Ứng dụng GIS hướng đến đô thị thông minh

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 29/10/2018 10:51

KHPTO - Nhằm trao đổi về những kết quả nghiên cứu ứng dụng GIS, viễn thám trong thời gian qua và thảo luận hướng nghiên cứu, hợp tác và phát triển các khoa học liên quan đến GIS trong thời gian tới; cũng như nâng cao năng lực ứng dụng GIS, viễn thám trong nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước, giáo dục và phát triển cộng đồng tại Việt Nam. Trong hai ngày 26 và 27/10/2018 tại TP.HCM, Viện địa lý tài nguyên TP.HCM đăng cai tổ chức hội thảo: "Ứng dụng GIS toàn quốc 2018".

Hội thảo năm nay có sự tham dự khoảng 200 đại biểu gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ, giảng viên các trường đại học, viện và các trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước; cán bộ các sở, ban ngành và quản lý Nhà nước, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thực tiễn cho thấy việc nghiên cứu, khai thác và ứng dụng các loại hình công nghệ liên quan đến sự phân bố không gian và biến động theo thời gian, đặc biệt là hệ thống thông tin địa lý GIS, là đòi hỏi thực tiễn không thể thiếu trong việc trong hoạt động hoạch định và quản lý đô thị.

Năm nay, chủ đề của hội thảo là “Hướng tới đô thị thông minh” - một chủ đề để hòa nhịp với sự phát triển với các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Các nội dung chính được trình bày như: Đô thị thông minh; Biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tai biến thiên nhiên; Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; Công nghệ GIS, viễn thám và công nghệ hỗ trợ; Các hệ thống hỗ trợ ra quyết định và các hệ thống nền tảng tri thức; Các công nghệ quan trắc tiên tiến và UAV; Triển lãm các công nghệ mới về GIS, GPS, công nghệ viễn thám, công nghệ quan trắc, công nghệ thông tin và viễn thông…

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Việt Hòa – viện trưởng Viện địa lý tài nguyên TP.HCM - nhận xét các báo cáo tại hội thảo năm nay có chất lượng chuyên môn tốt, đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành/lĩnh vực khác nhau. Những chủ đề được các báo cáo đề cập đều gắn liền với những yêu cầu của lý luận và thực tiễn cuộc sống.

Qua hơn 10 tháng chuẩn bị, ban tổ chức đã nhận được gần 150 bài báo. Qua công tác biên tập, phản biện, có 89 bài được chọn đăng trong kỷ yếu hội thảo. Trong số đó, 25 bài báo có chất lượng tốt được chọn đăng trong số đặc biệt của tạp chí Khoa học Trường đại học sư phạm TP.HCM sẽ được xuất bản trong tháng 11 năm nay. Các báo cáo trong Kỷ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực chuyên môn: GIS và đô thị thông minh; GIS, viễn thám trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững; GIS, viễn thám trong giảm nhẹ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; GIS, GNSS, mô hình toán và các hệ thống thông tin tiên tiến.

“Ứng dụng tính toán mô phỏng chất lượng không khí ở TP.HCM” là một giải pháp nhằm xây dựng bộ dữ liệu về phát thải, mô phỏng, dự báo khí tượng và chất lượng không khí, đồng thời xây dựng ứng dụng chia sẻ thông tin trên web và mobile. Với định hướng tìm kiếm giải pháp khả thi trong việc theo dõi và dự báo chất lượng không khí, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng và nhóm cộng sự thuộc Viện khoa học và công nghệ tính toán (Sở KHCN TP.HCM) đã thực hiện nghiên cứu ứng dụng có tên “Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng thành phố Hồ Chí Minh”, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TP.HCM và một số vùng lân cận.

Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, quá trình mô phỏng và tính toán dựa trên dữ liệu phát thải từ các nguồn giao thông và công nghiệp, bởi đây là 2 nguồn chính đóng góp tải lượng phát thải nhiều nhất vào không khí TP.HCM. Mô hình dự báo được xây dựng tổng hợp từ số liệu khảo sát môi trường tại 473 công ty nằm trong 15 khu nghiệp, 400 doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, kết hợp một số báo cáo giám sát môi trường thuộc quản lý của Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (HEPZA) và Chi cục bảo vệ môi trường TP.HCM. Số liệu khí tượng được thu thập tại các trạm ở TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai). Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát triển một mô hình tính toán về khí thải phát ra từ các phương giao thông, kết hợp giải thuật nhận dạng và đếm lượng xe trích xuất từ hình ảnh từ camera giao thông ở 55/300 địa điểm phân bố đều ở các quận huyện, có chất lượng hình ảnh tốt và góc quan sát rộng.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình dự báo chất lượng không khí phù hợp với khu vực TP.HCM. Việc áp dụng dữ liệu camera trong hệ thống giám sát camera giao thông của thành phố là phương pháp mới, phù hợp với mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, nhân lực và thời gian thực hiện. Ngoài ra, việc áp dụng kết quả dự báo chất lượng không khí toàn cầu vào việc tính toán dự báo địa phương cũng là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính đúng đắn trong bài toán mô phỏng chất lượng không khí địa phương khi chịu ảnh hưởng của các khu vực lân cận và xa hơn nữa là vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng kỳ vọng sắp tới nhóm nghiên cứu sẽ phát triển thành công loại cảm biến nhỏ gọn (có thể gắn lên xe máy hoặc xe buýt) để thu thập nhanh chóng và chính xác hơn dữ liệu chất lượng không khí theo thời gian thực. Đây là việc làm cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển hóa dữ liệu quan trắc thành đầu vào cần thiết cho công tác dự báo quy luật phát thải, khả năng phát thải. Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm.

Không chỉ thế, ông cũng mong muốn đề tài này trở thành bước tiến lớn cho một sản phẩm khoa học trí tuệ Việt hàng đầu do chính những sinh viên – nghiên cứu sinh trong nước nghiên cứu và sản xuất, chứ không cần phải bỏ tiền mua thiết bị của nước ngoài để thực hiện, cũng như tính toán chế tạo loại sensor có khả năng đo độ mặn nhằm mở rộng tính năng của đề tài sang đo đạc môi trường nước.

Từ thành công của đề tài, Viện khoa học và công nghệ tính toán đang tiếp tục triển khai các hệ thống quan trắc tự động, kết hợp những ứng dụng trực tuyến và phần mềm theo dõi tự động chất lượng không khí trên điện thoại di động. Những hệ thống nói trên được mong đợi sẽ cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về chất lượng không khí đồng bộ và giúp quá trình mô phỏng hoạt động chính xác theo thời gian thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng GIS hướng đến đô thị thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO