Vai trò của đại học khởi nghiệp trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh

Anh Thư| 09/01/2019 21:54

KHPTO - Hội thảo “Vị trí, vai trò của đại học khởi nghiệp trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh" do Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) chủ trì tố chức với sự tài trợ của Sở khoa học công nghệ TP.HCM.

PGS.TS.Huỳnh Thành Đạt, giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, bản chất của khu đô thị đại học sáng tạo, thông minh là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn từ các nước cho thấy, các hệ sinh thái như vậy luôn gắn với sự tiên phong của các trường đại học, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.

PGS.TS.Huỳnh Thành Đạt lấy ví dụ, thành phố Philadelphia (Mỹ) là một trường hợp điển hình về vai trò của sự kết nối giữa khu đô thị sáng tạo và các đại học nghiên cứu. Không giống như nhiều thành phố khác tự tạo một bức tường ngăn cách tồn tại giữa trung tâm thành phố và trung tâm y tế của đại học, hai khu vực này ở Philadelphia đã cùng nhau liên kết để hình thành khu đô thị sáng tạo ở thành phố.

Hay ở rìa phía đông của khuôn viên trường, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã có một kế hoạch dài hạn để biến khu quảng trường Kendall thành một khu sáng tạo của thành phố Boston. Xung quanh một diện tích không quá lớn, nhưng khu vực này hội tụ nhiều doanh nghiệp công nghệ toàn cầu như Amazon, Google và Microsoft, nhiều công ty công nghệ sinh học mang tính biểu tượng (trong số đó là Genzyme, Biogen và Millennium) và các công ty dược phẩm nổi tiếng thế giới như Pfizer, Sanofi và Novartis.

Ở khu vực Đông Nam á, khu công nghệ cao One North nổi tiếng với hệ sinh thái sáng tạo tiếp giáp Đại học quốc gia Singapore (NUS). Gần đây nhất, khu đô thị sáng tạo Giam nằm trong lòng thủ đô Bangkok (Thái Lan) cũng vùa được đại học Chulalongkorn công bố.

Những ví dụ trên cho thấy, ĐHQC-HCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của cả nước tất yếu phải là một trong các “mỏ neo” quan trọng để phát triển Khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM.

TP.HCM có nhiều tài sản để phát triển khu đô thị sáng tạo, nhưng quan trọng nhất là hệ thống các viện, trường. Cùng với Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Khu đô thị mới Thủ thiêm, ĐHQG-HCM là một trong 3 “mỏ neo” quan trọng của Khu đô thị sáng tạo phía đông của TP.HCM.

PGS.TS.Huỳnh Thành Đạt cho rằng, các doanh nhân khởi nghiệp là chủ thể, đồng thời cũng là sản phẩm của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nhân khởi nghiệp có vai trò trung tâm, là lãnh đạo dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái. Đồng thời, một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mạnh sẽ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao cơ hội thành công của các doanh nhân khởi nghiệp.

Trên cơ sở nhận thức trên, từ năm 2014, lãnh đạo Đại học quốc gia TP.HCM đã có chủ trương xây dựng Khu công nghệ phần mềm đại học quốc gia TP (ITP) thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM và quốc gia, làm nền tảng để phát hiện và bồi dưỡng các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang trực tiếp hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp, với khoảng 1/3 số dự án này đã gọi được vốn đầu tư ươm mầm (seed fund), pre-serie A. Các dự án khởi nghiệp này trực tiếp tạo ra hơn 300 việc làm và là môi trường thực tập của hàng trăm sinh viên mỗi năm.

ĐHQG-HCM đặt mục tiêu đến năm 2020, ITP sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở phía đông thành phố, là nơi tập trung của khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, với 2.000 việc làm và là nơi thực tập, học tập của 2.000 sinh viên mỗi năm.

Với vai trò là một trong ba “mỏ neo” quan trọng của khu đô thị sáng tạo phía đông của TP.HCM, trên cơ sở những thành tựu quan trọng ban đầu trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ITP, trong thời gian đến ĐHQG-HCM sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cứng (cơ sở hạ tầng đô thị ĐHQC-HCM) và mềm (hạ tầng công nghệ thông tin) tại Khu đô thị ĐHQG-HCM, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các mô hình hợp tác 3 nhà (triple helix model) hay 4 nhà (quadruple helix model) góp phần thúc đẩy hoạt động đối mới sáng tạo và khởi nghiệp tại khu vực đông TP.HCM.

PGS.TS.Huỳnh Thành Đạt cho biết, xây dựng tầm nhìn và nhận thức chung, thống nhất về khu dô thị sáng tạo, đặc biệt là vị trí, vai trò của đại học đối với sự hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo là điểm xuất phát quan trọng trong lộ trình xây dựng khu đô thị ĐHQC-HCM thành khu đô thị sáng tạo, thông minh.

Thông qua những bài học kinh nghiệm của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới, sẽ giúp ĐHQG-HCM định hình tầm nhìn, nhận thức chung, thống nhất về phát triển khu đô thị sáng tạo, thông minh, định hình những bước đi ban đầu, thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của đại học khởi nghiệp trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO