Về làng trồng quýt “tiến vua”

TIÊN SA| 24/08/2020 21:44

KHPTO - Chúng tôi đến xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào một ngày thu nắng vàng như mật trải dài trên dòng sông, làng mạc của một miền quê yên ả. Làng Giáp Kiền nép mình bên sông Bồ đang tỏa hương thơm ngát bên những hàng cau, khóm chuối, bụi bờ... Đặc biệt, đến đây vào tháng tám, tháng chín (âm lịch) đúng mùa quýt chín, du khách sẽ thỏa sức chiêm ngưỡng và thưởng thức những chùm trái quýt chín vàng tươi ken dày trên các cành cây quýt xanh tốt mỡ màng.

Nằm gần sát Quốc lộ IA, Hương Cần nổi tiếng cả nước bởi một thứ trái cây đặc sản tiến vua ngày xưa. “Đặc sản” quýt Hương Cần có vị thơm ngon mà không có một thứ quýt nào có thể so sánh được.

Trên mảnh đất được bồi đắp bởi phù sa con sông Bồ hiền hòa, quýt Hương Cần đã cho đời biết bao “hoa thơm trái ngọt”.

Quýt vừa mới chín, vỏ màu hồng non pha lẫn vàng nhạt, đuôi trái lõm vào trong như một lúm đồng tiền duyên dáng trên gò má căng tròn của thiếu nữ xinh đẹp.

Múi quýt giòn, ngọt thơm và mát thanh, hột quýt nhỏ, vỏ quýt mỏng chứa rất nhiều tinh dầu thơm.

Quýt ngon “tiến vua”

Theo các bậc cao niên, làng Hương Cần xưa gồm năm Giáp, Giáp nào cũng có trồng quýt, nhưng nổi tiếng và ngon thơm hơn vẫn là quýt Giáp Kiền - một dải đất phù sa nằm sát ngay lưu vực sông Bồ.

Nếu đến Giáp Kiền vào mùa xuân, bạn sẽ được tận hưởng một không gian nồng nàn hương hoa quýt, tinh khiết, dịu dàng đằm thắm như vẻ đẹp tinh khôi của thiếu nữ Hương Cần.

Đến tham quan các vườn quýt xanh tốt mỡ màng trĩu trái nơi đây, du khách ngẩn ngơ bởi dường như mùa thu giấu vàng trong trái quýt, mùa hạ ú tìm trên những vòm cây mà quýt Hương Cần thơm đến thế, nồng nàn đến thế! Quả là tôi đã không nói quá!

Cổng làng Giáp Kiền

Bạn hãy một lần thưởng thức quýt Hương Cần mà xem. Bạn sẽ không quên và không lẫn với giống quýt nào khác dù là quýt Thái Lan rất ngọt hiện đang có mặt trên thị trường.

Nếm quýt Hương Cần bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm của đất phù sa, sự mát thanh của nước nguồn sông Bồ chảy từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, hương thơm nồng nàn của khí trời mùa xuân hòa quyện với cả vị mặn mòi của mồ hôi người trồng quýt!

Dẫn chúng tôi ra vườn, lão nông Hồ Đăng Dĩ (78 tuổi, ở thôn Giáp Kiền, làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) là người có thâm niên trồng quýt lâu nhất làng Hương Cần cho hay, gia đình ông bắt đầu trồng quýt vào năm 1970.

Quýt Hương Cần vốn nức tiếng từ xưa, là giống quýt dùng để “tiến vua”, nó đã đi vào thi ca của đất Thừa Thiên này.

Trải qua chiến tranh, thiên tai dịch bệnh, giống cây thoái hóa dần.

Nếu khi xưa mấy trăm hộ trồng thì giờ chỉ còn lại chẳng được bao nhiêu. Cây quýt lớn nhất cao chừng ba mét. Cành lá sum sê tỏa rộng, xanh mướt, mỡ màng. Những cây quýt như thế trái rất to gần bằng chén múc chè. Trái quýt càng lớn càng đẹp.

Một cây quýt đã tuổi trưởng thành trở lên (khoảng sau 4 - 5 năm trồng) cho chừng vài trăm trái. Đặc biệt, sau tháng tám, quýt Hương Cần mới đạt độ ngon.

Quýt Hương Cần có đặc điểm khác với các quýt khác là trái nhỏ, hình hơi dẹp, ở đầu tự nhiên cái núm lún xuống như cái núm đồng tiền trên má người con gái.

Ăn quýt Hương Cần nên chờ đến tháng này hãy ăn, ăn sớm quá, trái thơm gắt mà không ngọt.

Chúng tôi thưởng thức những trái quýt chín ủ trong tiết trời nắng nóng đã dịu đi, nên cái mùi thơm vẫn thăng hoa mà vị ngọt lại như lắng đọng.

Cắn nhẹ một múi, nước tứa ra đầu lưỡi chưa kịp nhăn mặt đã nghe vị ngọt ùa đến bất ngờ, rồi mùi hương xộc lên mũi ngan ngát, rất riêng biệt. Cái ngon của quýt Hương Cần là vậy đó. Thật không hỗ danh quýt Hương Cần ngon vào hạng nhất nước, ngày xưa dùng để “tiến vua”.

Theo lời ông Đoàn Dàng, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đông Toàn, xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà) cho hay, tổng diện tích trồng quýt nơi đây có khoảng 12 ha, tập trung vào vùng đất phù sa ven sông Bồ, thuộc thôn Phe Kiền (xã Hương Toàn).

Quýt Hương Cần thơm ngon, đậm đà, hoàn toàn không ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường bởi không sử dụng hóa chất kích thích quá trình ra hoa kết trái.

Vườn quýt ở Giáp Kiền

Quá trình ra hoa và kết trái tuân thủ theo chu kỳ tự nhiên nên tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ở vùng đất này, hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng 2 đến 3 sào quýt (mỗi sào 500 m2), nhà trồng nhiều từ 8 đến 10 sào.

So với cây lúa, quýt Hương Cần cho thu nhập ổn định hơn. Bình quân mỗi vụ, mỗi gia đình ở đây cũng thu nhập được từ 50 - 60 triệu đồng.

Phục tráng quýt Hương Cần

Tuy quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nhưng đã trải qua hàng trăm năm trồng nên không tránh khỏi sự thoái hóa, vì thế hiện nay trái quýt nhỏ, hạt nhiều và chua hơn so với trước rất nhiều, chính vì thế Trường đại học nông lâm Huế đã đăng ký thực hiện đề tài: “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen quýt Hương Cần”.

Tiến sĩ nông học Dương Xuân Diêu (Vụ khoa học và công nghệ của Bộ công thương), người được Bộ giáo dục và đào tạo mời làm thành viên thẩm định đề tài: “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen quýt Hương Cần” cho hay, vào cuối tháng 7/2015, Bộ giáo dục và đào tạo đã đồng ý phê chuẩn đề tài: “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen quýt Hương Cần” do Trường đại học nông lâm Huế đăng ký và đã thực hiện trong 3 năm, bắt đầu năm 2016.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kiêm Hải (53 tuổi, phó chủ tịch phụ trách kinh tế xã Hương Toàn) và ông Nguyễn Văn Lai (45 tuổi, chủ tịch Hội nông dân xã Hương Toàn kiêm hội trưởng Hội quýt của thôn Giáp Kiền) cho hay, hiện nay, các “chuyên viên” của Trường đại học nông lâm Huế đã và đang tuyển chọn những gốc quýt Hương Cần phát triển tốt có hiệu quả năng suất cao, chất lượng tốt để lựa chọn nguồn gen quýt đầu dòng và phục tráng nhân rộng cây quýt bằng cách thí điểm ghép nguồn gen quýt Hương Cần trên thân chủ của một giống quýt khác cho năng suất cao.

Đến nay, Trường đại học nông lâm Huế đã trồng hơn 100 gốc quýt ghép như thế trên diện tích gần 3.000 m2 đất thuộc thôn Giáp Kiền là “thủ phủ” của quýt Hương Cần.

Ông Hoàng Trọng Hiệu - chủ tịch UBND xã Hương Toàn, cho hay: “Hiện thôn Giáp Kiền có khoảng 110 hộ trồng quýt, hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng 2 đến 3 sào, có nhà trồng nhiều từ 8 đến 10 sào.

So với các giống cây ăn trái khác, quýt Hương Cần cho thu nhập khá cao và ổn định hơn.

Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua, chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực khôi phục lại một số diện tích trồng quýt trước đây bị chặt bỏ. Thời gian tới, xã đã có chủ trương phát triển mạnh hơn loại cây này, tăng diện tích trồng tại các vùng bãi bồi và trong vườn dân lên 20 ha”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về làng trồng quýt “tiến vua”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO