Uống thuốc cũng phải đúng thời điểm

BÙI KIM SƠN (Theo Science et Vie)| 08/03/2017 10:33

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT-Thông thường, đi khám bệnh, chúng ta được bác sĩ cho toa thuốc có ghi rõ ngày uống mấy lần, mỗi lần mấy viên... và cứ thế mà chúng ta theo. Nhưng thực sự, đó chỉ là những chỉ dẫn để bệnh nhân uống đúng thuốc, uống đủ thuốc và không uống quá liều. Vậy vấn đề đặt ra là nếu lỡ chúng ta quên thì có thể uống bù vào lúc khác hay không?

Thế nhưng, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thì không phải bất cứ lúc nào thuốc cũng đem lại một hiệu quả như nhau. Chúng chỉ hiệu quả khi hoạt động đúng nơi, đúng nồng độ và cả đúng vào thời điểm. Dược tính hấp thu hoặc độc tính phát tác, nhiều hay ít, còn tùy thuộc vào thời điểm được đưa vào cơ thể.

Thực sự, vào những năm 60 của thế kỷ trước, y học đã phát hiện được tính chất này và gọi tên là chronotherapy, trong đó chữ chronos theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là thời gian và therapy là liệu pháp, tức là khoa trị liệu theo giờ giấc. Nghĩa là, chữa trị cho các bộ phận bị bệnh nào thì phải theo giờ giấc thích hợp của bộ phận đó chứ không phải chữa trị bất cứ lúc nào cũng được.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới, các nhà khoa học gọi tên phát hiện này là chronopharmacology, tức khoa nghiên cứu dược tính của thuốc trên cơ thể theo thời điểm. Thật vậy, nhịp điệu sinh học với chu kỳ thức ngủ đã làm cơ thể phát triển cả một loạt “thông số kỹ thuật” trong ngày: sự chuyển hóa ở gan, áp suất ở mạch máu, nhiệt độ toàn cơ thể, sự tiết acid ở dạ dày, sản xuất hormon, chuyển hóa protein...

Các “thông số kỹ thuật” này đóng vai trò phân phối hoặc thải loại tùy theo tính hiệu quả hoặc tính độc tố của thuốc. Như gan với vai trò quan trọng trong việc thải loại các phân tử, lưu lượng máu của nó dao động suốt ngày và lên đến tối đa vào buổi sáng sớm.

Chính do vậy mà hiệu quả của thuốc khi vào cơ thể mỗi lúc mỗi khác tùy theo thời điểm thích hợp của từng bộ phận. Theo Bernard Bruguerolle tại Phòng thí nghiệm dược học và lâm sàng Marseille (Pháp), hiện nay chúng ta đã nhận diện được hơn 200 loại thuốc mà tính hiệu quả và tính dung nạp của chúng thay đổi tùy thuộc vào thời điểm tiếp nhận vào cơ thể.

Điển hình như aspirin, nếu uống vào buổi sáng thì vào buổi tối sẽ gây hại cho dạ dày. Và nên uống vào các bữa ăn để được dung nạp tốt hơn. Tương tự, một số corticosteroid chỉ định cho bệnh hen suyễn nên được thực hiện một lần vào buổi sáng để đáp ứng các nhịp điệu sinh lý của cortisol (đỉnh điểm là từ 7 đến 9 giờ) nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả hơn.

Cuối cùng, một nghiên cứu lớn hơn 6 năm trên hơn 2.100 bệnh nhân tăng huyết áp cũng phát hiện dùng thuốc huyết áp vào ban đêm giúp cải thiện hiệu quả điều trị hơn và đặc biệt là giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 3 lần.

Nhưng có một điều thú vị và không ngờ là người Trung Hoa đã biết đến cái đặc tính chữa trị theo thời điểm này từ... hơn 4.000 năm trước. Theo y thư cổ, họ chữa trị cho gan vào khoảng từ 1 đến 3 giờ sáng, chữa trị cho phổi từ 3 đến 5 giờ sáng, chữa trị cho dạ dày từ 7 đến 9 giờ sáng, chữa trị cho lá lách và tụy tạng từ 9 đến 12 giờ trưa, chữa trị cho tim vào lúc 11 giờ trưa, chữa trị cho ruột từ 13 đến 15 giờ, chữa trị cho thận từ 17 đến 19 giờ và chữa trị các bệnh về tình dục từ 19 đến 21 giờ. Đặc biệt là “cái khoản” 19 đến 21 giờ này, người Trung Hoa cho rằng rất tốt cho việc sinh hoạt tình dục nên họ rất chuộng thời điểm này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Uống thuốc cũng phải đúng thời điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO