Vườn ổi "trẻ lại"nhờ… đốn đau!

Bài và ảnh: Minh Tuấn| 22/12/2016 11:12

Vườn ổi trong một công viên sinh thái ở Bình Phước hai năm qua đã gần như không còn ra hoa.

KHPT-Chủ vườn, chị L., cho biết: "Những năm mới trồng, vườn ổi ra trái nhiều, trái to. Sau đó, người làm vườn (không chuyên) chỉ làm hai việc đánh bồn - cào đất (để tạo vùng trũng) quanh gốc ra ngoài và tưới nước những ngày trời nắng. Bận việc quá, thời gian dài tôi không ngó ngàng đến khu vườn. Mới đây, ghé ngang thấy vườn ổi nín thinh, hoa không ra, trái không có”.
Trên thực tế, những cây ổi vườn của chị L. khô cằn, bộ lá già khằn, nhom nhem màu vàng đồng chờ rụng. Trên nhiều lá như được vẩy lên những giọt rỉ sắt. Qua mùa mưa rồi, cây ổi có đâm một số chồi nhưng tược không dài ra được, mỗi tược chỉ một vài cặp lá tròn, mỏng tanh, nhợt nhạt, dân vườn gọi là lá tai chuột. Tình trạng của vườn ổi được "đánh giá ngoài" là suy kiệt nặng. Nguy cơ đen tim lõi gỗ đang xuất hiện trên một số cành. Nếu không cứu chữa kịp thời thì hiện tượng khô thân, chết cây rất gần. 
Giải pháp khoa học của khuyến nông đưa ra là đốn đau để trẻ hóa. Phương pháp đốn đau chỉ thích hợp với vài loại cây, trong đó có ổi. Chiếu theo hướng trẻ hóa nhằm phục hồi vườn thương phẩm thì nhanh nhưng sản lượng không cao lắm so với cày lên trồng lại. Nếu theo hướng giữ gìn và tôn tạo cảnh sắc vườn cây phục vụ du xuân (2 tháng nữa tết đến) thì có thể chấp nhận. 
Theo phương pháp đốn đau để trẻ hóa này, nhà vườn dùng cưa để cắt, hay rựa để đốn cành cấp 2, cấp 1 theo hình nấm, ở độ cao cách mặt đất khoảng 1 - 
1,2 m. Dụng cụ và động tác cắt, chặt phải phù hợp với thể trạng và vị trí cành, cây cần đốn. Vết cưa cắt, chặt cành cần "ngọt", không làm xước cành, rung gốc. Với cành lớn có thể dùng cưa máy, cành nhỏ bằng cườm tay có thể dùng cưa tay hay rựa, cành nhỏ bằng ngón tay dùng kéo cắt cành mà bấm. Đối với các cây ổi có tán đóng trên cao, lần đốn đau này có thể đốn thân cây, cách mặt đất 1 - 1,2 m; mắt ngủ trên thân cây ổi có thể "thức" và bật chồi ra rất khỏe để tạo tán mới. Thời gian chỉ 1,5 - 2 tuần sau đốn đau, tược mới mọc. Tương lai gần, cây ra chồi đồng loạt, tán cây thấp, dễ bề chăm sóc, dễ bao bọc trái và dễ dàng thu hái sản phẩm.
Để vườn ổi phục hồi sức khỏe sau đốn đau, việc bón phân, tưới nước rất quan trọng. Ngay sau khi đốn đau cần xới đất trong tán cũ và bón phân hữu cơ hoai mục 15 - 20 kg/cây. Bón phân vô cơ và tưới nước cho cây đâm chồi đợt bón đầu tiên cùng phân hữu cơ, liều bón khoảng 250 - 300 g DAP/cây, có thể thay bằng 100 g urê + 200 g NPK 16-16-8/cây. Cứ sau 2 - 3 tháng tiếp tục bón thúc nhắc lại bằng phân NPK 20-20-15, liều lượng tương tự đợt đầu. Duy trì nước tưới ẩm vườn. Khi cây ra nhiều chồi non cần tỉa bớt để tập trung dinh dưỡng nuôi tược mập và dài. Chỉ để khoảng 15 - 20 tược/cây. Do không làm đất, chồi non trên vườn ổi lão có nguy cơ nhiễm nhiều sâu bệnh như rỉ sắt, khô cành, sâu ăn lá, sâu đục cành nhỏ, ruồi đục trái... Cần để mắt đến vườn ổi hàng ngày với công việc bắt sâu, trừ bệnh, bấm đọt. Bao trái là việc khuyến khích trong sản xuất ổi, bởi bao trái ngăn chặn bụi bẩn hay nông dược (mỗi khi mật độ sâu cao, bắt buộc phải dùng) văng, bám vào vỏ; đặc biệt cần khi người tiêu dùng có thói quen ăn cả vỏ ổi. Vườn ổi cũ thường tàng trữ nguồn ruồi đục trái. Ngoài phương pháp dùng bả diệt ruồi đục trái rất cần bao trái để tránh hiểm họa do ruồi đẻ trứng, tạo giòi gây hại trái. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn ổi "trẻ lại"nhờ… đốn đau!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO