nối các nhà sản xuất với các doanh nghiệp xuất khẩu, triển lãm hoa lan, phiên chợ hoa kiểng, cá cảnh… đã góp phần xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản tại TP.HCM thời gian qua tốt hơn. Để sản phẩm nông nghiệp tồn tại và phát triển, nhất thiết phải gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Từng bước xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Một số liên kết điển hình trong nuôi bò sữa, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi heo VietGAP cho kết quả khá tốt. Nông dân sản xuất từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường thành phố thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng nông sản...

Để xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm an toàn, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã phối hợp với Sở y tế, Sở công thương triển khai mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn”, đã cấp 96 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 55 cơ sở thuộc địa bàn thành phố và 11 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu) với tổng sản lượng 45.407 tấn/ năm, 655.000 trái trứng/ngày và 4,4 triệu lít nước mắm/năm.

Các sản phẩm được chứng nhận chuỗi sản phẩm an toàn cũng đã sử dụng logo chuỗi thực phẩm an toàn; các sản phẩm đạt chuỗi đã được phân phối tiêu thụ trong các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố như chuỗi sản phẩm rau, củ quả. Đã khảo sát, thẩm định, kiểm tra xếp loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, có 20 cơ sở đủ điều kiện với tổng sản lượng 20.914 tấn/ năm.

Chuỗi sản phẩm thủy sản có 21 cơ sở tham gia chuỗi sản phẩm thủy sản an toàn, sản lượng thủy sản 1.558 tấn/năm. Hiện nay, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Sở y tế, Sở công thương xây dựng và triển khai mô hình quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn” giai đoạn 2016 - 2020, phối hợp với 21 tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.HCM.

Trường đại học kinh tế TP.HCM được UBND thành phố giao thực hiện đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Với vai trò là siêu đô thị có mức độ tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn nên việc liên kết sản xuất và tiêu thụ rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người sản xuất có nơi tiêu thụ tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO