Tự chủ đại học: không lạ với thế giới nhưng chưa quen ở Việt Nam

Anh Thư| 18/11/2019 18:19

KHPTO - Tự chủ đại học không lạ trên thế giới nhưng chưa quen với Việt Nam; ở các nước không có vấn đề nên hay không nên, mà coi đó là một thuộc tính của giáo dục đại học, GS.TS. Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Việt Nam, cho biết như trên tại hội thảo khoa học: “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”, do Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông (ORDI), Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, phối hợp với Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức.

Tự chủ là không thể thiếu

GS.TS. Trần Hồng Quân cho rằng, với các nhà quản lý, cũng có người rất thật lòng muốn trao quyền tự chủ cho các trường, nhưng không phải ai cũng nhận thức ra rằng: tự chủ là điều không thể thiếu để các trường có thể năng động sáng tạo và phát triển. Ngoài ra, động cơ vì lợi ích riêng cũng cản trở việc giao quyền tự chủ cho các trường.

Đối với các trường, trường nào thường bị vướng mắc trong quản lý tập trung thì ủng hộ việc triển khai thực hiện tự chủ; nhưng với trường thiếu tự tin, sợ mất nguồn ngân sách nhà nước, sợ tự lập thì không hoan nghênh tự chủ. Đã qua rồi giai đoạn tập trung thuyết phục các nhà quản lý, giờ đây chuyển sang giai đoạn tập trung thuyết phục các cơ sở đào tạo chuẩn bị nhập cuộc thực hiện tự chủ đại học.

PGS.TS.Huỳnh Thành Đạt - giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM cho biết, sau hơn 20 năm áp dụng quy chế riêng dành cho ĐHQG-HCM, cùng với sự phát triển của mô hình quản lý đại học tiên tiến, từng bước tiếp cận trường đại học trên thế giới, ĐHQG-HCM nhận thấy đang tồn tại khoảng cách giữa các quy định nhà nước và thực tiễn triển khai, làm chậm đi quá trình phát triển của đơn vị.

Cũng theo ông Đạt, hiện nay một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp (như chế độ học phí, lệ phí, . . . ) cũng như nhiều định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành đã lạc hậu hoặc còn thiếu (định mức giờ giảng, định mức biên chế theo định mức, theo ngành nghề…), chưa được ban hành hoặc sửa đổi kịp thời, nên hạn chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Mặc dù chủ trương và chính sách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đã được khuyến khích, nhưng trên thực tế vẫn chưa triển khai được một cơ chế hữu hiệu nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục đại học. Chưa có cơ chế linh hoạt cho các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao để từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội; tạo điều kiện cho người dân ngày càng có nhiều cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngày càng cao. Cũng chưa có cơ chế thông thoáng nhằm khai thác các cơ sở vật chất sẵn có với các hình thức hợp tác khai thác với các nhà đầu tư để tăng nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu.

GS.TS.Đỗ Trung Tá khẳng định, trao quyền tự chủ được xem là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của trường đại học. Sự tự chủ của các trường đại học được thiết kế gần giống như sự phân quyền - các trường đại học được quyền tự do trong việc quản trị tổ chức. Khi đó, lãnh đạo các trường đại học sẽ quản lý các công việc theo hướng tác động và khuyến khích các tư duy cầu tiến, sáng tạo trong công việc và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, để phát triển trường đại học theo chiều hướng năng động và sáng tạo.

Ngoài ra, khi được trao quyền tự chủ, các trường đại học sẽ sử dụng một cách cẩn trọng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính mà nhà trường vận động được, đảm bảo được các nhiệm vụ ưu tiên.

Trao quyền tự chủ là để trường đại học vận hành tốt hơn khi họ được nắm vận mệnh của mình. Tự chủ sẽ tạo động lực cho trường phát huy mọi khả năng, năng lực nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các trường, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động đào tạo. Mặt khác, huy động được sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các trường đại học, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.

Mô hình thành công

Trước đây, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (ĐHTĐT) không có trụ sở đầy đủ để làm việc. Thế nhưng, sau gần 2 năm thành lập và tuyển sinh 2 khóa, toàn trường chỉ có 33 giao viên cơ hữu; trong đó, chỉ có 4 người đủ tiêu chuẩn giảng dạy đại học. Kể từ khi được cơ chế tự chủ, trường này đã đạt được những thành quả rất ấn tượng. Trong điều kiện không được bao cấp từ ngân sách nhà nước về mọi mặt (cả về cơ sở vật chất, trang bị...), tự lo hoàn toàn; trường đã thành công từ cơ chế tự chủ ngoài mong đợi, ngoài dự kiến của nhiều người, trở thành hình mẫu tự chủ để đổi mới và tự chủ để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước.

Với mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu vào năm 2037 và đứng vào nhóm 500 đại học tốt nhất thế giới, ĐHTĐT vạch ra định hướng và quyết tâm đưa mọi hoạt động của trường theo chuẩn mực quốc tế. Trường đã tham gia vào các tổ chức kiểm định và xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Tổ chức QS Stars công nhận trường đạt chuẩn 4 sao/5 sao (là đại học dầu tiên của Việt Nam được công nhận điều này); Hội đồng cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp (HCÉRES) công nhận đạt chuẩn đại học Cộng hòa Pháp; là thành viên liên kết của Mạng lưới bảo đảm chất lượng đại học Đông Nam Á (ASEAN University network - quality assurance); hoàn tất kiểm định và được công nhận 4 chương trình bậc đại học bởi AUN; được QS châu Á xếp vào nhóm 300 trong hơn 500 đại học tốt nhất châu Á; UI Metric xếp vào nhóm 200 trường phát triển bền vững nhất thế giới; Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (URAP) xếp TDTU đứng thứ 2 Việt Nam và thứ 1.422 thế giới; Nhóm 25 đại học, cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN theo thống kê của web of Science (ISI); nằm trong nhóm 200 của THE Impact Rankings (đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội hàng đầu thế giới phạm vi toàn cầu)…

ĐHTĐT đã xây dựng được một hệ thống giáo dục và khoa học - công nghệ với 62 đơn vị trực thuộc. Nhân sự của trư­ờng hiện nay đã tăng lên gần gấp 144 lần so với thời điểm thành lập. Giảng viên có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%. Giảng viên nghiên cứu phải nghiên cứu hàng năm và kết quả nghiên cứu phải được thể hiện bằng công trình đăng trên các tạp chí thuộc ISI/Scopus. Trong vòng 10 năm, ĐHTĐT đã tài trợ, cấp học bổng, hỗ trợ cho hơn 250 giảng viên đi học tiến sĩ nước ngoài, nhất là ở các trường thuộc nhóm 500 trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ đại học: không lạ với thế giới nhưng chưa quen ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO