Ung thư tuyến giáp: biết sớm trị khỏi bệnh đến 95%

TRUNG DUNG| 19/11/2019 15:36

KHPTO - Ung thư tuyến giáp khá thường gặp, đứng hàng thứ năm ở phụ nữ. Bệnh phát hiện sớm và điều trị đúng cách cho kết quả tốt trên 95%. GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết cách nhận biết và hướng điều trị bệnh này.

Lúc đầu triệu chứng rất âm thầm - có khi chẳng thấy gì. Bác sĩ rà máy siêu âm vòng cổ thấy một hột nhỏ vài mm trong tuyến giáp. Hột nhỏ này, rờ được dưới da, nó chạy lên chạy xuống khi nuốt nước miếng - đây là triệu chứng sớm thường gặp nhất. Ngoài ra, giọng nói thay đổi, khàn tiếng ngày càng nhiều hơn. Nuốt khó, đau ở cổ và họng hoặc có vài cục hạch ở cổ bên. Nếu có một trong các triệu chứng này nên đến gặp bác sĩ để khám ngay.

Bác sĩ khám tìm một hoặc vài hột ở trước cổ và các cục hạch ở cổ bên. Siêu âm rà vùng cổ để xác định tính chất lành ác của hột giáp và các hạch cổ. Nhờ siêu âm hướng dẫn, bác sĩ dùng kim nhỏ chọc vào bướu hút lấy tế bào (gọi là FNA) để xác định ung thư và xét nghiệm máu lưu ý chất TSH trong cơ thể.

Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt có thể là triệu chứng của ung thư tuyến giáp.

Điều trị

Các loại ung thư quyết định cách điều trị. Ung thư giáp dạng nhú (Carcinôm nhú) thường gặp nhất, chiếm đến 80% các ung thư tuyến giáp. Ung thư giáp dạng nang (Carcinôm nang), chiếm khoảng 15%. Dạng nhú và dạng nang gộp lại gọi là ung thư biệt hóa, chiếm khoảng 90 - 95%, nữ có gấp 3 - 4 lần nam giới. Phần lớn gặp ở người từ 45 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, ít ai biết đây là loại ung thư dễ trị khỏi, nếu điều trị đúng cách, khả năng khỏi bệnh đến 95%. Các loại hiếm gặp gồm ung thư giáp dạng tủy, có thể di truyền và ung thư giáp không biệt hóa, ác tính cao rất khó trị.

Phẫu trị, là phương pháp điều trị tốt nhất: mổ cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp tùy vào từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ sẽ lấy các hạch lymphô ở bên cổ để thử ung thư có xâm nhiễm không. Đường mổ cổ theo nếp da để sẹo tốt. Cuộc mổ có thể gây chảy máu và nhiễm trùng. Nếu cắt mất hoặc gây hư hại các tuyến cận giáp sẽ gây chứng hạ calci máu. Tổn thương dây thần kinh nói sẽ làm liệt dây thanh âm, giọng khàn, giọng nhỏ đi hoặc khó thở. Trong tay bác sĩ lành nghề, các tai biến này hầu như không xảy ra.

Liệu pháp hormon, sau mổ, bác sĩ cho người bệnh dùng thuốc levothyroxin (hormon giáp). Viên thuốc có hai mục đích, trước hết bù lại lượng hormon giáp thường do tuyến giáp nhả ra và đồng thời đè nén sản xuất hormon TSH từ tuyến yên. Lượng TSH cao có thể kích hoạt các tế bào ung thư sót lại.

Đồng vị phóng xạ, sau mổ UTTG, thường người bệnh băn khoăn có cần uống iod phóng xạ? Các tế bào giáp hấp thụ I131 phát tia phóng xạ giết chết các tế bào lành còn sót sau khi cắt giáp, đồng thời giết các tế bào ung thư còn rơi rớt. Iod phóng xạ còn giúp điều trị hiệu quả ung thư tái phát hoặc lan tràn cho cơ thể. I131 cho uống dưới dạng viên bọc hoặc dạng lỏng. Không sợ hại các tế bào khác, vì trước tiên I131 phóng xạ bị các tế bào ung thư chộp lấy. Iod phóng xạ được đi tiểu ra trong vài ngày đầu nên người bệnh cần tránh tiếp xúc với người khác, nhất là trẻ em và phụ nữ mang thai.

Xạ trị ngoài, được dùng điều trị khi ung thư di căn xương và ung thư giáp loại không biệt hóa.

Hóa trị, chỉ được áp dụng khi các phương pháp khác không hiệu quả.

GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng nhấn mạnh: “Dù đã mổ lấy trọn tuyến giáp, nhưng ung thư có thể tái phát nhiều chục năm sau, dưới dạng các hạch cổ, các cục nhỏ ở nơi mô giáp còn sót hoặc di căn ở phổi hoặc xương. Tuy nhiên, ung thư giáp tái phát hoặc di căn đều có thể điều trị tốt”.

Phòng ngừa

Hiện tại, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, cần chú ý đến một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp: phụ nữ tuổi từ 18 - 50, xạ trị ở vùng đầu và cổ. Trong gia đình có tiền sử người thân bị mắc bệnh này, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Tránh tiếp xúc với các chất, tia phóng xạ. Khi cơ thể có các biểu hiện lạ như mệt mỏi không rõ nguyên nhân, cơ thể trở nên nhạy cảm hơn… cần đến khám tại các cơ sở y tế, vì đây là biểu hiện của rối loạn hormon tuyến giáp. Thường xuyên tự kiểm tra vùng cổ để kịp thời phát hiện các khối u bất thường. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Chế độ ăn dùng muối iod, sử dụng các thực phẩm giàu iod như tảo, rong biển, hải sản, ăn các loại thực phẩm giàu magnesium tốt cho tuyến giáp như hạt điều, hạnh nhân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ung thư tuyến giáp: biết sớm trị khỏi bệnh đến 95%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO