Vướng mắc công tác nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp, vì đâu?

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 05/08/2017 14:25

KHPTO - Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện nhiều mô hình, cơ chế, chính sách nhằm phát huy các nguồn lực khoa học và công nghệ (KH&CN), cũng như chú trọng đến việc đẩy mạnh xã hội hóa để huy động vốn đầu tư phát triển KH&CN, đa dạng hóa nguồn vốn. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN nói chung và việc thu hút nguồn lực đầu tư cho KH&CN của thành phố nói riêng trong những năm qua còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.

Đâu là nguyên nhân chính?

Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM – một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có thành công hay không chính là việc kêu gọi được vốn đầu tư mạo hiểm (nhà đầu tư thiên thần). Trong đó, vai trò của “nhà đầu tư thiên thần” thường rất quan trọng trong giai đoạn thai nghén khởi nghiệp. Tuy nhiên, các “nhà đầu tư thiên thần” không hào hứng đầu tư vào các ý tưởng khởi nghiệp mạo hiểm vì chưa có những chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc đầu tư vào khởi nghiệp là có lợi.

Đầu tư của Nhà nước và xã hội cho KH&CN chưa tương xứng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư để phát triển sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ.

Quản lý hoạt động KH&CN còn tập trung chủ yếu vào các yếu tố đầu vào, chưa chú trọng đúng mức đến quản lý chất lượng đầu ra và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Hệ thống dịch vụ KH&CN bao gồm thông tin KH&CN, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lượng cung cấp dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế...

Luật sư Phạm Ngọc Hưng – phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM – cho biết, thực tế số DN có đủ khả năng nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển, có phòng R&D không nhiều, đa số là những công ty có tên tuổi lớn. Qua các nghiên cứu cho thấy, bên cạnh những lợi thế nhất định, DN nhỏ và vừa có nhiều bất lợi so với các DN lớn khi tiến hành các hoạt động đổi mới công nghệ. Luật sư Hưng cũng nêu ra 9 yếu tố trở ngại cho việc cải tiến công nghệ của các DN nhỏ và vừa, đó là:

  • Trở ngại lớn nhất là hạn chế về tài chính khi các DN vẫn còn tình trạng khó tiếp cận nguồn vốn từ các dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ trong nước.
  • Rào cản thứ hai là sự thiếu vắng lực lượng lao động có trình độ và tay nghề. Lao động ở Việt Nam tuy đông về số lượng nhưng yếu về tay nghề, nhất là đối với các lao động kỹ thuật, những lao động có tay nghề, có chuyên môn kỹ thuật thường đã bị các DN FDI thu hút với mức lương rất cao mà DN nhỏ và vừa không cạnh tranh lại.
  • Thiếu kỹ năng nghiệp vụ và thực trạng các nguồn thông tin để tìm kiếm công nghệ nên không biết tìm kiếm bằng cách nào và tìm ở đâu.
  • Không biết đánh giá như thế nào để lựa chọn công nghệ thích hợp nên chi phí đầu tư thường cao hơn so với giá trị thương mại của công nghệ mua về.
  • Chưa quen với việc mua công nghệ theo con đường chính thức nên thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong việc lựa chọn hình thức phù hợp để mua công nghệ và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp.
  • Chưa chú trọng đầu tư cho các hoạt động thích nghi, làm chủ và cải tiến công nghệ mua về nên hiệu quả ứng dụng chưa cao.
  • Không có bộ phận chức năng thường xuyên cập nhật thông tin về công nghệ mới, các tiêu chuẩn mới và các quy định luật pháp mới, trong khi hệ thống thông tin trong nước còn nhiều bất cập.
  • Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được ban hành rất nhiều, có tác động trực tiếp đến hoạt động của DN và phát triển KH&CN nhưng thực tế khi DN áp dụng còn gặp rất nhiều khó khăn.
  • Số DN biết đến các chương trình hỗ trợ của thành phố còn ít, số khác gặp khó khăn trong việc đăng ký tham gia chương trình như vay vốn từ Quỹ phát triển KH&CN TP.HCM. Nhiều DN nhỏ và vừa, sản xuất chưa ổn định hoặc mới thành lập nhưng muốn phát triển sản phẩm mới thì sẽ không đủ điều kiện vay vốn.

Những kiến nghị và đề xuất:

Nhằm phát triển DN KH&CN mạnh mẽ hơn, ông Hưng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn đối với đối với hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN của DN, cũng như cần thiết thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan đến thuế và hoạt động KH&CN.

Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực làm R&D; tạo mối liên kết giữa các trường đại học – viện nghiên cứu với DN. Đẩy mạnh, tăng cường thông tin quảng bá các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đến DN .

Cần lưu ý về sự xuất hiện của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi nói đến những định hướng phát triển cho KH&CN trong giai đoạn này. Như vậy, ngay từ bây giờ cần chuẩn bị ngay những chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN đối với các DN Việt Nam để khai thác được các cơ hội cũng như đối mặt với các thách thức từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước hết, đó là những chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ DN chuyển giao và ứng dụng một số công nghệ mới, áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc cách mạng này, cũng như những chính sách và chiến lược mới về phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng mắc công tác nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp, vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO