Từ ‘Nhật ký cô giáo – Học kỳ Xuân’ đến ‘Mây trắng bay qua bục giảng’

TÔN GIA QUYỀN| 20/11/2019 10:26

KHPTO – Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, báo Khoa Học Phổ Thông xin giới thiệu đến bạn đọc 2 cuốn sách viết về những vui buồn của nghề giáo qua những mẩu truyện ngắn. Trong đó, có tác giả là nữ giảng viên đại học, và cả những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh.

Nhật ký cô giáo – Học kỳ Xuân

Là tập tản văn mang phong cách mạng xã hội (social network) của một nữ giảng viên đại học, sách ‘Nhật ký cô giáo – Học kỳ Xuân’ có thể mang đến một luồng gió mới cho những ai yêu thích thể loại truyện ngắn.

Tập tản văn này có thể xem là cuốn sổ ghi chép đầy ngẫu hứng của tác giả Hồ Yên Thục khi mỗi ngày lên lớp không phải là một ngày “lên thẳng trên mây” thì hẳn là một ngày “tuột mood ngay xuống đất”.

Sinh viên là nhân vật trung tâm của mẩu chuyện, nhưng xen lẫn vào lối dẫn chuyện khéo léo, sự sắp xếp các đoạn tự sự và hội thoại đa tuyến (nhân vật) lại chính là nỗi niềm của một nữ giảng viên đại học, đại diện cho nghề giáo, trước bộn bề lo toan cuộc sống, công việc.

Đọc Nhật ký cô giáo – Học kỳ Xuân, bạn sẽ hiểu ra rằng: có chí ít một nghề mà chủ thể thực hiện nhiệm vụ không được đi trễ, dù chỉ là vài phút, bởi ngay sau tiếng trống báo tiết, là giáo viên - giảng viên phải sẵn sàng triển khai chương trình đào tạo.

Giảng dạy ở bậc đại học, khách thể của tác giả Hồ Yên Thục là các bạn sinh viên, đến từ nhiều vùng miền của đất nước, họ có đủ loại tính cách, sở trường, sở đoản, thói quen và cả hoàn cảnh riêng.

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, câu nói ấy quả đúng, khi mà qua lời kể của Hồ Yên Thục, chỉ riêng câu chuyện điểm danh, khất làm bài tập nhóm cũng muôn màu muôn vẻ, thậm chí là trăm phương nghìn kế, và thi thoảng có những sự ngơ ngác đến không thể nào tưởng tượng nổi.

Nhưng rồi, ở trong môi trường giáo dục ấy, thi thoảng, người nữ giảng viên vẫn đón nhận được sự chân thành từ các học viên của mình, người mà chị yêu mến nhận họ là “đồng nghiệp”, và cảm xúc ấy càng vỡ òa, càng thăng hoa, khi những anh, chị, bạn đồng nghiệp ấy hoàn thành chương trình đào tạo ở trường, sẵn sàng vào đời để kiếm tiền, chi trả các “hóa đơn cuộc sống” hệt như cách mà tác giả đang thực hiện một cách nghiêm túc, căng tràn nhiệt huyết.

Sách thấy có bán tại cửa hàng sách Văn hóa - Văn nghệ (88 - 90 Ký Con, Q.1, TP.HCM), và quầy M3 đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1), với giá bìa 65.000 đồng.

Tác giả Hồ Yên Thục hiện là giảng viên đại học, sinh sống và làm việc tại TP.HCM; có bằng thạc sỹ quản lý giáo dục Đại học Portsmouth (Anh).

Mây trắng bay qua bục giảng

Cũng dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 này, một tựa sách thú vị khác mà bạn đọc có thể không thể bỏ qua là ‘Mây trắng bay qua bục giảng’. Cuốn sách gồm 27 câu chuyện gắn kết nghề dạy học và nghề cầm bút.

Trong 27 nhà văn, nhà thơ cùng ngoái lại khoảnh khắc ‘mây trắng bay qua bục giảng’, có những người khá nổi tiếng như Huỳnh Như Phương, Nguyễn Nhật Ánh... Tuy nhiên, trong mỗi dòng bộc bạch của họ, bạn đọc vẫn dễ dàng nhận ra một điểm chung, đó là: nghề giáo thực sự là một nghề cao quý. Nghề giáo, dù bục giảng đặt ở đô thị nhộn nhịp, hay nằm ở nơi núi rừng hoặc hải đảo, cũng đều hướng đến sự nghiệp trồng người với nhiều thử thách và đáng tự hào.

Với mong muốn lắng nghe thật chân thành những câu chuyện về cuộc đời của những nhà giáo đã và đang gắn với bảng đen - phấn trắng, nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ TP.HCM đã phối hợp với Công ty văn hóa Huyền Đức thực hiện cuốn sách ‘Mây trắng bay qua bục giảng’.

Đặc biệt, khi những nhà giáo trực tiếp thổ lộ vui buồn lại là những nhà văn, nhà thơ. Hai vẻ đẹp cùng hiển lộ, vẻ đẹp của nghề dạy học và vẻ đẹp của nghề cầm bút. Ở đó có không ít gửi gắm. Ở đó có không ít hoài bão. Ở đó có không ít băn khoăn. Và ở đó, cũng có không ít day dứt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ ‘Nhật ký cô giáo – Học kỳ Xuân’ đến ‘Mây trắng bay qua bục giảng’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO