Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam: khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội

N.Quỳnh| 28/12/2018 09:43

KHPTO - Năm 2019, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã đề ra hoạt động khoa học công nghệ với chủ đề “Khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, nhằm thúc đẩy và khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng triển khai khoa học trong lĩnh vực NLNT vào phát triển kinh tế xã hội là nền tảng phát triển bền vững cho các đơn vị trực thuộc và toàn thể Viện NLNTVN.

Theo TS. Trần Ngọc Toàn, phó viện trưởng, trong năm 2018, Viện NLNTVN đã tiếp tục triển khai các dự án lớn của ngành NLNT: Trung tâm nghiên cứu KHCN hạt nhân (RCNEST); mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia; dự án cơ sở nghiên cứu của Viện tại Đà Nẵng; dự án xây dựng phòng chuẩn cấp 2 tại Trung tâm hạt nhân TP.HCM.

Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2018, Viện đã đạt được thành tích nổi bật hơn so với năm 2017, đã có nhiều công bố hơn trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế với tổng số công trình là 173, trong đó số công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế là 56 công trình, trong đó có 48 công trình đăng trên các tạp chí ISI, tăng so với năm 2017 là 11 công trình (năm 2017 có 45 công bố quốc tế trong đó có 37 công trình đăng trên ISI). Trong số các công trình công bố quốc tế có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí có IF cao như các tạp chí Phys. Rev. Lett., Phys. Lett. B, Phys. Rev. C…, với đóng góp đáng kể thuộc về hai đơn vị giàu truyền thống nghiên cứu như Viện KHKTHN, Viện NCHN Đà Lạt… Bên cạnh đó, ngay cả đơn vị nhỏ như VINAGAMMA cũng tăng số lượng công bố và các công trình nghiên cứu đó đều gắn liền với công việc ứng dụng của Trung tâm. Năm 2018 có 1 bằng sáng chế do Viện sở hữu trí tuệ Liên bang Nga cấp về phương pháp tổng hợp vật liệu hấp phụ composite từ tính cho cán bộ của Viện NCHN và 1 giải pháp hữu ích của Viện CNXH về quy trình chiết dung môi để tách loại đồng thời urani và thori ra khỏi dung dịch thủy luyện tinh quặng đất hiếm.

Năm 2018, các đơn vị trong toàn Viện đã tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ đề của năm “Phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ”. Một số thành tích đáng kể trong ứng dụng, sản xuất và dịch vụ của của một số đơn vị trực thuộc như sau:

Nghiên cứu quy trình công nghệ điều chế dược chất vi cầu phóng xạ

Năm 2018, Viện NCHN tiếp tục phát triển các dịch vụ quan trắc môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận VIMCERTS theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng năm 2014 của Chính phủ và chứng nhận mới VietGAP cho 20 đơn vị, hộ cá thể.

Viện NCHN đang nghiên cứu quy trình công nghệ điều chế dược chất vi cầu phóng xạ Y-90 trên lò phản ứng hạt nhân Đà lạt, góp phần làm đa dạng hóa các loại thuốc phóng xạ điều trị ung thư tại các bệnh viện trong cả nước. Điều chế, cung cấp các dược chất phóng xạ và kit đánh dấu cho 25 cơ sở, bệnh viện trong nước với tần suất 2 tuần 1 lần. Tổng cộng 620,55 Ci ĐVPX các loại đã được sản xuất và cung cấp cho các khoa xạ trị, y học hạt nhân tại các bệnh viện trong nước (tăng 55% so với cùng kỳ năm 2017). Viện NCHN bước đầu đã cung cấp 11 đợt (4,21 Ci) dược chất phóng xạ cho Campuchia, tạo điều kiện để nước bạn phát triển các khoa y học hạt nhân.

Đảm bảo nguồn cung cấp dược chất chẩn đoán và điều trị ung thư

Trung tâm Vinagamma vận hành và khai thác an toàn máy chiếu xạ chùm tia điện tử và máy chiếu xạ nguồn Co-60 theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, phục vụ cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ. Năm 2018, Trung tâm đã thay đổi, bổ sung các quy trình, quy định trong vận hành thiết bị, quy định về xử lý và bảo quản hàng hóa của khách hàng. Doanh số năm 2018 của Trung tâm đã tăng 18,5% so với năm 2017 (đạt mức cao nhất từ trước đến nay), đặc biệt Trung tâm Vinagamma hiện nay đang phối hợp với doanh nghiệp, đã triển khai xây dựng xong máy gia tốc điều chế dược chất phóng xạ cho khu vực phía Nam, đảm bảo nguồn cung cấp dược chất chẩn đoán và điều trị ung thư cho khu vực TP. HCM, giảm giá thành sản phẩm. Đây là mô hình kết hợp công tư hiệu quả cần đẩy mạnh trong tương lai theo chủ trương của Nhà nước (mô hình Public Private Partnership — PPP). Trung tâm hỗ trợ tích cực cho dự án chiếu xạ của Viện NLNTVN đang xây dựng tại Đà Nẵng, cùng với Sở KHCN Đồng Nai thiết kế xây dựng dây chuyền chiếu xạ mới đặt tại Đồng Nai phục vụ xuất khẩu.

Hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân chiếu xạ xuất khẩu

Đối với lĩnh vực kiểm tra không phá hủy, Trung tâm NDE đưa nhiều kết quả ứng dụng vào thực tế, như: sử dụng phương pháp siêu âm để kiểm tra chất lượng cánh bơm của nhà máy; kỹ thuật dòng điện xoáy (ECT) kết hợp với các kỹ thuật MFL. RFT, IRIS,VT, MT, PT được đưa vào giảng dạy và triển khai thực tiễn tại các dự án Mông Dương 2, đào tạo PV Pipe, các đơn vị thầu phụ của ABB….mở ra khả năng dịch vụ mới.

Trung tâm CXHN đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc chiếu xạ xuất khẩu vải và nhãn sang Úc, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tránh được việc mất giá khi xuất sang Trung Quốc. Tổng hàng hóa chiếu xạ đạt khoảng 5.447 m3 với thời gian chiếu xạ khoảng 5.300 giờ. Trong đó, chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu được gần 52,5 tấn vải, xoài, tăng 33% so với năm 2017. Đặc biệt trong năm 2018, dịch vụ hỗ trợ triển khai về an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tăng mạnh (tăng gần 793 triệu đồng, tương đương 50% do với năm 2017).

Trung tâm triển khai công nghệ thuộc Viện công nghệ xạ hiếm: có doanh số cao trong năm 2018 (120 tỷ đồng). Viện CNXH đã xây dựng được quy trình xử lý monazit thu nhận các sản phẩm tổng đất hiếm, urani và thori đang áp dụng để sản xuất thori làm chất xúc tác phủ bề mặt lưới nhôm xuất khẩu sang Nhật. Viện CNXH cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chế biến quặng kẽm nghèo, bước đầu mở ra một số nghiên cứu về vật liệu nano, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng của đất hiếm trong nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi…

Viện trưởng Trần Chí Thành nhận định,  Vinagamma được thành lập năm 1999, là thời điểm Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài, thời điểm đó có nhiều đơn vị được thành lập và đã không thành công, nhưng Vinagamma đã đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, khẳng định được vị trí trong thị trường chiếu xạ ở Việt Nam. Trung tâm đã vận hành an toàn và có hiệu quả 02 thiết bị chiếu xạ, đặc biệt là thời gian chiếu xạ của máy gia tốc đã đạt 6.438 giờ (năm 2017 là 4.742giờ). Doanh thu từ dịch vụ chiếu xạ đạt gần 60 tỷ đồng (tính đến tháng 11/2018) so với năm 2017 (50,48 tỷ đồng). Trung tâm hạt nhân TP.HCM tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay đã ổn định và đang tập trung vào xây dựng và sửa chữa trụ sở để triển khai dự án RCNEST; Viện nghiên cứu hạt nhân đạt được kết quả tốt trên mọi phương diện; Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã thực hiện dự án về kiểm tra các mối hàn ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đưa vào vận hành, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội, đưa nghiên cứu vào ứng dụng trong cuộc sống…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam: khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO