Vì sao các doanh nghiệp viễn thông phải thay đổi mô hình kinh doanh?

KIẾN NAM| 22/01/2019 19:52

KHPTO - Đây là một phần trong bài tham luận của đại diện Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ thông tin và truyền thông.

diện Viettel nhận định, có một thực tại đặt ra là các doanh nghiệp viễn thông đang giảm sút nhưng những doanh nghiệp như Amazon, Alibaba, Google… vốn họ không thuộc viễn thông, không có hạ tầng, không có khách hàng viễn thông nhưng lại đang là những doanh nghiệp tận dụng tốt nhất hạ tầng viễn thông để tăng trưởng và phát triển, trở thành mối đe dọa các nhà mạng. Lời giải thích duy nhất là họ đã biết cung cấp các dịch vụ số cho xã hội, trong khi các nhà mạng vẫn bằng lòng với việc cung cấp thoại.

Nhu cầu xã hội giờ đây đã thay đổi. Trước đây, điện thoại di động chỉ để giải quyết nhu cầu nghe gọi hay kết nối Internet nhưng giờ đây điện thoại thông minh không chỉ sử dụng cho các nhu cầu trên mà còn để sử dụng cho rất nhiều các nhu cầu xã hội khác, như thanh toán, mua sắm, các nhu cầu trong lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, giáo dục...

Cũng theo Viettel, một mối đe dọa nữa là nếu các nhà mạng không thay đổi mô hình kinh doanh, tiếp tục sử dụng nhân lực công nghệ cao vào việc vận hành các lĩnh vực truyền thống, chưa tập trung nhiều cho lĩnh vực sáng tạo mới, thì sẽ dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám.

“Từ những lý do trên, để tiếp tục duy trì vị thế của mình trên thị trường, nhà mạng phải chuyển đổi mô hình kinh doanh và quy trình vận hành nhằm tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới để tồn tại và phát triển. Trong đó, chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số được coi là chìa khóa mở ra cho sự tăng trưởng của các nhà mạng. Nghiên cứu của Microsoft và IDC năm 2018 dự báo trong 3 năm tới, chuyển đổi số sẽ giúp nhà mạng tăng 20% năng suất lao động, giảm 21% chi phí, tăng 20% lợi nhuận, tỷ trọng doanh thu dịch vụ số sẽ chiếm 23% trong tổng doanh thu”, đại diện Viettel trình bày tham luận trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hôm 15/1.

Trong bối cảnh như vậy, Viettel xác định sẽ chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số với những bước đi cụ thể.

1. Hạ tầng để thực hiện chuyển đổi sang nhà cung cấp dịch vụ số: Viettel tiếp tục nâng cấp mạng 4G làm hạ tầng cho các dịch vụ số cơ bản và kết nối NB - IoT. Khi có tần số, sẽ triển khai sớm nhất thử nghiệm 5G trong quý 1 năm 2019. Sau 2020 sẽ triển khai mở rộng mạng 5G theo nhu cầu kinh doanh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.

Về mạng truyền dẫn, Viettel đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa hạ tầng CNTT và chuyển đổi tất cả các ứng dụng CNTT lên nền tảng điện toán đám mây (cloud), triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng, sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.

Về hạ tầng dữ liệu, Viettel đã đầu tư 5 Data Center đúng chuẩn Tier 3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc.

Về CNTT, Viettel đã và đang triển khai xuyên suốt các hệ thống CNTT theo hướng thông minh hơn, tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng các công nghệ mới như Bigdata, AI, VR… bao gồm các hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng, hệ thống ERP, hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, hệ thống tri thức khách hàng...

Về bảo mật thông tin, Viettel đã thành lập Công ty an ninh mạng theo đề án tái cơ cấu. Đây là đơn vị được giao trực tiếp nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể để đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, đáp ứng các thách thức của chuyển đổi số, bao gồm: Giải pháp bảo mật và an toàn thông tin tổng thể cho IoT và các phần mềm, ứng dụng CNTT; giải pháp giám sát an toàn thông tin thông minh trên Cloud, có thể triển khai với quy mô quốc gia, cho các tổ chức lớn; hệ thống tường lửa quốc gia để kiểm soát không gian mạng. Xây dựng các công cụ tự động phát hiện, cảnh báo tấn công; công cụ phòng thủ, phát động tấn công và tấn công trên không gian mạng.

Về công nghiệp - công nghệ cao, Viettel tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm cho mạng lưới cung cấp dịch vụ số, như mạng lõi ảo, trạm vô tuyến 5G, các loại sensor, các thiết bị có nhúng sensor IoT, các sản phẩm AI…

2. Xây dựng hệ sinh thái kinh doanh hướng đến trở thành nhà cung cấp dịch vụ số: Hiện nay, mức độ đóng góp của các dịch vụ số của Viettel điển hình là Content, Media, IoT và Fintech đang chuyển dịch theo hướng tích cực cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng doanh thu, năm 2018, đã chiếm tỷ trọng 7.1%. Thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục xây dựng mô hình doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp dịch vụ số.

Đối với khách hàng cá nhân, Viettel vừa tự làm (với 3 sản phẩm chính: MyClip, 5Dmax, truyền hình Onme), vừa liên kết với các đối tác. Trong đó, Viettel cung cấp hạ tầng, công nghệ phân tích số liệu, nội dung được xã hội hóa cho các OTT lớn như: (IFLIX, Netflix, VTV cab).

Đối với lĩnh vực Fintech, Viettel sẽ hoàn thiện hệ sinh thái ViettelPay, phát triển gia tăng các dịch vụ vé tàu, bảo hiểm, truyền hình, tài chính, thu hộ hành chính công… Triển khai Mobile Banking khi được phép để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng chưa có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tài chính do ngân hàng cung cấp.

Bên cạnh đó, Viettel sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ bưu chính theo hướng tích hợp với các kênh thanh toán và bán hàng trực tuyến để phát triển thương mại điện tử.

với khách hàng tổ chức, Viettel xác định là hạt nhân cung cấp giải pháp giúp cho doanh nghiệp và tổ chức chuyển đổi số. Trong đó, với khách hàng là Chính phủ, Viettel sẽ thúc đẩy hơn nữa các chương trình, dự án Chính phủ điện tử gắn với các công nghệ mới nhất như Cloud, Big Data, AI. Viettel tiếp tục thực hiện các dự án: Mở rộng dự án Smart City; quản lý bệnh viện cho ngành y tế; hệ thống quản lý học trực tuyến cho cộng đồng mạng xã hội học tập; Làm chủ công nghệ phân tích và xử lý hình ảnh giao thông với khả năng xử lý từ 200.000 camera trở lên. Viettel cũng chủ trì xây dựng và triển khai các dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý đất đai của Chính phủ.

Đối với khách hàng là các doanh nghiệp, Viettel sẽ tư vấn, cung cấp các giải pháp để đẩy nhanh quá trình số hóa doanh nghiệp bằng cách nâng cấp các giải pháp sẵn có (như hệ thống quản lý phân phối cho doanh nghiệp lớn (DMS), hệ thống quản lý shop cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (Shop.One), đồng thời phát triển các ứng dụng Blockchain để quản lý các thông tin, tài nguyên của doanh nghiệp.

3. Tập trung vào xây dựng hạ tầng thanh toán số tại Việt Nam: Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Số người có tài khoản ngân hàng cũng chỉ đạt 30% dân số, tập trung ở thành thị. Ngoài ra, hệ thống điểm chấp nhận thanh toán còn rất ít. Vì vậy, thanh toán điện tử hiện nay tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, còn đối với khu vực nông thôn thì hầu như chưa có gì.

Tại Việt Nam, hệ thống thanh toán số quy hoạch chưa đồng bộ. Tại các điểm thanh toán, các đơn vị tự xây dựng hệ thống trang thiết bị riêng. Các hình thức thanh toán như QR code, NFC, Sinh trắc học… chưa được quy hoạch. Hệ thống thanh toán số “thuần Việt” nhỏ. Các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn chủ yếu có yếu tố vốn Trung quốc. Chưa kiểm soát được thanh toán qua biên giới nên thất thoát thuế nhiều. Để giải quyết các tồn tại trên, thì cần quy hoạch và xây dựng “hạ tầng thanh toán số quốc gia” một cách đồng bộ. Viettel đề xuất Chính phủ cho phép Viettel tham gia vào việc phát triển thanh toán số qua những dịch vụ: Dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung; dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử các giá trị nhỏ.

Theo Viettel, việc sử dụng tài khoản thuê bao di động để tiêu dùng dịch vụ giá trị nhỏ đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, việc ứng dụng tập trung ở các loại giao dịch như thanh toán trên các trang thương mại điện tử, nạp tiền vào ví điện tử, thanh toán phí dịch vụ giao thông công cộng, và nhiều loại hình khác như dịch vụ truyền hình, thẻ quà tặng, thanh toán tại cửa hàng bán lẻ; tỷ lệ giao dịch sử dụng tài khoản thuê bao di động thường cao gấp 5 lần việc sử dụng tài khoản ngân hàng.

“Phương án sử dụng tài khoản thuê bao di động ở Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống”, đại diện Viettel, phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao các doanh nghiệp viễn thông phải thay đổi mô hình kinh doanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO