Xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt – ngay bây giờ hoặc không bao giờ!

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 02/11/2018 10:29

KHPTO - Tại hội thảo: “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam”, do Cục công tác phía Nam - Bộ KHCN phối hợp với Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức vào ngày 31/10 vừa qua tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đã kêu gọi cần thiết phải xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt, ngay bây giờ hoặc không bao giờ vì đây là việc cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhiều sản phẩm đặc sản nông sản nhưng việc bảo hộ, chỉ dẫn địa lý vẫn còn nhiều hạn chế

Việt Nam là một nước có nhiều sản phẩm đặc sản nông sản. Do vậy, việc bảo hộ, chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản có tác động không nhỏ tới giá trị của sản phẩm, giúp người nông dân có thể bán được nông sản với giá cao.

Báo cáo của Hội nông dân Việt Nam cho biết, tính tới ngày 31/7 vừa qua, Cục sở hữu trí tuệ đã bảo hộ cho 62 chỉ dẫn địa lý quốc gia và 6 chỉ dẫn địa lý nước ngoài. Hiện đã có 37 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Tuy nhiên, số lượng và chỉ dẫn địa lýđược bảo hộ ở Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan, đứng thứ hai trong các nước Đông Nam Á. Việc đăng ký nước ngoài vẫn còn hạn chế, trong khi đây là việc rất quan trọng để bảo vệ thị trường nông sản ở nước ngoài.

Những năm qua, câu chuyện về việc mất các thương hiệu nông sản nổi tiếng của nước ta đã xảy trên một số thị trường thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến còn quá ít nông sản có thương hiệu trên thị trường đó là việc các doanh nghiệp (DN) và người dân chưa thực sự chủ động trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm của mình, trong khi SHTT là yếu tố chính mang lại uy tín cho sản phẩm có thể ảnh hưởng đến giá cả và sự chọn lựa của người tiêu dùng thì lại là điều ít được DN Việt quan tâm.

Bên cạnh đó, kiến thức về quyền SHTT, luật bảo hộ giống cây trồng, vật nuôi của người nông dân vẫn còn hạn chế làm cho những thương hiệu sản phẩm cũng giảm sút rõ rệt.

Dẫn chứng cụ thể cho việc từ “không thương hiệu” đến “mất thương hiệu” và mất tiền, GS. Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ liệt kê nhiều sản phẩm nổi tiếng Việt Nam bị công ty khác chiếm và đăng ký quốc tế như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, bánh Bibica, kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng rế Cái Bè, nước mắm Phú Quốc … Ngoài ra là tình trạng các tập đoàn đa quốc gia đã và đang lùng những thảo dược tại các nước kém phát triển để về chiết xuất các vị thuốc hoặc chất bổ dưỡng thành sản phẩm mang thương hiệu của họ. Nhiều quốc gia đang phát triển tại Á Châu và Châu Mỹ Latinh cũng đã đồng loạt phản đối các cơ quan cấp quyền SHTT của các nước chủ nhà của các tập đoàn đa quốc gia này. Đặc biệt, quốc gia Ấn Độ phản đối gay gắt nhất khi họ bị mất chủ quyền đối với cây nghệ, cây neem, gạo Basmati. Những trường hợp trên được GS. Tòng Xuân ví von gay gắt là “nạn sinh vật tặc cướp quyền SHTT của nông dân”.

Những giải pháp xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt trên thị trường trong và ngoài nước  

Ông Trần Giang Khuê, Cục SHTT cho rằng, gốc rễ của phát triển thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín của DN nên cần có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của DN. Cần sự bền bỉ và lâu dài trong quảng bá, truyền thông, xây dựng và phát triển thương hiệu vì “càng cũ càng có giá”. Đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ ở trong nước và quốc tế để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”. Quan tâm đến thương hiệu chung, thương hiệu cộng đồng và vai trò các tổ chức tập thể trong xây dựng thương hiệu.

“Cần thiết xây dựng mối liên hệ gắn kết 4 nhà: nhà nông – nhà DN – nhà khoa học – nhà quản lýtrong bảo hộ và phát triển thương hiệu nông sản Việt”, là ý kiến đề xuất của GS. Tòng Xuân. Theo đó, việc bảo vệ thương hiệu là một việc quan trọng trong thương trường tương lai. Nhãn hiệu đăng ký là một phần quan trọng của thương hiệu, do đó việc đăng ký SHTT sẽ bảo vệ độc quyền thương hiệu của đơn vị trong kinh doanh sản phẩm và dịch vụ. Một thương hiệu khéo sẽ chiếm thị phần lớn hơn và làm cơ sở cho quốc tế hóa; sản phẩm sẽ nổi trội so với đối thủ, giúp tăng mức lời và có nhiều cơ hội nổi danh thế giới.

Theo đại diện Hội nông dân Việt Nam, việc thay đổi nhận thức của người dân là rất cần thiết, trong đó vai trò cao nhất trong việc tư vấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng thương hiệu thuộc về Hội nông dân địa phương. Chính quyền địa phương nơi có đặc sản cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con về việc chọn lựa, khôi phục nông sản và giữ được đặc sản đúng là truyền thống. Cần tổ chức tốt hơn nữa việc tuyên truyền và quảng bá đặc sản sau khi đăng ký SHTT. Ngoài ra, cần liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt – ngay bây giờ hoặc không bao giờ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO