Tỷ phú cà phê ghép

14/12/2007 10:21

Dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi cái mới để áp dụng, đó là tính cách của anh Phạm Xuân Trường (thôn 5 xã Đamb’ri, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng), người đã thành công trong việc ghép cà phê tạo giống mới, kết hợp trồng cỏ để tăng năng suất cà phê, mỗi năm thu được khoảng 2 tỷ đồng.

Anh Phạm Xuân Trường cho biết, trước đây gia đình anh trồng cà phê chủ yếu bằng hạt. Thế nhưng do địa hình hầu hết là đất dốc, sau mỗi mùa mưa, đất bị xói mòn trôi hết đất màu, cà phê không đạt năng suất cao, chỉ từ 1 - 1,5 tấn/ha. Nhiều người khác cũng lâm vào tình trạng như anh và đã bỏ đất trống. Năm 1995, anh bắt đầu tuyển chọn giống để ghép và nuôi cỏ trong vườn cà phê. Năm 2001, mô hình thành công, cà phê phát triển tốt, năng suất cao.

Kỹ thuật ghép

Anh Trường cho biết có hai cách là ghép cải tạo vườn (ghép trên gốc cũ), hai là ghép mới hoàn toàn. Cần phải chuẩn bị bầu đất (đất tơi xốp giàu mùn, phân chuồng hoai mục, trộn đều đóng bịch nylon, ở dưới đáy có đục lỗ để thoát nước). Chọn hạt cà phê mít (cây tốt, năng suất cao, không bị sâu bệnh), xát vỏ ngâm qua nước vôi nồng độ 5% rồi gieo trên cát hoặc đất thật tơi xốp. Sau khoảng hai tháng (cây lá sò) nhổ cây cắm vào bịch, xếp đứng trong vườn ươm có che lưới. Tưới nước vừa phải để giữ độ ẩm.

Anh Trường áp dụng kỹ thuật ghép nối ngọn hay ghép nêm (chữ V). Cây cà phê mít được 1 năm tuổi, từ 5 - 6 cặp lá được chọn làm gốc ghép. Dùng dao sắc cắt ngang mặt cây cà phê mít sau đó chẻ hình chữ V, có độ sâu 1,5 - 2 cm. Chồi ghép dài (15 - 20 cm) đã được tuyển chọn từ những cây đầu dòng, năng suất, chất lượng hạt tốt, không bị sâu bệnh (giống cà phê sẻ) để làm ngọn.

Anh dùng dao sắc gọt vát hai bên thành hình chữ V, đưa chồi ghép vào phần chẻ của gốc ghép sao cho phần vát của chồi ghép và gốc ghép khớp nhau. Dùng hai ngón trỏ và ngón cái giữ chặt, dùng dây nylon rộng 1 cm, dài 15 cm quấn chặt, che kín đoạn chẻ của gốc ghép theo chiều từ dưới lên, quấn qua phần cắt gốc ghép 0,5 cm rồi thắt nút lại. Anh dùng túi nylon PE chụp qua phần ghép, lấy cây tăm tre nhọn găm lại để hạn chế sự thoát nước của cành ghép và ngăn không cho nước mưa, nước tưới xâm nhập vào vết cắt.

Sau khi thao tác xong, anh đặt bầu vào giàn che theo hàng, giàn có độ ánh sáng 75 - 80%. Trong thời gian này để cây đứng yên, không bón phân. Sau 25 ngày, anh tháo túi chụp, tăng cường tưới nước, tưới phân NPK. Cây để trong vườn ươm 30 ngày là trồng được.

Cách trồng cà phê ghép cũng giống như trồng cà phê hạt. Nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 - 6). Sau 30 tháng bắt đầu thu trái bói.

Trồng cỏ làm phân bón

Anh Trường chọn giống cỏ gừng (loại cỏ có lá dài giống lá gừng, bên dưới có lông, lá rất mềm), cấy vào vườn. Mùa mưa cỏ tự phát triển rất nhanh, chống được xói mòn. Cỏ dài khoảng 50 cm, anh Trường dùng máy phát cỏ. Anh để cho cỏ hoai mục làm nguồn phân hữu cơ, đồng thời tạo môi trường cho giun đất phát triển. Giun đào bới nhiều đất trở nên tơi xốp, cho nên vườn cà phê không cần cuốc, giảm chi phí tới mức tối thiểu. Đặc biệt anh không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay trang trại của gia đình anh Trường đã có 10 ha cho thu hoạch ổn định với năng suất 7 - 10 tấn/ha và 20 ha mới trồng.

Gia đình anh Phạm Xuân Trường một năm thu trên 70 tấn cà phê (giá bình quân khoảng 27.000 đ/kg). Một vụ anh bán từ 400.000 - 500.000 cây giống. Nhờ mô hình trồng cây cà phê ghép kết hợp nuôi cỏ và sản xuất cây giống, tổng thu nhập của gia đình khoảng 2 tỷ đồng/năm. Anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức lương 1 triệu đồng/người/tháng. Sắp tới đây, trại phấn đấu sản xuất 1.000.000 cây giống nhằm đáp ứng cho thị trường.

Năm 2005 anh vinh dự đón nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh. Tháng 8 vừa qua, anh vinh dự ra thủ đô Hà Nội nhận bằng chứng nhận “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” và bằng khen của Hội nông dân Việt Nam. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ phú cà phê ghép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO