Vàng lá thối rễ cây có múi do lỗi thiết kế vườn

Bài và ảnh: Minh Tuấn| 06/11/2017 08:47

KHPTO - Vàng lá là sự biểu hiện của một số bệnh trên những vườn trồng cam và cây có múi khác (cam, quýt, bưởi...). Trong nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vườn cây bị vàng lá thối rễ do lỗi thiết kế vườn được coi là nguyên nhân dễ gặp phải nhất. Sau những cơn mưa lớn những vườn cây bị vàng lá do bị thối rễ xuất hiện nhiều hơn.

Thiếu quy hoạch chi tiết

Cam và các loại cây có múi thường được bố trí ở các tiểu vùng sẵn nước tưới do cần nước tưới một cách thường xuyên. Phát triển mạnh cây có múi ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ là vì vậy; thực tế cho thấy nơi đây là kho cam, quýt, bưởi lớn của cả nước. Cam và cây có múi cũng phát triển tốt ở nhiều tiểu vùng đất cao, trung du, miền núi, nơi sẵn có nguồn nước tưới ở  Đồng Nai, Bình dương và những tiểu vùng từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra đến Hà Giang.

Tuy nhiên không chỉ ở những tiểu vùng đất thấp, đất trũng, hiện tượng bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện ở mọi địa hình. Phổ biến nhất bệnh bệnh vàng lá thối rễ ở những vùng có mực nước “chết” không đạt độ cao so với (0,5-0,8 m) so với mặt liếp. Những tiểu vùng không tiêu nước kịp khi những khi mưa lớn gặp triều cường, những khu vườn bị ngăn bởi đường đi, cống thoát lũ bị nghẽn hay thiết kế không đủ để tiêu nước gây ngập vườn, nguy cơ cây bị bệnh vàng lá thối rễ rất cao. Nhiều tiểu vùng trồng cây có múi ở trung du, miền núi, đất cao nhưng không ít vườn cây bị ngập. Phản ánh từ các vùng cao cho thấy nhiều khu vườn bị ngập nước do thiếu hệ thống thoát nước lũ. Nhiều trường hợp vườn có một hoặc nhiều cây bị ngập cục bộ, có trường hợp cây bị oi nước trên vườn không ngập do hố trồng sâu mà không tạo rãnh thoát nước.

Vì sao cây bị bệnh vàng lá thối rễ

Cơ quan khuyến nông TW giải thích: Hầu hết các vườn cây ăn trái đều bị ảnh hưởng và thiệt hại với mức độ khác nhau do ngập lũ. Mức thiệt hại ít nhiều tùy theo loại cây, giống cây, tình trạng sinh lý và chế độ canh tác. Cam và cây có múi có khả năng chịu đưng ngập nước tương đối thấp, chỉ cao hơn đu đủ (3 ngày), mít (5 ngày). Cây đang ra lá, mang hoa, mang trái chịu đựng kém hơn cây mang lá già. Đối với đất có cao trình thấp, mực nước chết cao chỉ cần nước ứ trong vườn là cây có múi bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân là do nước ngập, đất bị nước hoà tan các hạt sét nhỏ và phủ kín các khoảng trống, chiếm hết các tế khổng làm đất không còn thoáng khí. Đất bị ngập nước, nên không còn đủ ôxy cung cấp cho rễ hô hấp. Chỉ sau 24-48 giờ bị ngập, đất trở nên bão hoà nước, những ảnh hưởng xấu bắt đầu xảy ra và rễ cây mọc sâu dưới tầng đất mặt rất dễ bị huỷ hoại. Ngoài ra nước ngập còn làm cho khí CO2 từ rễ không thoát ra ngoài được, khiến cho rễ bị ngộ độc, rễ bị nghẹt. Từ đó làm cho cây bị stress sản sinh ra nhiều ethylene bên trong, gây ngộ độc cho cây. Bộ rễ bị hủy hoại không hút được nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây. Sau khi nước rút các loài nấm bệnh trong đất như fusarium và phytophtthora thừa cơ phát triển từ khu vực rễ thối gây hại một bộ phận hoặc toàn bộ bộ rễ làm cho bộ lá cây no nước nhưng thiếu dinh dưỡng. Quá trình tổng hợp ethylenne bên trong khiến thân cây bị stress, ngộ độc, lá bị vàng và rụng đồng loạt, cành khô và chết nguyên cây.

Giải pháp khẩn cấp

Để hạn chế tác hại đối với vườn cam và cây có múi khi đã bị ngập lũ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây: Mau chóng bằng mọi biện pháp khơi thông dòng chảy, bơm...làm cho nước rút; dòng chảy có thể sẽ cung cấp phần nào ôxy cho bộ rễ so với nước đứng. Dùng kéo cắt đọt non, hoa trái để giữ sức cho cây. Dùng leng đánh rãnh sâu 20-30cm cho nước còn nằm trong liếp đất, trên mặt vườn nhanh chóng thoát xuống mương. Dùng cào răng ngắn xới nhẹ mặt đất ngay phía dưới tán lá phá váng để nước trong khu vực rễ nhanh bốc hơi, cho rễ thoáng phục hồi chức năng thở. Tiến hành phun hỗn hợp phosphat kali 4/5 và urea 1/5, nồng độ1-1,5% hoặc hỗn hợp phân DAP 2/3 với clorua kali 1/3 nồng độ 1-2% từ 2 đến 3 lần, cách nhau khoảng 7-10 ngày giúp lá mau già, cây chậm tăng trưởng, ít tiêu hao dinh dưỡng trong lúc bộ rễ yếu (khuyến cáo của Đại học Cần Thơ). Ngoài ra có thể dưỡng cây bằng cách phun phân bón lá chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như đạm (hàm lượng thấp), lân, kali, can xi, manhê, lưu huỳnh, sắt...giúp cây tăng khả năng sống sau ngập úng.

Sau khi làm cho bề mặt đất vườn khô ráo tiến hành bón phân để kích thích cây ra rễ mới phục hồi khả năng hút nước và dinh dưỡng giúp cây phục hồi nhanh. Cụ thể trộn 2/3 phân DAP với 1/3 phân clorua kali với lượng bón tăng dần từ 0,1kg /cây- 0,5 tùy theo cây nhỏ hay lớn, rải đều trên mặt liếp 0,5 kg vôi bột/ gốc. Giải pháp này chỉ có tác dụng với những cây chưa thối rễ, nếu cây đã bị, thối rễ vàng và rụng lá nên đốn bỏ, làm lại đất, xử lý nấm bệnh trong đất, trồng cây khác.

Quy hoạch chi tiết phù hợp

Bệnh bệnh vàng lá thối rễ nói chung và đối với cam và cây có múi liên quan mật thiết đến khâu thiết kế vườn, một số lỗi và giải pháp như sau: Quy hoạch cây trồng ở các vùng, tiểu vùng phù hợp sinh lý sinh thái và  cố gắng tránh bị ngập nước. Những chân đất thấp phải có trạm bơm thường xuyên làm nhiệm vụ chống ngập nước. Thiết kế liếp, mương rãnh trên vườn liên thông với hệ thống thoát nước chung trong tiểu vùng. Ở vùng trũng, ngoài lên liếp, trồng cam và cây có múi trên mặt liếp, vun mô. Ở vùng cao có thể đào hố cạn trồng cam và cây có múi nhưng phải  có rãnh thoát nước từ hố ra, đảm bảo khu vực gốc cây không có nước đọng. Ngoài ta việc thiết kế hàng rào chắn gió tầm cao và tầm thấp hướng Đông và Tây Nam để đạt hiệu quả chắn gió, để ngăn cản nấm gây bệnh thối rễ bay từ vườn khác. Hướng thiết kế liếp trồng cây theo hướng Bắc – Nam, xác định khoảng cách trồng cây sao cho không giao tán theo từng loài giống, để cây trên vườn nhận được ánh sáng đầy đủ có sức khỏe chống chọi tốt với ngoại cảnh và năng suất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vàng lá thối rễ cây có múi do lỗi thiết kế vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO