Vietnam ICT Summit 2017: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng rõ nét tại Việt Nam

CAO KIẾN NAM| 22/10/2017 11:49

KHPTO - Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) vừa qua tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam – Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp tại Việt Nam

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đồng thời là chủ tịch uỷ ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chủ tịch hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã tham dự diễn đàn này và có bài phát biểu trong phiên khai mạc.

Phát biểu của phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực, như: phát huy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, đào tạo nhân lực CNTT, làm thế nào để mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản trị, điều hành và phát triển…

Theo phó thủ tướng, giữa năm 2017, Việt Nam đón nhiều thông tin vừa mừng vừa lo. Mừng vì năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 12 bậc, lần đầu đứng thứ 47 trên thế giới, trong đó có phần đóng góp của giới CNTT. Cùng đó, chỉ số về Chính phủ điện tử công bố hồi tháng 7/2017, cho thấy Việt Nam tăng được 10 bậc nhưng vẫn đứng thứ 89. Tuy nhiên, thông tin gây lo lắng đó là Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về vấn nạn spam, mã độc tấn công mạnh trong các doanh nghiệp, cơ quan…

“Chúng ta đã nói rất nhiều tới CMCN 4.0. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta, nhất là lĩnh vực CNTT phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa trong thời gian tới…”, phó thủ tướng, nhấn mạnh.

Vẫn theo phó Thủ tướng, trong điểm hiện nay, để thành công với CMCN 4.0, Việt Nam cần tập trung: xây dựng hạ tầng CNTT thật mạnh, hoàn thiện và đồng bộ. Bộ thông tin và truyền thông, và các bộ ngành khác phải có cơ chế thiết thực thúc đẩy về băng thông, giá cước, chính sách từ quỹ viễn thông công ích để đưa cáp quang về mọi ngõ ngách. Giống như trước kia đưa điện thoại về mọi ngõ ngách, thì nay là smartphone, băng rộng. Điều quan trọng của hạ tầng không chỉ ở phần cứng mà còn cả phần mềm.

Mức độ sẵn sàn cho cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đã được đặt ra tại Vietnam ICT Summit 2016. Chương trình đã có những tác động không nhỏ đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và một số lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.

Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã thực hiện khảo sát nhanh gần 250 doanh nghiệp, tổ chức tham gia sự kiện này, và công bố rằng: 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN lần thứ 4, 58,7% đã tìm hiểu nhưng chuẩn bị sẵn sàng hoặc chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6,1% là không hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào.

Khảo sát của VINASA cũng chỉ ra những lợi thế, những giải pháp hiệu quả và những ngành mà Việt Nam có thể tiếp cận hiệu quả và thành công CMCN 4.0.

Cụ thể, những doanh nghiệp, tổ chức cho rằng: nguồn nhân lực (77,7%), nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%), và hạ tầng CNTT & viễn thông (59,1%) là những lợi thế lớn của Việt Nam trong cuộc cách mạng này.

Để cụ thể hóa những lợi thế này, Việt Nam cần triển khai 3 giải pháp quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực (81,8%), thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%).

Các doanh nghiệp, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành mà nước ta có lợi thế trong CMCN 4.0, gồm: CNTT (89,9%), du lịch (45,7%), nông nghiệp (44,9%), tài chính, ngân hàng (47%) và logistic (28,3%).

Những con số trong khảo sát nói trên cho thấy, cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn với những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Những giải pháp cho chuyển đổi số

Tại diễn đàn này, tiến sĩ Võ Chí Thành - nguyên phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương và lãnh đạo của Microsoft Việt Nam cũng có các báo cáo về sự bùng nổ của CMCN 4.0 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh và mạnh trong cuộc cách mạng này.

Cụ thể, với vai trò là nhà tiên phong về phát minh công nghệ, cùng bề dày và kinh nghiệm chuyên sâu về giải pháp và ứng dụng CNTT, đặc biệt là năng lực về hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý dữ liệu lớn, đại diện Microsoft đã chia sẻ về những thách thức khi đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo đại diện Microsoft Việt Nam, dữ liệu và thông tin tăng tốc kỷ lục; giải pháp điều khiển dữ liệu trở nên tiềm năng để chuyển đổi mọi lĩnh vực hoặc nền công nghiệp; điện toán đám mây trở thành xu hướng tất yếu với mọi tổ chức và doanh nghiệp. Hiện nay, Microsoft đã và đang tiếp tục đưa AI và các giải pháp học máy (machine learning) trở thành công cụ đắc lực, giúp các tổ chức và doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, đưa các doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.

“Microsoft đã và đang nỗ lực xây dựng những nền tảng linh hoạt đi cùng những dịch vụ tối ưu giúp từng cá nhân và doanh nghiệp có thể đổi mới, xây dựng công nghệ riêng, tạo ra thêm những giải pháp và dịch vụ mới dựa trên đó để tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Trước ngưỡng cửa cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp cần nắm bắt lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có thể nâng cao hiệu suất vận hành doanh nghiệp từ những công cụ vượt trội của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và IoT”, ông Phạm Trần Anh - phó tổng giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược của Microsoft Việt Nam, nói tại diễn đàn.

Sau phiên khai mạc, diễn đàn đã lần lượt thảo luận 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận CMCN 4.0: Nhận thức về Việt Nam 4.0; thế mạnh kinh tế số Việt Nam – công nghiệp số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh; thành phố thông minh (Smart City)”; nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Trong tọa đàm chuyên sâu “Thành phố thông minh”, Microsoft đã chia sẻ giải pháp “CityNext” để xây dựng đô thị thông minh. Đây là bộ giải pháp toàn diện, cung cấp tầm nhìn, nền tảng và công nghệ chính, tạo khả năng kết nối từ Cloud OS (giải pháp đám mây của Microsoft hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp xây dựng và phát triển đám mây riêng, kết nối đám mây công cộng, xử lý và phân tích hệ thống siêu dữ liệu) đến các bộ sản phẩm năng suất cao và hợp tác tối ưu dành cho máy trạm.

Theo Microsoft, CityNext đã hỗ trợ chuyển đổi thành công đô thị thông minh cho các thành phố lớn trên thế giới, như: New York, Mexico, London, Amsterdam, Copenhagen, Barcelona, Hamburg và gần đây nhất là Singapore... qua việc kết hợp dịch vụ và dữ liệu từ nhiều nguồn chức năng đô thị khác nhau (như chính sách thuế, dịch vụ tự động và tài chính, an toàn nơi công cộng và tư pháp, sức khỏe và dịch vụ xã hội, giáo dục, giao thông, xây dựng và hạ tầng, năng lượng - nước - Du lịch, giải trí và văn hóa...

Tham dự sự kiện này còn có lãnh đạo Ban kinh tế trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ thông tin và truyền thông, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ khoa học và công nghệ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện các sở, ngành của 45 tỉnh, thành trên cả nước, đại diện 14 sứ quán của 14 quốc gia… cùng đại diện của hơn 600 lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp ứng dụng CNTT, và các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT có tiếng trên thế giới và Việt Nam, như: Viettel, FPT, MISA, VNPT, Shopee, CMC, Microsoft, Cisco, VNG…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vietnam ICT Summit 2017: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng rõ nét tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO