Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp - yêu cầu cấp thiết

MINH LÝ - H. KỲ| 15/06/2018 15:28

KHPTO - Theo các nhà khoa học, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng cây trồng biến đổi gen có tính kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ đã giúp giảm thiệt hại năng suất, công lao động, thuốc trừ sâu, qua đó, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trong 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng diễn ra khá nhanh.

Thành phố đã đưa ra nhiều chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Đặc biệt là việc đưa công nghệ sinh học vào nghiên cứu, lai tạo ra nhiều loại cây trồng vật nuôi mới tại các trung tâm công nghệ sinh học, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.

Thành phố cũng đã đầu tư kinh phí 17 tỷ đồng cho một số đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm, bước đầu đã tạo ra một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao phục vụ vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã cung cấp cho thị trường 59,5 tấn hạt giống F1 chất lượng cao các loại.

Xây dựng được 329 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP trên tổng diện tích canh tác 145,7 ha.

Hiện nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM đã kêu gọi được 14 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia đầu tư và triển khai hoạt động trong khu trên diện tích 56,17 ha.

Nền tảng sản xuất nông nghiệp an toàn

Theo ông Nguyễn Tuấn, phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, công nghệ sinh học (CNSH) có vai trò rất lớn để phát triển nông nghiệp, các tiềm năng do CNSH mang lại rất lớn và tiềm tàng và hiện nay chúng ta vẫn chưa đạt đến giới hạn kinh tế.

Việc ứng dụng CNSH còn giúp các hộ nông dân nhỏ lẻ có nguồn lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, hứa hẹn cho sự phát triển bền vững nông nghiệp quốc gia và toàn thế giới thông qua việc cải thiện năng suất, đánh giá và kiểm soát hoạt động các CNSH lên con người và môi trường.

Hiện nay, nước ta có hơn 1.000 cơ sở, sản xuất ra trên 14.000 chủng loại phân bón khác nhau (thống kê theo danh mục của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn vào tháng 10/2017), trong đó, có khoảng 17.00 loại phân hỗn hợp N-P-K. Hiệu suất, sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay rất thấp, đạm mới chỉ đạt 30 - 45%, lân 20 - 30%, kali 40 - 50%. Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều phân đạm tới mức lạm dụng - đã làm tăng dần sự mất cân đối các dưỡng chất trong đất ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, làm tăng nguy cơ đe dọa đến sức khỏe vật nuôi và con người.

Nhiều phân bón thế hệ mới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ra đời mang lại hiệu quả cao như phân bón được sản xuất theo công nghệ nano, sản xuất theo công nghệ vi sinh và enzym, nhóm phân bón sinh học chức năng có hoạt lực cao, nhóm phân đạm sản xuất theo công nghệ mới...

Lo cho đầu ra sản phẩm ứng dụng công nghệ

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, phó trưởng ban an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cho biết: “Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2013, thành phố đã thực hiện xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại TP.HCM. Nhằm xây dựng và phát triển thực phẩm an toàn cho TP.HCM, cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho thành phố, không chỉ về số lượng, mà cả về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Ban ATVSTP đã tổ chức ký kết với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An (ngày 26/6/2017) và tỉnh Lâm Đồng (ngày 30/8/2017) về phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giữa các tỉnh và TP.HCM giai đoạn 2017 - 2019.

Với mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn giữa các tỉnh và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ...

Đến nay, Ban quản lý đề án chuỗi cấp 134 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 53 cơ sở thuộc địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu với tổng sản lượng 78.198,1 tấn/năm. Trong đó, trứng gà 213.315.984 quả/năm, thịt gà 16.310,6 tấn/ năm, thịt vịt 59,4 tấn/năm, thịt heo 43.166,6 tấn/năm, rau quả 16.963,5 tấn/năm, trà 140 tấn/ năm, thủy sản 1.558 tấn/năm và nước mắm 4,4 triệu lít/năm.

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM chưa có đơn vị chứng nhận sản xuất hữu cơ phù hợp TCVN 11041:2015 về hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, đã có nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học như trồng trên giá thể hữu cơ, sử dụng các chế phẩm hữu cơ hoặc hữu cơ sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp - yêu cầu cấp thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO