Việt Nam gia nhập CPTPP – cơ hội và thách thức

Tuyết Mai.| 14/01/2019 13:41

KHPTO - Vừa qua, Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) phối hợp với Trường đại học Mở TP.HCM tổ chức Hội nghị khoa học kinh tế trẻ với chủ đề: “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam”. Hội nghị được sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM, Tạp chí KH&CN Việt Nam và Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật.

Hiệp định CPTPPđã được kí kết vào đầu tháng 3/2018 tại Chilevới sự tham gia của 11 quốc gia bao gồm Australia, Brunei, Chilê, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, New Zealand, Mexico, Peru, Cananda và Việt Nam, là một trong những hiệp định tự do thương mại lớn nhất được kí kết của Việt Nam từ trước đến naychính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Việc tham gia CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư, kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế một cách rõ nét hơn, nhanh hơn hiện tại. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức mới khi gia nhập tổ chức này.

Cơ hội và thách thức:

Theo ThS. Phan Hồng Hạnh, khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM, việc tham gia vào Hiệp định CPTPP hứa hẹn sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Ngoài những ngành nghề được đánh giá chịu tác động trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực như dệt may, thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử v.v… rất nhiều ngành dịch vụ khác cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp với sân chơi quốc tế mới này. Theo báo cáo của World Bank, CPTPP sẽ mở ra thị trường khổng lồ với khoảng 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu cho các nước thành viên. Cũng theo World Bank, việc tham gia Hiệp định có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1% vào năm 2030. Mặc dù con số này ít hơn mức 3,6% mà Hiệp định TPP dự kiến mang lại nhưng đó cũng là một kịch bản tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.

ThS. Tạ Trần Trọng - Trường đại học Văn Hiến TP.HCM - đánh giá, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất và cũng chính là nguồn động lực cho sự cải cách kinh tế của Việt Nam một cách sâu rộng. Về kinh tế, việc tham gia CPTPP xét trên tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Tuy vậy, cũng có không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp và người dân. Bởi từ thực tiễn hội nhập khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hay khi ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) cũng đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực. Ngược lại nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập thì tất yếu sẽ phải trả giá.

Phân tích cụ thể về những thách thức này, bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, khi tham gia Hiệp định CPTPP, đối với Việt Nam, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày v.v… dự báo sẽ tiếp tục có tăng trưởng đột biến. Ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường thì rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu và điều này sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân là do lĩnh vực này được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan. Hiện nay, ngành mía đường về cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh đều rất thấp so với các quốc gia khác. Điều này cho thấy Hiệp định CPTPP sẽ tác động rất nhiều chiều cả tích cực và tiêu cực, tạo ra nguy cơ đe dọa đối với một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và bộ phận dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội.

Đồng quan điểm trên, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc tham gia Hiệp định này sẽ gặp nhiều thách thức, thậm chí ngay cả khi chưa ký kết cũng đã có nhiều khó khăn. Chuyên gia này phân tích cụ thể: những tháng đầu năm 2018, hàng Nhật Bản vào thị trường Việt Nam với khoảng 1.000 mặt hàng thuế suất bằng 0%, Hàn Quốc là 700 mặt hàng. Trong khi, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước cạnh tranh còn yếu, doanh nghiệp có nguy cơ bị “bóp chết” trước “làn sóng hàng ngoại”. Trên thực tế, nguy cơ này nước nào cũng phải đối mặt nhưng các nước đều có biện pháp khắc phục, còn nước ta khắc phục còn chậm vì chính sách thiếu, chưa có sự chuẩn bị về nội lực, tức là chưa nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa nên khả năng cạnh tranh thấp.

Giải pháp nào để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong tiến trình gia nhập CPTPP:

Cũng theo ThS. Tạ Trần Trọng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính triệt để, khắc phục những mặt trái của cơ chế “một cửa”, đổi mới bộ máy hành chính của Nhà nước cương quyết và hiệu quả để nước ta vừa đảm bảo phát triển nhanh và bền vững vừa kết hợp hài hòa trong việc thực hiện các điều khoản của CPTPP.

Cần nâng mức đầu tư cho khoa học và công nghệ (2 - 3% GDP) để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học và công nghệ, nâng cao nội lực cạnh tranh. Cải cách giáo dục mạnh mẽ, tạo môi trường giáo dục khuyến khích sự phản biện và sáng tạo sẽ đóng góp rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam. Kế đến, cần sớm xây dựng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó, vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các doanh nghiệp, các loại dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, các dịch vụ có giá trị gia tăng cao và phát triển logistics.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế; cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường. Các doanh ngiệp một mặt thực hiện nội dung phát triển nhanh và bền vững, mặt khác nghiên cứu để thấu hiểu các điều khoản qui định của CPTPP, từ đó có các giải pháp nâng cao nội lực tạo thế mạnh cạnh tranh trong quá trình hội nhập.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam gia nhập CPTPP – cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO