Bài 1: Vùng ngọt hóa đang sụt lún nghiêm trọng

VỸ PHƯỢNG| 24/03/2020 21:46

KHPTO - Thời gian qua, nhiều nơi ở tỉnh Cà Mau liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở, sụt lún đất, uy hiếp đời sống của nhiều hộ dân. Đặc biệt, hàng ngàn mét đê biển, nhiều vị trí thuộc tuyến giao thông nông thôn có nguy cơ sụt lún nghiêm trọng do hạn mặn khốc liệt. Chương trình ngọt hóa vùng trong đê biển đang bị thách thức nghiêm trọng, đặt ra bài toán kinh tế, dân sinh... khó giải cho địa phương và các ngành chức năng.

Phóng viên Vỹ Phượng của Báo Khoa Học Phổ Thông ghi nhận thực tế sụt lún và đặt ra vấn đề  để các nhà khoa học, ngành chức năng tìm lời giải cho bài toán này. 

Phóng viên cùng cán bộ phòng chống thiên tai tỉnh Cà Mau xem một đoạn sụt lún

Sụt lún tại 1.115 tuyến với tổng chiều dài trên 23,5 ngàn mét

Kênh mới Đá Bạc bị sạt lở nghiêm trọng


Hạn hán khốc liệt khiến nhiều tuyến giao thông nông thôn, đê biển tại vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh bị sạt lở nghiêm trọng, đến nỗi tỉnh Cà Mau phải công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 vào ngày 2/3. Theo số liệu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tình trạng sụt lún đất diễn ra nghiêm trọng, tính đến nay ghi nhận 5 điểm bị sụt lún với tổng chiều dài 130 mét. Trong đó, tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có 4 điểm sụt lún với tổng chiều dài 95 m, tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc có 1 điểm sụt lún dài 35 m và nhiều vết rạn nứt. Ngoài ra, tuyến đê biển đoạn Đá Bạc - Kênh Mới cũng bị sụt lún với tổng chiều dài 210 m, đoạn đê này cũng được cảnh báo có nguy cơ sụt lún đến 4.215 m.

Tuyến đê biển bị sụt lún


Đối với lộ giao thông nông thôn, phát sinh thêm 7 điểm sụt lún với chiều dài 384 m, nâng tổng số điểm, vị trí sụt lún lên 1.115 tuyến với tổng chiều dài 23.535 m. Trong đó, tuyến Trần Văn Thời có 712 vị trí sụt lún lộ bê tông với tổng chiều dài 13.159 m và 397 tuyến, vị trí sụt lún lộ đất đen với tổng chiều dài 10.376 m. Nghiêm trọng nhất là các xã Khánh Hải, Khánh Hưng và Khánh Bình Đông, mỗi xã sụt lún trên 4.000 m.

Lộ kênh Ông Bích bị sụt lún

Hạn mặn gây sạt lở 

Những dòng kênh khô hạn do nắng hạn


Chiều ngày 23/3, đi theo đoàn công tác của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau để thị sát tình hình khắc phục sạt lở tại tuyến đê biển quan trọng đoạn từ Đá Bạc đến cống Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), chúng tôi được chứng kiến các kênh dọc các xã Khánh Hải, Khánh Hưng bị cạn trơ đáy, một số kênh gần khô kiệt. Tại đây, thuyền bè ngưng hoạt động do giao thông thủy bị tê liệt.

Đến đê biển Tây, đoạn từ Đá Bạc đến cống Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), hiện trường sụt lún vẫn còn ngổn ngang, kỹ sư, công nhân đang vận hành máy, thiết bị để kiểm tra đất, xác định nguyên nhân sạt lở.

Điểm đầu của đoạn Đá Bạc, đường ống được bắc ngang nối dài từ đê biển đến các kênh để bơm đất vào nhằm khắc phục sự cố. Trên tuyến này, lúc nào cũng có vài chục kỹ sư, công nhân, đội bảo vệ đê biển sẵn sàng tác chiến nhằm khắc phục sự cố sạt lở.

Xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến sạt lở, ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng:

“Hạn hán năm 2020 đến sớm và khắc nghiệt hơn các năm 2015 - 2016, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng vùng ngọt hóa 44 ngàn ha. Hạn hán làm khô nước ở các lòng kênh, do đó các tuyến đường có tải trọng mất phản áp, đồng thời, nước co ngót, tạo độ rỗng trong đất gây nên sụt lún nhiều điểm.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đề xuất các tuyến đê biển quan trọng đưa vào sự cố công trình để UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng kiểm định lại, đánh giá lại nguyên nhân, làm cơ sở khắc phục lại tuyến đê biển.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, bảo vệ khu vực sản xuất của người dân, ngăn nước biển lên cao, ngành nông nghiệp tạo hệ thống đê bao ngoài an toàn để nước biển không xâm nhập vào vùng sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, để bảo vệ đoạn có nguy cơ sụt lún khoảng 4 cây số (từ Đá Bạc đến cống Kênh Mới), ngành nông nghiệp cho bơm đất vào khoang đào, tạo phản áp, phòng ngừa việc sụt lún tiếp theo.

Tuy nhiên, việc bơm đất vào đoạn đê biển phải đảm bảo xử lý nước mặn không thấm vào đồng ruộng bởi vì khi bơm đất vào bằng máy công suất lớn, nước cũng sẽ tràn vào đồng ruộng do nước không kịp rút.

Do vậy, để ngăn chặn xâm nhập mặn vào đồng ruộng, đơn vị thi công phải gia cố tuyến bờ ven khu vực đất sản xuất, đắp đập ngăn dòng vào trong nội đồng.

Đồng thời, bố trí 3 máy bơm điện và 3 máy bơm công suất 3.000 m3/giờ, tháo nước kịp thời khi bơm đất vào và thực hiện khi nước lắng xuống, bơm tháo ra biển để mực nước không tràn cao lên bằng mặt ruộng”.

Để khắc phục sạt lở tại vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, theo ông Nguyễn Long Hoai, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, trước mắt, tuyên truyền người dân không gia tải, tăng tải các tuyến có nguy cơ cao bị sụt lún, sạt lở; xử lý tạm đối với một số điểm sạt lở để đảm bảo giao thông cho người dân như: che chắn, gia cố tạm bằng loại vật liệu địa phương; gắn biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở, sụt lún nguy hiểm; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở.

Đồng thời, kiểm tra, gia cố, lựa chọn giải pháp phù hợp, xử lý kịp thời các sự cố công trình khẩn cấp; lập phương án và triển khai sửa chữa các tuyến đường giao thông bị sụt lún, sạt lở hoặc đang có nguy cơ sụt lún, sạt lở nguy hiểm do hạn hán gây ra nhằm đảm bảo an toàn lưu thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau có đề xuất giải pháp sẽ đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa, vốn đang khô cạn, để tăng áp lực nước lên các bờ kênh với hy vọng làm giảm thiểu nguy sơ sụt lún, sạt lở.

Căn cứ để UBND tỉnh Cà Mau đưa ra giải pháp này là các địa phương vùng mặn đang có nước không diễn ra tình trạng sụt lún.

Ngoài ra, khi cống ngăn mặn Trùm Thuật Nam, thuộc xã Khánh Hải bị rò rỉ, nước mặn xâm nhập vào kênh thủy lợi thì các tuyến kênh này đã không còn diễn ra sụt lún.

Tuy nhiên, đề xuất này không được thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau chấp thuận vì nó làm ảnh hưởng đến chương trình ngọt hóa của tỉnh, đặc biệt là vùng sản xuất của bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Vùng ngọt hóa đang sụt lún nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO