Việt Nam thực hiệm ghép ruột trên động vật

Anh Thư| 06/11/2018 12:35

KHPTO - Sự tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng trong gần đây cho thấy có thể tiến tới triển khai ghép ruột tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị trong nước. Vì vậy, các bác sĩ Trần Doanh Hiệu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Văn Xuyên, Bệnh viện quân y 103, Trịnh Cao Minh, Học viện quân y đã nghiên cứu quy trình lấy ruột từ nguồn cho sống trong ghép ruột thực nghiệm trên chó.

Hội chứng suy ruột là tình trạng suy giảm chức năng của ruột một cách nghiêm trọng của đoạn ruột, dưới mức tối thiểu cần thiết cho tiêu hóa và hấp thu đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và thể dịch của cơ thể. Khi suy ruột không hồi phục và không còn khả năng nuôi dưỡng ngoài thì biện pháp duy nhất để điều trị đó là ghép ruột.

Trên thế giới, ghép ruột đã được thực hiện từ lâu, cho đến nay đạt được nhiều thành tựu dựa trên sự phát triển của thuốc chống thải ghép.

Cho đến nay, ở Việt Nam chưa thực hiện ghép ruột. Tuy nhiên, các tiến bộ trong lĩnh vực ghép tạng gần đây cho thấy có thể tiến tới triển khai ghép ruột tại Việt Nam trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị trong nước.

Để có thể triển khai ghép một loại tạng mới trên người, cần phải chuẩn bị nhiều mặt. Trong đó, nghiên cứu thực nghiệm trên động vật rất quan trọng để xây dựng nhân lực cũng như các quy trình kỹ thuật ngoại khoa.

Kỹ thuật ngoại khoa ghép ruột đơn độc từ nguồn cho sống được Gruessner mô tả lần đầu tiên, sau đó Testa mô tả chi tiết về kỹ thuật bên cho cũng như bên nhận. Dựa trên kỹ thuật của 2 tác giả, nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm trên chó, từ đó xây dựng được quy trình kỹ thuật ở bên cho trong ghép ruột đơn độc thực nghiệm từ nguồn cho sống.

Nghiên cứu cho thấy với những mạch có đường kính ngoài ban đầu ≤ 2 mm việc nối mạch rất khó khăn, dễ gây biến chứng tắc mạch sau nối (bằng mắt thường), nhóm nghiên cứu gặp 2 ca xuất hiện tắc mạch sau nối đều có đường kính mạch máu 2 mm, phù hợp với nghiên cứu của Biemer, do đó với những mạch máu có đường kính ban đầu ≤ 2 mm nên nối vi phẫu.

Thời gian thiếu máu nóng ngắn nhất 2 phút; dài nhất 6 phút; trung bình 3,81 ± 1,11 phút. Theo Gielle, tỷ lệ sống sau 24 giờ khác biệt có ý nghĩa thống kê khi thời gian thiếu máu nóng < 40 phút (44/45 ca); sau 40 phút thiếu máu nóng, ruột non bắt đầu bong tróc và xuất huyết niêm mạc, mất dịch trong lòng ruột. Theo Granger, sau 20 phút thiếu máu nóng, lượng ATP niêm mạc bị giảm đáng kể.

Kinh nghiệm của nhóm nghiên cứu, để rút ngắn thời gian thiếu máu nóng, khâu thắt và cắt mạch nên thực hiện cuối cùng sau khi đã giải phóng được hai đầu ruột non kèm theo mạc treo theo hình chữ V có đỉnh là vị trí thắt mạch.

Tổng thời gian mổ bên cho ngắn nhất 80 phút; dài nhất 170 phút; trung bình 101,25 ± 30,19 phút, so với thời gian mổ bên cho trên người của Testa trung bình là 118 phút, nhóm nghiên cứu nhận thấy ở chó, tổ chức mỡ mạc treo ít hơn, nên thời gian bộc lộ và lấy mạch nuôi nhanh hơn.

Không có tai biến, tử vong xảy ra khi mổ bên cho.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy trình kỹ thuật ngoại khoa ghép ruột đơn độc từ nguồn cho sống bên cho thực hiện thuận lợi với tổng thời gian mổ trung bình 101,25 ± 30,19 phút, thời gian thiếu máu nóng trung bình 3,81 ± 1,11 phút.

Mảnh ghép ruột non (từ hồi tràng lên trên kèm theo nhánh mạch nuôi là nhánh của động tĩnh mạch mạc treo tràng trên, bảo tồn 20 cm cuối hồi tràng) dài trung bình 1,07 ± 0,13 m. Không có tai biến trong mổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thực hiệm ghép ruột trên động vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO