Vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó?

ANH THƯ| 27/08/2019 08:40

KHPTO - Tại sao các chủ trương, chính sách đã và đang rất quan tâm tạo điều kiện để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp vẫn rất khó đáp ứng yêu cầu? TS. Phan Hồng Tâm, Trường đại học CNTT Gia Định cho biết, các ý kiến của các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước cho thấy có một số nguyên nhân theo các nhóm như: nguyên nhân từ doanh nghiệp, từ yếu tố môi trường kinh doanh, từ vấn đề tâm lý xã hội.

Nguyên nhân từ doanh nghiệp, theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế quốc gia, thuộc Bộ kế hoạch và đầu tư: chỉ có 39,4% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và 58,2% người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh. Trung bình ở một số nước, tỷ lệ này lần lượt là 54,6% và 64,7%. Giới khởi nghiệp Việt Nam vẫn thiếu kỹ năng về quản trị hay phương pháp hoạt động kinh doanh sao cho hiệu quả. Trong đó, 4 nhóm kiến thức cơ bản là quản trị chiến lược, quản trị nhân sự, quản trị marketing và quản trị tài chính kế toán (là những nhóm kiến thức nền tảng để quản lý và điều hành) ở các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất yếu.

Về yếu tố môi trường kinh doanh, TS. Phan Hồng Tâm cho rằng, khởi nghiệp ở Việt Nam ít thành công còn do thủ tục hành chính rườm rà. Tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp hoặc tiêu cực, cố tình chồng chéo về thủ tục quy định. Đó là chưa kể nếu doanh nghiệp Việt khởi nghiệp thành công thì vẫn còn đối mặt với nhiều áp lực khác: chi phí vận chuyển, vận tải, vốn...

Vấn đề vốn là một trong những vấn đề khó khăn đầu tiên đối với việc khởi nghiệp. Nhiều quỹ hay dự án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo được lập ra, nhưng tiếp cận rất khó, thủ tục xin hỗ trợ, thậm chí xin vay vốn ưu đãi cũng không đơn giản. Ví dụ như có quỹ đầu tư khởi nghiệp hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm nên các dự án phải có sản phẩm cụ thể đưa ra thị trường; các dự án mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng sẽ khó được nhận vốn. Để có sản phẩm phải có vốn để mua máy móc vật tư sản xuất ra sản phẩm, nhưng vốn lại không vay được, doanh nghiệp muốn khởi nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn. Chưa kể, quỹ khởi nghiệp cũng đủ loại quỹ. Một số trung tâm đào tạo tranh thủ “cơn sốt” khởi nghiệp, liên tục mở các lớp đào tạo kỹ năng làm giàu, đào tạo kỹ năng trở thành doanh nhân thành đạt. Để việc chiêu sinh hiệu quả, họ lập ra các quỹ khởi nghiệp với sự hứa hẹn đầu tư với điều kiện phải tham gia lớp khởi nghiệp do họ đào tạo với học phí cả chục triệu đồng.

Vấn đề tâm lý xã bội cũng ảnh hưởng đến khởi nghiệp. Không ít người tin vào “thiên mệnh”, ban phúc cho ai và giáng họa cho ai là đã sắp đặt sẵn. Chính vì vậy, nhiều người rụt rè không hăng hái khởi nghiệp vì cho rằng giàu nghèo "có số". Có thể

những người trẻ tuổi ít bị ảnh hưởng bởi những thuyết này, nhưng họ cũng khó nhận được sự cổ vũ khởi nghiệp của cha mẹ hay những người lớn tuổi, những người bị ảnh hưởng bởi những thuyết này nhiều hơn.

Việc khởi nghiệp trông chờ nhiều ở sức bật, dám nghĩ dám làm của lứa tuổi thanh niên. Tuy nhiên, khi phân tích tâm lý người Việt trẻ, có ý kiến cho rằng, thế hệ 8x, 9x vẫn tồn tại tâm lý tự ti do xuất phát điểm thua kém hơn khi so sánh với các bạn trên thế giới. Vì vậy, họ hoặc thường mơ cái gì đó rất xa xôi, không thực tế hoặc chẳng dám ước mơ. Nguyên nhân chính là do họ thiếu cơ hội, không dám đi tìm sự cọ xát.

Mặt khác, theo TS. Phan Hồng Tâm, một số thanh niên Việt Nam có tâm lý rất lo lắng và bị chi phối khá nhiều trước ý kiến của người khác, bạn bè, và phụ huynh. Lúc nào cũng lo phải làm vừa lòng người xung quanh, họ không thể tập trung hết năng lực của mình. Hơn nữa, họ cũng thiếu sự quyết đoán mạnh mẽ và tự quyết, nếu chẳng may thất bại, cũng thiếu động lực để làm lại và thường đổ thừa khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO