Vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến thể trạng người Việt

H. NGA| 10/08/2019 11:31

KHPTO - Kết quả điều tra của Bệnh viện nội tiết trung ương năm 2013 - 2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi là 9,8%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iod đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, so với mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu iod mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi dưới 5% và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iod đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên 90%.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thiếu sắt, iod, vitamin A, kẽm, acid folic, hay thiếu đa vi chất vẫn là vấn đề dinh dưỡng chính của Việt Nam, là nguyên nhân gây nên thể trạng suy dinh dưỡng thấp còi, giảm chức năng nhận thức ở trẻ, tỷ lệ tử vong và bệnh tật cao, năng suất lao động và chất lượng cuộc sống thấp. Theo điều tra dinh dưỡng, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi; cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thấp còi. Điều này dẫn đến nguy cơ thấp khi đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) - chỉ cao khoảng 158 cm so với 170 cm ở trẻ phát triển tốt. Suy dinh dưỡng thể thấp còi còn làm giảm năng suất lao động khi đến tuổi trưởng thành; mỗi 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn tồn tại, có thể gây thiệt hại hơn 20 triệu USD/năm. Ngoài ra, để bổ sung, chỉ tính riêng tiền mua vi chất cho bà mẹ, trẻ em cần 6,24 triệu USD cho 20 tỉnh ưu tiên.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam có mục tiêu phấn đấu giảm suy dinh dưỡng trẻ em xuống dưới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 20% và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 10%), tầm vóc người Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iod hàng ngày đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (≥ 20 ppm) đạt trên 90%, mức trung vị iod niệu của bà mẹ có con dưới 5 tuổi đạt từ 10 đến 20 mg/ dl... Để đạt được mục tiêu, hành động của Chính phủ và các cơ quan liên quan là bổ sung thực phẩm, đa dạng dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày; tăng cường vi chất vào thực phẩm; truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân...

Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm yêu cầu bắt buộc phải bổ sung vitamin A, sắt, iod và kẽm vào muối,

bột mì và dầu thực vật nhập khẩu và sản xuất tại Việt Nam - những thực phẩm mà người Việt sử dụng nhiều. Mục tiêu của Nghị định là nhằm giải quyết sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam - một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cũng như làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lại đang đề nghị Chính phủ bãi bỏ quy định bắt buộc đưa iod vào gia vị chế biến, hoặc sử dụng nguyên liệu có chứa iod vì cho rằng điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tăng tiền đầu tư công nghệ, máy móc, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa.

Thực tế, không chỉ có Việt Nam mà 85 quốc gia trên thế giới đã có quy định bắt buộc phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bột mì; trong đó 100% các quốc gia này yêu cầu phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bột mì được sử dụng trong chế biến thực phẩm. 109 quốc gia hiện đã có quy định bắt buộc phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào muối; trong đó 88% (tương đương với 96 quốc gia) yêu cầu phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào muối dành cho chế biến thực phẩm. Các nghiên cứu khẳng định, thực phẩm đã được bổ sung vi chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến sẽ góp phần tăng đáng kể hàm lượng dinh dưỡng được hấp thụ, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.

3_4

1_4

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến thể trạng người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO