Vẫn chưa xác định nguyên nhân gây nghêu chết hàng loạt

QUANG TRÍ| 06/04/2015 15:51

Từ năm 2010 đến nay, trừ năm 2012 và năm 2014, nghêu nuôi khu vực ven biển xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) không chết bất thường, các năm còn lại nghêu đều chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi mỗi năm khoảng 250 tỷ đồng. Từ đầu tháng 3/2015, nghêu nuôi khu vực này lại tiếp tục chết với sản lượng thiệt hại có thể còn cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, đến nay chưa có giải pháp phòng tránh hiệu quả để hạn chế thiệt hại vì vẫn còn chưa biết nguyên nhân gây chết nghêu.

Do ký sinh trùng Perkinsus sp?

Năm 2010, kết quả phân tích mẫu tại vùng nghêu chết của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho thấy, có sự hiện diện của ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp trên nghêu với cường độ cảm nhiễm thấp. Bước sang năm 2011, kết quả xét nghiệm các mẫu nghêu chết của Chi cục thú y tỉnh tại Phân viện thủy sản Cà Mau xác định có sự hiện diện ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp với tỷ lệ cảm nhiễm dao động từ 50 - 80%, cường độ cảm nhiễm từ 10 - 340 bào tử Perkinsus sp trên một cá thể nghêu (một cá thể nghêu có trọng lượng từ 1 - 1,5 g).

Kết quả quan trắc mầm bệnh trên nghêu nuôi năm 2013 trong những đợt nghêu chết của Chi cục thú y tỉnh tại khu vực nghêu chết cho thấy tỷ lệ mẫu nghêu nhiễm Perkinsus sp dao động từ 20 - 36%, cường độ cảm nhiễm dao động từ 12,94 - 19,99 bào tử/g. Còn kết quả xét nghiệm lúc nghêu chết vào giữa tháng 3/2015 cho thấy tỷ lệ cảm nhiễm ký sinh trùng Perkinsus sp trên nghêu từ 4 - 28%, cường độ cảm nhiễm biến động từ 3,11 - 119,69 bào tử/g.

Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu trên các mẫu nghêu thu tại Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Tiên (năm 2007) của bà Ngô Thị Thu Thảo - khoa thủy sản, Đại học Cần Thơ, nghêu nuôi ở hai địa phương này có cường độ cảm nhiễm Perkinsus sp ở mức 98.082 đến 204.309 bào tử/g (còn cường độ cảm nhiễm Perkinsus sp ở Tiền Giang là 10 đến 340 bào tử/g) nhưng trong hầu hết các mẫu mô quan sát thì hiện tượng sung huyết do Perkinsus sp xâm nhập chưa đạt đến mức nghiêm trọng.

Do vậy, dựa vào sự so sánh kết quả xét nghiệm ký sinh trùng Perkinsus sp các mẫu nghêu thu tại Tiền Giang với kết quả nghiên cứu trên các mẫu nghêu thu tại Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Tiên của bà Ngô Thị Thu Thảo có thể nhận định Perkinsus sp không phải là nguyên nhân gây chết nghêu ở Tiền Giang.

Cần thay đổi phương pháp quan trắc

Do đặc thù của nghề nuôi nghêu ven biển nên trong công tác quan trắc mầm bệnh trên nghêu nuôi, việc thu các mẫu nghêu, nước biển để theo dõi diễn biến mầm bệnh, môi trường thường được tiến hành định kỳ khi triều kiệt (nước cạn). Khi đó, nghêu đã vùi xuống nền đáy để trốn điều kiện khắc nghiệt và đã ngừng ăn (nghêu chỉ trồi lên mặt bãi khi nước lớn và sinh trưởng bằng cách ăn lọc mùn bả hữu cơ và một số loại tảo trong nước biển). Vì vậy, việc lấy mẫu nghêu để xét nghiệm vào lúc này không còn nhiều ý nghĩa, khó tìm được nguyên nhân gây chết nghêu do các yếu tố môi trường, mầm bệnh trong nước biển gây tác động lên nghêu đã thay đổi.

Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Hòa, khoa thủy sản - Trường đại học nông lâm TP.HCM, việc quan trắc môi trường, mầm bệnh tiến hành định kỳ lúc triều kiệt (nước cạn) rất khó đánh giá được các tác nhân gây tác động lên nghêu do lúc đó nghêu đã nghỉ ngơi, hoạt động của nghêu đã hạn chế rất nhiều, nhất là hoạt động lấy thức ăn. Do đó, việc quan trắc môi trường, mầm bệnh vùng nuôi nghêu cần được tiến hành thường xuyên và việc lấy mẫu quan trắc nên thực hiện khi nước lớn để có thể đánh giá được chính xác diễn biến môi trường, mầm bệnh lúc nghêu đang hoạt động trên mặt bãi và lấy thức ăn, bởi đây là lúc nghêu bị môi trường tác động nhiều nhất.

Đến thời điểm này, có thể nhận định rằng, nghêu nuôi ven biển xã Tân Thành chết có tính chu kỳ vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm (trừ năm 2013 nghêu chết từ đầu tháng 2) và đều có liên quan đến gió mùa đông nam thổi mạnh làm độ mặn tăng cao; còn ký sinh trùng Perkinsus sp không là tác nhân gây chết nghêu. Tuy nhiên, tác nhân chính gây chết nghêu trong các năm vừa qua là gì thì đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Các cơ quan quản lý địa phương cũng như người nuôi nghêu mong rằng Bộ NN và PTNT, Tổng cục thủy sản sớm hướng dẫn phương pháp quan trắc môi trường, mầm bệnh vùng nuôi nghêu phù hợp để xác định nguyên nhân gây nghêu chết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn chưa xác định nguyên nhân gây nghêu chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO